Về trang chủ Xã hội Giáo dục Bối cảnh mới đặt ra khó khăn gì đối với việc nâng cao chất lượng GD đại học?

Bối cảnh mới đặt ra khó khăn gì đối với việc nâng cao chất lượng GD đại học?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe, thay đổi những gì thuộc thẩm quyền cũng như kiến nghị cấp trên lãnh đạo.

Sáng ngày 07/10, tại Huế, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Đại học Huế tổ chức hội thảo “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới”.

Toàn cảnh hội thảo.

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: “Giáo dục đại học đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ là trụ cột, là mục tiêu chiến lược.

Định hướng phát triển của giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới, không chỉ mở rộng quy mô mà còn tập trung nâng cao chất lượng.

Chất lượng giáo dục đại học liên tục được nhắc tới và luôn luôn là vấn đề được quan tâm số một, kể cả hệ thống giáo dục ở các nước trên thế giới.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.

Tôi rất mong muốn, trong hội thảo lần này, qua các tham luận để làm rõ chất lượng giáo dục đại học được thể hiện qua những yếu tố nào? Yếu tố đầu ra, đầu vào hay nội lực bên trong hệ thống? Phải nhìn từ góc độ cả hệ thống giáo dục đại học của chúng ta, từ một cơ sở giáo dục đại học hay chương trình đào tạo…

Thứ hai, trong bối cảnh mới của thế giới cũng như tại Việt Nam, bối cảnh mới của giáo dục đại học, cơ hội, thách thức, yêu cầu đặt ra, khó khăn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học là gì?.

Thứ ba, từ những yếu tố đó, các đại biểu thảo luận thêm những giải pháp nào nội bộ trong hệ thống giáo dục đại học đồng thời, kiến nghị giải pháp nào cho cơ quan cấp trên, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo để chúng ta có thể có những giải pháp đột phá trước mắt cũng như lâu dài, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Mong muốn được lắng nghe thảo luận để Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thay đổi những gì thuộc thẩm quyền của Bộ trong thời gian tới, cũng như kiến nghị cấp trên lãnh đạo, cùng phối hợp với các Bộ ngành, bởi vì giáo dục không chỉ là một ngành nội bộ với các trường, đây là một vấn đề lớn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong thông qua hội thảo lần này làm rõ được vai trò, vị thế, tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng đất nước, nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa để từ đó quan tâm hơn đến chất lượng giáo dục đại học” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Hội thảo “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới” diễn ra trong cả ngày 7/10, với 4 phiên thảo luận.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trong buổi sáng, diễn ra hai phiên với các báo cáo và thảo luận.

Phiên thứ nhất với các báo cáo: “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới: Rào cản, đề xuất và khuyến nghị” của Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến;

“Tình hình tự chủ đại học Việt Nam và rào cản từ pháp luật” của Tiến sĩ Đặng Văn Định.

Phiên thứ hai với các báo cáo: “Phát triển chương trình giáo dục đại học xuất phát từ khung trình độ quốc gia Việt Nam và chuẩn chương trình (Triết lý và cơ sở pháp lý) của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến.

“Những nguyên tắc bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học: Đối sánh một số đúc kết của thế giới và vận dụng của Việt Nam” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hảo và Thạc sĩ Trần Hoài Bảo.

“Nâng cao năng lực của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học” của Thạc sĩ Hoàng Tuấn Anh và Thạc sĩ Nguyễn Thị Hùng.

Theo Báo Giáo Dục Việt Nam

Có thể bạn quan tâm