Một cá nhân lấn chiếm, xây dựng trái phép trên diện tích đất đã được UBND tỉnh Bình Thuận giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng King Sea.
Huyện, tỉnh rốt ráo, chính quyền địa phương vẫn chậm chễ
Trong nhiều lá đơn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, Công ty TNHH Đại Thanh Quang chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết cho biết: Ngày 6/3/2018, UBND tỉnh Bình Thuận cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 663/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết, tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 9/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội, ông N.V.T, (tên thường gọi bảy T) trú tại phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết cùng một số đối tượng đã sử dụng phương tiện xe cơ giới, máy ủi, máy khoan giếng, máy trộn bê tông và vật liệu, xây dựng lán trại, tường rào bao quanh với tổng diện tích khoảng 2ha trên phần đất mà Công ty TNHH Đại Thanh Quang đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước tình cảnh trên, Công ty Đại Thanh Quang nhiều lần gửi đơn thư, văn bản đến các cơ quan chức năng kêu cứu, đề nghị can thiệp, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, ông T không những không trả đất mà còn cấp tập xây dựng tường rào bao quanh và một số công trình trên đất.
Ngày 12/4/2022, UBND xã Tiến Thành tiến hành thành lập đoàn kiểm tra hiện trạng thực tế tại vị trí khu đất phát hiện ông T đang xây dựng tường rào, khoan giếng, dựng nhà gỗ…trên đất lấn chiếm đất mà UBND tỉnh đã thu hồi và giao cho Công ty Đại Thanh Quang theo Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 24/3/2005. Tuy nhiên, UBND xã chỉ yêu cầu ông T ngưng việc tác động xây dựng công trình trên đất.
Đến ngày 20/10/2022, sau hàng loạt lá đơn cầu cứu của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có Văn bản số 3545 giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Phan Thiết và Công an tỉnh Bình Thuận xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Đại Thanh Quang. UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã nhận được đơn ghi ngày 29/08/2022 của Công ty TNHH Đại Thanh Quang (đơn do Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển đến). Nội dung đơn kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp nghiêm khắc, quyết liệt để buộc ông T và đồng bọn chấm dứt mọi hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trên phần đất của Công ty Đại Thanh Quang…Tuy nhiên, sự rốt ráo chỉ đạo của cơ quan chức năng cấp tỉnh, thành phố lại không được chính quyền cấp xã thực hiện triệt để, quyết liệt.
Cụ thể, ngày 1/2/2023, UBND thành phố Phan Thiết có Văn bản số 403/UBND-KT gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận khẳng định: UBND thành phố Phan Thiết đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND xã Tiến Thành khẩn trương xác định rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với phần đất mà ông T đang tác động, sử dụng trên phần đất của dự án của Công ty TNHH Đại Thanh Quang để làm căn cứ xử lý các hành vi vi phạm; khẩn trương xem xét, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong khu vực thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết theo quy định của pháp luật.
“Đến nay, UBND xã Tiến Thành vẫn chưa thực hiện các thủ tục để xử lý vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Thảo trong khu vực dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết của Công ty TNHH Đại Thanh Quang theo quy định (chỉ mới kiểm tra thực địa). Chủ tịch UBND thành phố nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND xã Tiến Thành trong việc chậm trễ thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố”- Văn bản 403 nêu rõ.
Đến ngày 18/01/2023, UBND thành phố Phan Thiết tiếp tục có Thông báo số 32/TB-UBND chỉ đạo UBND xã Tiến Thành xử lý dứt điểm vụ việc các trường hợp lấn chiếm đất dự án trong tháng 02/2023.
Đồng thời, ngày 7/3/2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết cũng có Văn bản số 543/UBND- TH nêu rõ: Ngày 9/12/2022, UBND xã Tiến Thành mới xác định chính xác diện tích đất ông Thảo lấn chiếm là hơn 22.716m2 và khẳng định “vị trí thửa đất của ông T đang tác động nằm trong vị trí đất mà UBND tỉnh đã thu hồi, giao cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang và một phần đất nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ”. Nhưng đến tận ngày 6/2/2023 (9 tháng 24 ngày sau khi phát hiện ông T lấn chiếm), UBND xã Tiến Thành mới tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông T với hành vi chiếm đất. Phòng Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc lập biên bản vi phạm hành chính của UBND xã Tiến Thành nhưng không có tờ trình đề nghị xử lý hành vi vi phạm là thiếu trách nhiệm.
Đến ngày 10/2/2023, sau những chỉ đạo quyết liệt, UBND xã Tiến Thành mới có Văn bản số 42/UBND-ĐCXD gửi UBND thành phố Phan Thiết trong đó cho biết đã tiến hành giải quyết đơn của Công ty Đại Thanh Quang và việc lấn chiếm đất của ông T bằng việc 2 lần gửi giấy mời, lập biên bản hòa giải. Đồng thời, UBND xã Tiến Thành đã lập biên bản vi phạm nhưng cho rằng thẩm quyền xử phạt phải của UBND tỉnh. UBND xã Tiến Thành cũng khẳng định làm “hết trách nhiệm” khi đã tổ chức hòa giải nhưng không thành nên hướng dẫn các bên khởi kiện ra tòa.
