Về trang chủ Văn hóa Bảo vật quý giá của Phật giáo Việt Nam

Bảo vật quý giá của Phật giáo Việt Nam

Hộp xá lị Phật được khai quật tại di tích Tháp Nhạn, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An năm 1985, là một trong số ít hộp đựng xá lị Phật được tìm thấy ở Việt Nam. Ngày 25 tháng 12 năm 2017, Chính phủ đã công nhận hộp xá lị vàng Tháp Nhạn là Bảo vật Quốc gia theo quyết định số 2089/QĐ-TTg.
Tàn tích tháp cổ rêu phong

Tháp Nhạn – di tích tìm được bảo vật, được xây toàn bằng gạch, ở thời điểm khai quật khảo cổ học thì đã đổ, chỉ còn lại phần chân tháp gần hình vuông với mỗi chiều khoảng 9,6 m x 9 m, dày 2 m. Xung quanh chân tháp cũng là một sân lát gạch gần vuông, chiều Bắc – Nam dài 14,2 m; chiều Đông – Tây dài 14 m. Lòng tháp xây theo kiểu giật cấp, dưới to trên nhỏ hay theo kiểu thượng thu hạ thách.

Hộp xá lị Phật cách đây 1.400 năm. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Phía trên chân tháp có kích thước 5,75 m x 5,6 m thì ở dưới đáy cùng là 3,20 m x 3,18 m. Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường – Viện Khảo cổ học Việt Nam, nếu theo cách tính của L. Bezacier đã tiến hành với một tháp gạch tại chùa Ninh Phúc (Phật Tích – Bắc Ninh) năm 1940 thì Tháp Nhạn có thể cao tới 20,5 m. Với chiều cao như vậy, Tháp Nhạn sẽ là một công trình kiến trúc Phật giáo to nhất xứ Châu Hoan (Nghệ An, Hà Tĩnh) ngày đó.

Giữa lòng tháp có bệ gạch, dưới bệ gạch, cách mặt đất khoảng 1,8 m là hai mảnh thân cây khoét rỗng ghép thành một trụ tròn chôn thẳng đứng.

Trong thân cây chứa đầy than củi đen, to và xốp, trong có đặt một hộp hình chữ nhật bằng đồng đã bị gỉ sét. Lớp gỉ đồng có màu xanh còn bám chặt lấy lớp than đen, mềm xung quanh. Chiếc hộp bằng đồng có kích thước dài 12 cm, rộng 8 cm, cao 8 cm được phát hiện trong tình trạng còn khá nguyên vẹn, cách đầu cây gỗ phía trên khoảng 0,48 m, và nằm ngay rìa cạnh phía tây của cây gỗ. Bên trong hộp đồng này là hộp xá lị bằng vàng.

Hộp xá lị vàng Tháp Nhạn có hình chữ nhật, kích thước dài 8 cm, rộng 5 cm, cao 5,5 cm, nặng 100 gram, được chia thành 2 phần nắp hộp và thân hộp. Nắp hộp có gờ mái chờm ra xung quanh. Trên đỉnh nắp có trang trí hình hoa 6 cánh, có nhụy nhỏ tròn ở chính giữa, xếp liên tiếp tạo thành một khung trang trí chữ nhật. Diềm nắp ăn khít với thân hộp, trên đó trang trí bông hoa 3 cánh, chụm lại dưới một cái cuống với 2 đôi cánh là đối xứng nhau như dạng hoa sen cách điệu.

Những bông hoa sen cách điệu này, được trang trí theo dải băng tạo thành một khung hoa văn chữ nhật. Giữa lòng các ô trống là một mặt phẳng. Trong lòng hộp, khoảng 1/3 đáy hộp là than tro do bị nước thấm vào nên đã quánh lại thành một lớp màu đen rất mềm.

Trên bề mặt lớp than tro ấy, có 2 nửa hình tròn màu trắng đục, trong và mỏng như vỏ trứng. Hai mảnh vòng tròn này là từ một cục tròn có chất trắng đục bị vỡ ra làm đôi.

Như vậy, hộp xá lị Tháp Nhạn có cấu trúc hơi đặc biệt gồm 3 lớp sau:
Lớp 1: là thân cây khoét rỗng và chôn theo phương thẳng đứng ở chính tâm tháp. Bên trong thân cây này có chứa nhiều than tro.

Lớp 2: hộp bằng đồng chỉ để vừa hộp kim loại có màu vàng ở bên trong.

Lớp 3: Hộp chữ nhật là từ kim loại có màu vàng. Trong lòng hộp có chứa khoảng 1/3 là than tro và 2 nửa viên tròn rỗng, màu trắng.

Viên tròn rỗng màu trắng, được cho là xá lị, là một phần tinh túy, là hiện thân của Đức Phật lưu truyền cho mai sau.

