Theo ghi nhận trên nhiều diễn đàn, khán giả bức xúc trước tình trạng vé chợ đen của Ngày xửa ngày xưa số 34 đội giá lên gấp 5 lần so với giá gốc.
Tối 4.5, sân khấu IDECAF đồng loạt mở bán vé 23 suất diễn Ngày xửa ngày xưa số 34 – Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai (từ 27.5 đến 25.6) trên hệ thống Ticketbox. Đây là chương trình thương hiệu với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ như NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, Lê Khánh, Hoàng Trinh…
Phía sân khấu đưa ra giới hạn mua vé cho một tài khoản. Theo đó, mỗi suất chỉ mua tối đa 4 vé, trong đó có 2 vé VIP hoặc 4 vé thường. Tuy nhiên chỉ vài giờ, hệ thống đã thông báo hết vé. Sau đó, tình trạng bán vé chợ đen trên các diễn đàn bắt đầu xuất hiện. Điều đáng nói là mức giá mà họ đưa ra được nâng lên gấp mấy lần, thậm chí còn xảy ra tình trạng lừa đảo khiến nhiều người bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, N.V.Q bày tỏ thái độ gay gắt trước tình trạng nhiều người cố tình săn vé rồi bán lại với mức giá “trên trời”. Vì không đặt được trên hệ thống nên N.Q.V đã vào các diễn đàn để tìm. Anh bất ngờ khi một người chào giá cho khu vực trên lầu là 1,2 triệu đồng. Vé thường được bán là 1,8 triệu đồng và vé VIP được bán với mức giá 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, giá vé của ba khu vực này được bán trên hệ thống lần lượt là 220.000 đồng, 270.000 đồng và 320.000 đồng.
K.D từng theo dõi các vở diễn như Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Bà chúa tuyết, Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá… Khi biết IDECAF mở bán vé vở diễn mới, cô cố gắng đặt trên hệ thống nhưng không thành. Sau đó, K.D lên các diễn đàn săn vé thì nhận ra mức giá đội lên gấp mấy lần. “Lúc tôi hỏi thì đa số giá vé đều cao hơn ít nhất 200.000 đồng so với giá gốc. Có những cặp vé gần sân khấu dù giá gốc chỉ 370.000 đồng nhưng vẫn được rao bán với giá 3 triệu đồng/cặp”, cô cho hay.
K.D kể thêm cô còn được một người bán cặp vé ở khu vực xa sân khấu với mức giá hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, người này đổi ý, yêu cầu K.D trả cao hơn thì mới giao dịch. “Năm nay rạp giới hạn số vé bán nên tiền vé chợ đen cũng được đẩy cao hơn. Tôi canh vé từ trước đó 15 phút mà vẫn hụt. Nhiều người dùng 5 chiếc điện thoại để đặt mà cũng không được. Có những bạn kêu gọi tẩy chay vé chợ đen nhưng tôi xem chương trình này từ bé, sang năm lại có kế hoạch đi du học nên sợ không còn duyên để xem kịch thiếu nhi”, cô chia sẻ.
Trên một diễn đàn yêu thích kịch sân khấu IDECAF, nhiều người bất bình khi rơi vào tình trạng không săn được vé, trong khi vé chợ đen lại quá cao so với giá gốc. Một tài khoản bức xúc: “Chẳng hiểu đây là chương trình dành cho thiếu nhi hay chương trình của vé chợ đen vậy. Đi hỏi cặp vé gấp 5 lần giá mở bán”. Trong khi đó, nhiều khán giả cũng lên tiếng kêu gọi không mua vé chợ đen để tránh tình trạng “tiếp tay” cho kẻ xấu.
Một tài khoản bình luận: “Mọi người đừng mua vé chợ đen để họ ôm hết rồi bỏ cái tật. Gì mà vé bán giá trên trời, khán giả muốn mua xem cũng khó”. Người xem khác chia sẻ: “Ai mua để bán lại kiếm tiền thì để họ tự ôm vé mà đi xem đi. Mắc hơn vài chục thì chấp nhận được, chứ mắc hơn cả trăm ngàn thì đừng ủng hộ”.
Trao đổi với chúng tôi, Thành Nhân (25 tuổi) nói anh may mắn khi đặt được vé khu vực VIP với mức giá 320.000 đồng từ hệ thống. Vì yêu thích Ngày xửa ngày xưa nên anh đã phải theo dõi mọi thông tin từ fanpage và sau đó vào hệ thống đặt khi chính thức mở bán. “Phải công nhận đặt vé Ngày xửa ngày xưa như một trò chơi may rủi, nhiều bạn nói còn khó hơn đăng ký môn hồi đại học và tôi phải công nhận điều đó là đúng. Kinh nghiệm của tôi là sau khi nhấn chọn ghế, tới bước thanh toán hãy chọn thanh toán trực tiếp bằng ứng dụng sẽ nhanh hơn rất nhiều so với việc nhập thông tin tài khoản ngân hàng”, anh cho hay.
Chúng tôi đang liên hệ đại diện IDECAF để nghe phản hồi. Trong khi đó, trên fanpage của sân khấu cũng nêu rõ: “Xin cẩn thận với vé online chợ đen, sẽ có rất nhiều hình thức để lừa đảo như một vé thật bán cho nhiều người cùng lúc, vé online được làm giả suất diễn, lừa chuyển khoản trước để đặt cọc”.
Theo Báo Thanh Niên