Sở TN&MT Bình Thuận khẳng định kiến nghị là không có cơ sở
Trước đó, thông tin trên một số cơ quan truyền thông, ông T cho biết: Vào năm 2004 có nhận chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Huệ một thửa đất trồng cây lâu năm có diện tích 17.539m² tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành. Nguồn gốc đất do ông Cam khai hoang sử dụng. Năm 2004, bà Huệ nhận chuyển nhượng lại từ ông Cam và đã được UBND xã Tiến Thành xác nhận. Tại thời điểm sang nhượng đất giữa ông N.V.T và bà Huệ, mảnh đất này chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên hai bên có viết giấy mua bán tay. Ông T còn cho rằng thửa đất có ranh giới ổn định, quyền sử dụng đất, nguồn gốc rõ ràng nên tiến hành xây tường rào và yêu cầu doanh nghiệp thỏa thuận, bồi thường theo quy định.
Sau đó, ông T đã làm đơn gửi Công an tỉnh Bình Thuận tố cáo Công ty Đại Thanh Quang có hành vi giả mạo giấy tờ, hồ sơ đất để chiếm đoạt thửa đất có diện tích 17.500 m2 tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành của ông. Ngày 14/11/2022, Công an tỉnh Bình Thuận ban hành Văn bản số 6222/CAT-PV01 thông tin tới báo chí về những phản ánh của ông T. Công an tỉnh Bình Thuận xác định vụ việc trên xảy ra đã lâu, một số giấy tờ giữa các bên tranh chấp thiếu chặt chẽ, không có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc không có công chứng. Riêng ông T cung cấp cho Cơ quan điều tra giấy sang nhượng thửa đất giữa ông Phan Thanh và bà Nguyễn Thị Huệ có diện tích 17.500m tại thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành vào ngày 23/10/2009 là bản phô tô, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
“Hiện nay ông Thanh và bà Huệ đã chết, cơ quan điều tra không làm việc được nên không xác định có hay không việc sang nhượng đất giữa 2 bên (ông Phạm Văn Vinh là con trai bà Huệ khai xác nhận bà Huệ có bán diện tích đất trên cho ô T, còn lại không bán cho ai khác). Công an tỉnh Bình Thuận khẳng định không có việc bao che, dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật”- Công an tỉnh Bình Thuận cho biết.
Không đồng ý với kết quả giải quyết của các cơ quan, ông T tiếp tục gửi đơn khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận vì cho rằng đã ban hành quyết định thu hồi diện tích đất của ông giao cho doanh nghiệp. Ngày 21/3/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận có Văn bản số 1114/STNMT-CCQLĐĐ gửi TAND tỉnh Bình Thuận. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết: Ngày 22/02/2023, TAND tỉnh có thông báo thụ lý vụ án hành chính do ông T khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý nhà nước trong quản lý đất đai. Theo đó, ông T yêu cầu hủy Quyết định số 672/QĐ-UBBT ngày 24/3/20025 và Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 30/5/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận.
Về yêu cầu khởi kiện của ông T, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận khẳng định: Quyết định số 672/QĐ-UBBT ngày 24/3/20025 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc thu hồi 456.000m và cho Công ty Đại Thanh Quang thuê để xây dựng khu du lịch (tên cũ là Hố Lở, nay là King Sea – PV) là đúng quy định. Việc ông T yêu cầu hủy quyết định này là không có cơ sở. Bởi diện tích 450.410m được UBND tỉnh cho thuê gồm 22.532m đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch 3 loại rừng và 421.026m đất bằng chưa sử dụng do Nhà nước quản lý, không có đất của các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.
Đối với Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 30/5/2005 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc thu đất, cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất đối với Công ty Đại Thanh Quang để xây dựng khu du lịch Hố Lở, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết: Diện tích 61.239m và 42.764 m được UBND tỉnh giao và cho Công ty Đại Thanh Quang thuê có nguồn gốc là đất bằng chưa sử dụng, đất sông suối, đất giao thông không kinh doanh, đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ ven biển do Nhà nước quản lý, không có đất của các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.
Do đó, đối với việc UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1324/QĐ-UBND ngày 30/5/2005 là đúng quy định. Việc ông Thảo yêu cầu hủy quyết định này là không có cơ sở.
Thời gian qua, Bình Thuận được xem là cửa ngõ của các tỉnh phía Nam và điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bình Thuận cũng là địa phương được Trung ương định hướng thu hút đầu tư hình thành trung tâm du lịch – thể thao biển. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng cam kết kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tạo cơ chế thông thoáng cho cho người dân và doanh nghiệp, nhất là cơ chế tiếp cận đất đai nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, sự việc xảy ra tại dự án King Sea có thể được xem là “điểm mờ” trong bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh. Vì vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa sớm tháo gỡ vướng mắc để không làm cản trở sức hút đầu tư của tỉnh.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ sự việc để thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục thông tin khách quan, đa chiều nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.