Theo Từ điển Phật học của Chân Nguyên Nguyễn Tường Bách, xá lị là: “Chỉ chung những gì còn sót lại sau khi thiêu thân Phật Thích Ca hoặc các bậc đắc đạo, thường được thờ trong các tháp hoặc chùa chiền”.

Người ta cho rằng, tục thờ xá lị có lẽ bắt đầu với Phật Thích Ca. Tục thờ cúng xá lị được lưu truyền trong dân chúng, người ta tin rằng nhờ vậy mà trừ được rủi ro.

Người ta đã tìm thấy xá lị của Phật Thích Ca tại quê hương của Ngài là Ca Tì La Vệ (Kapilavastu) và Vệ Xá Lị (Vaisali). Một răng của Đức Phật được thờ ở Tích Lan, tóc của Phật được thờ ở Myanmar. Người ta cho rằng bình khất thực của Ngài ngày nay vẫn còn.

Theo Đại sử (Mahavamsa) của Tích Lan (Sri Lanka) thì bình này được vua A Dục cho mang qua Tích Lan, sau thời Marco Polo thì vua Tích Lan Kublai Khan cho mang bình qua Trung Quốc”.

Hộp xá lị Tháp Nhạn đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Hữu Mạnh
Báu vật từ nghìn xưa

Bảo vật hộp xá lị vàng Tháp Nhạn được các nhà nghiên cứu nhận định có niên đại vào thế kỷ thứ 7. Trong cuộc khai quật năm 1985 – 1986, các nhà khảo cổ học Việt Nam tìm thấy nhiều viên gạch, ngói ống có hình trang trí.

Đặc biệt là nhiều viên gạch, có phù điêu ba vị Phật ngồi trên tòa sen, trên đầu có vòng hào quang, tay đặt theo thế ấn Thiền định (dhyana mudra) mang nhiều đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Đường.

Đặc biệt, ở Tháp Nhạn còn phát hiện được viên gạch vuông có chữ “Trinh Quán lục niên” tức là viên gạch được làm vào thời Đường, có niên hiệu Trinh Quán năm thứ sáu (tức năm 623) cho phép củng cố luận điểm Tháp Nhạn được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 7.

Việc phát hiện Bảo vật hộp xá lị Phật trong lòng Tháp Nhạn phần nào góp thêm tư liệu xác nhận rằng, xá lị Đức Phật đã có mặt tại Việt Nam từ khá sớm, phù hợp với những ghi chép về việc Cao tăng Pháp Hiền năm 604 đã nhận 5 hòm xá lị và điệp sắc của nhà Tùy phân phát cho các vùng đất của Giao Châu để xây dựng tháp như: một hòm đặt ở chùa Dâu (602-605), một hòm đặt ở Tường Khánh (Nam Định), một hòm đặt ở Châu Ái (Thanh Hóa), một hòm đặt ở Phong Châu (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) và hòm cuối cùng đặt ở đất Châu Hoan (Nghệ An, Hà Tĩnh).

Tháp Nhạn có vị trí ở cực nam Giao Châu nơi mà thư tịch cổ ghi đã nhận được sự phân phối xá lị của sư Pháp Hiền. Tháp Nhạn ở xa vùng lưu vực sông Hồng (ngày nay cách Hà Nội gần 300 km), có quy mô lớn, là một chứng tích về sự phát triển rộng khắp của Phật giáo ở Việt Nam.

Việc phát hiện và khai quật Tháp Nhạn cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố văn hoá Việt – Ấn – Hoa trong nghệ thuật Phật giáo đương thời: yếu tố Trung Quốc (vật liệu và hoa văn trang trí), yếu tố Ấn Độ (hộp xá lị đặt giữa thân cây chôn đứng) và truyền thống mai táng người chết trong quan tài bằng thân cây khoét rỗng từ văn hoá Đông Sơn.

Về phát hiện hộp xá lị trong lòng Tháp Nhạn, GS. Hà Văn Tấn đã viết trong cuốn “Chùa Việt Nam” xuất bản năm 1993 rằng: “Việc đặt hộp xá lị trong lòng thân cây khoét rỗng cũng gợi cho chúng ta nhớ tới tục chôn người chết trong những quan tài thân cây khoét rỗng trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam.

Các tháp xá lị vẫn được coi là mộ tháp, khác với tháp kỷ niệm. Phải chăng đây là sự tiếp hợp giữa Phật giáo với những truyền thống bản địa lâu đời”.

Bảo vật hộp xá lị Tháp Nhạn đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An với mã đăng ký LSb.25266. Hộp xá lị Tháp Nhạn đã được công nhận là bảo vật quốc gia nên thu hút rất nhiều du khách tới tham quan, chiêm ngưỡng.

Theo Báo Lao Động

Có thể bạn quan tâm