Nhận định về thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng cho biết tiếp tục ghi nhận trạng thái trầm lắng, thiếu nguồn cung mới trầm trọng, thanh khoản thấp… dù lãi suất cho vay đã giảm 4 lần.
Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản thiếu nguồn cung trầm trọng ở tất cả các phân khúc, nhất là nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Doanh nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn nên dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm nhân công… ảnh hưởng đến an sinh, trật tự xã hội.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm, có 25 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành với quy mô khoảng 10.000 căn, đạt khoảng 50% so với 6 tháng cuối năm 2022. Có 4 dự án nhà ở hội xây dựng hoàn thành với quy mô 934 căn hộ. 8 dự án du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành với gần 3.900 căn, bằng 133% so với quý 4/2022 (gần 2.500 căn hộ du lịch, 680 biệt thự du lịch và 247 căn văn phòng kết hợp lưu trú).
Về giá giao dịch bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định là có xu hướng giảm so với 6 tháng cuối năm 2022: giá chung cư tại nhiều địa phương giảm từ 2 – 6%, nhà ở riêng lẻ giảm từ 6 – 10%, đất nền tại các dự án giảm 8 – 11%…
Về tổng lượng giao dịch, Bộ Xây dựng thống kê có khoảng 187.000 giao dịch thành công, chỉ bằng hơn 36% so với 6 tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền. Lượng giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ chỉ bằng hơn 40% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Nợ trái phiếu của nhóm bất động sản vẫn cao nhất
Theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng bất động sản tính đến hết tháng 2 là gần 860.000 tỉ đồng. Bất động sản vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phát hành trái phiếu với hơn 37% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương hơn 100.000 tỉ đồng, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Về nguồn vốn FDI, theo Bộ Xây dựng, trong 3 tháng đầu năm thu hút ước đạt gần 230 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là 4,32 tỉ USD.
Liên quan đến hoạt động tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với nhiều địa phương: như TP.HCM, Đồng Nai… để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên địa bàn.
Đồng thời, tính đến hết tháng 6, Bộ Xây dựng đã nhận được 108 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương, hiệp hội, người dân liên quan đến 168 dự án BĐS và đã rà soát, xử lý theo thẩm quyền.