“Cuộc họp này phải nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, chỉ ra điểm yếu, nêu rõ dự án nào, điểm yếu nào, do ai”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói tại hội nghị giải ngân vốn đầu tư công.
Sáng 20.10, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm của TP.HCM thấp hơn mức bình quân chung cả nước.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết hồi tháng 4.2023 Ban Thường vụ Thành ủy đã lập 13 đoàn công tác kiểm tra các dự án trọng điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện nhưng tiến độ vẫn còn chưa đạt.
Qua báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, có khoảng 1.500 dự án hoàn thành giải ngân trong năm nay, khoảng 300 dự án khác nếu có tác động thì sẽ hoàn thành ở mức độ cao và nhóm 233 dự án đang gặp khó khăn. “Nhóm này là dự án lớn, có tính quyết định đến tỷ lệ chung”, ông Nên đánh giá.
Lý giải việc tổ chức phiên họp chuyên đề, ông Nên cho biết những việc cần làm, phải làm thì Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã làm nhưng chưa ngồi lại đánh giá chung một cách sâu sắc, tháo đúng nút thắt để tạo chuyển biến.
“Cuộc họp này phải nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, chỉ ra điểm yếu, nêu rõ dự án nào, điểm yếu nào, do ai”, ông nói thêm, đồng thời cho biết hội nghị không phải cuộc kiểm điểm nhưng yêu cầu đặt ra là phải nhìn thẳng sự thật, chỉ thẳng nguyên nhân.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đề nghị đối với các chủ đầu tư, địa phương “đi trước về trước” thì cuối năm khen thưởng. Song song đó, những dự án yếu kém cần phải phê bình, kiểm điểm và quy trách nhiệm nếu do chủ quan.
Dù lĩnh vực đầu tư công có những thủ tục kéo dài đến tháng 1 năm sau nhưng theo ông Nguyễn Văn Nên, từ nay đến cuối năm chỉ còn 70 ngày để tăng tốc tỷ lệ giải ngân năm 2023.
Đồng thời, hội nghị nhìn nhận rõ những hạn chế để chuẩn bị cho đầu tư công năm 2024 không bị chậm trễ thông qua việc chuẩn bị sớm, khởi động sớm và giao nhiệm vụ sớm.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết năm nay số vốn đầu tư công được giao lớn hơn năm ngoái, nếu như cả nước khoảng 720.000 tỉ đồng thì TP.HCM chiếm hơn 70.000 tỉ đồng, tương đương 10%. Bên cạnh đó, số vốn được giao nhiều hơn, trong đó có những dự án kéo dài, phải tháo gỡ.
Ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu đánh giá phải khách quan, thấu đáo, không né tránh, không đổ lỗi và cam kết trong 70 ngày tới sẽ làm gì, cần chỉ đạo, tháo gỡ những gì. Không chỉ nêu ra hạn chế, ông Nên còn yêu cầu nêu những kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn của các dự án điển hình để cùng trao đổi, học hỏi.
18 chủ đầu tư chưa giải ngân đồng nào
Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, cho biết trong năm 2023, TP.HCM đã phân bổ 68.490 tỉ đồng, đến ngày 8.10 tỷ lệ giải ngân đạt 32%.
Tính đến nay, có 8/60 chủ đầu tư và 5/22 địa phương giải ngân trên 51% (mức bình quân cả nước); 34/60 chủ đầu tư và 17/22 địa phương giải ngân thấp hơn mức bình quân cả nước. Nhóm này được giao gần 55.900 tỉ đồng nhưng mới giải ngân hơn 19.100 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn 18/60 chủ đầu tư chưa giải ngân đồng nào dù năm 2023 được giao hơn 5.900 tỉ đồng.
Về khả năng giải ngân vốn năm 2023, ông Hoan cho biết có 1.807 dự án được các chủ đầu tư xác định sẽ giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn, trong đó có 288 dự án cần phải đẩy nhanh tiến độ.
Có 233 dự án dự kiến giải ngân dưới 95% với số vốn dự kiến không giải ngân được là hơn 19.500 tỉ đồng, chiếm 28,4% tổng kế hoạch vốn năm 2023 của TP.HCM.
Phân tích sâu hơn, ông Hoan cho biết có 98 dự án không đảm bảo tỷ lệ giải ngân vì ảnh hưởng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Lý do, nhiều dự án chưa được các quận huyện khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, đến khi được duyệt phương án bồi thường thì chi phí thực tế thấp hơn số được duyệt dẫn đến không thể giải ngân.
Thống kê có 12 dự án do nguyên nhân này với số vốn được giao hơn 18.400 tỉ đồng, trong đó có một số dự án lớn như Vành đai 3, tuyến nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (Q.Tân Bình), cầu Ông Nhiêu (TP.Thủ Đức), cầu Rạch Đỉa (Q.7, Nhà Bè).
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch, nhà thầu thi công không đủ năng lực, giá trị quyết toán thực tế thấp hơn dự kiến đăng ký vốn, chậm thủ tục quyết toán dự án…
Theo Sỹ Đông/Thanh Niên