Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì làm việc với 12 doanh nghiệp là đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và một số địa phương, vùng trọng điểm chăn nuôi trên cả nước trong chiều 9/10/2018, tại Hà Nội.
Sau cuộc “khủng hoảng thừa” thịt lợn năm 2017, từ tháng 4 năm nay, ngành chăn nuôi bắt đầu hồi phục. Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy: Trong tháng 9, giá lợn hơi ghi nhận tăng.
Hiện, giá lợn hơi tại miền Bắc đang giao dịch trong mức 52.000-55.000đ/kg, tăng 2.000-3.000đ/kg so với tháng trước. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên đang giao dịch trong mức 47.000-55.000đ/kg. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương ghi nhận mức tăng cao 4.000đ/kg với giá lên đến 55.000 đ/kg. Tại miền Nam, đà tăng giá lợn hơi tiếp tục được duy trì. Nhìn chung toàn miền, giá lợn hơi dao động phổ biến ở 52.000-53.000đ/kg, tăng 1.000-3.000đ/kg so với tháng trước.
Ông Nguyễn Xuân Dương -quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay: Chi phí 1kg thịt lợn hiện nay chỉ khoảng 35.000-36.000đ/kg. Như vậy, mức giá bán ra hiện nay lãi rất cao.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Ngành chăn nuôi phục hồi, giá cả quá được mà Bộ lại phải mời doanh nghiệp đến bàn giải pháp bởi nếu không bàn ngay thì cái quá được sẽ sang trạng thái khác, đó là không bền vững. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người chăn nuôi mà còn khiến các doanh nghiệp mất thị trường do sản phẩm bên ngoài tràn vào, dịch bệnh bùng phát, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra ở 20 quốc gia trên thế giới”.
Bộ trưởng Cường nhấn mạnh: Giá bán do thị trường quyết định nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các thành tố trong chuỗi gồm: Người tiêu dùng, người chăn nuôi, doanh nghiệp và nhất là giữ được thị trường phát triển lâu dài, bền vững.
Xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Long, Trưởng ngành lợn thương mại và phát triển dự án, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nêu quan điểm: Doanh nghiệp mong muốn có giá ổn định và bền vững, mong Bộ NN&PTNT và Cục Chăn nuôi thường xuyên có thông tin mang tính kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau. “Giải pháp bình ổn trước mắt là cần tăng sản lượng thịt (nguồn cung) để giảm áp lực giá. Về lâu dài, cần quản lý tổng đàn qua việc đăng ký đàn lợn để kiểm soát thị trường” -ông Long nói.
Theo Haiquan