Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai việc xây dựng, hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Chiều 3.6 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.2023 để thông tin về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm cùng một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo.
Tại họp báo, PV Lao Động đặt câu hỏi: Mới đây, (hồi giữa tháng 5.2023) 3 bệnh nhân tại (TPHCM) ngộ độc botulinum “gần như bị liệt hoàn toàn” do thiếu thuốc giải độc.
Bộ Y tế cho biết giải pháp giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm?
Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ ngành triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với lĩnh vực trang thiết bị y tế, thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CPsửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó có một số giải pháp để đảm bảo nguồn cung liên quan đến hoạt động nhập khẩu trang thiết bị y tế và đến nay cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu trang thiết bị y tế liên quan đến thủ tục nhập khẩu.
Cụ thể, về giấy phép nhập khẩu: Đã gia hạn hiệu lực cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến hết ngày 31.12.2024; cấp số lưu hành các trang thiết bị y tế, đến nay gồm: (Trang thiết bị y tế loại A: 27.847 hồ sơ; Trang thiết bị y tế loại B: 14.508 hồ sơ; Trang thiết bị y tế loại C, D: 1.673 hồ sơ.
Về vấn đề về thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.
Để bảo đảm nguồn cung về thuốc, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15, trong đó cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết 2024.
Từ đầu 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 4 đợt với tổng số 10.572 thuốc (8.204 thuốc trong nước, 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vaccine, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết 31.12.2024.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm, với số mới được cấp thêm này, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại. Do vậy hiện nay cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.
Về các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo nguồn cung đối với trang thiết bị y tế, thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này để tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm.
Ngoài ra, với các thuốc đặc biệt hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
“Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai việc hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây cũng sẽ là một giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp” – Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Theo Báo Lao Động