Ấp Bình Điền, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long có một “bảo tàng – thư viện”, chủ nhân là nhà báo có bút danh Hoàng Liên Phương (hương thơm của đóa sen vàng). Anh lặng lẽ sưu tầm, gìn giữ và trưng bày một số hiện vật có ý nghĩa về văn hóa, nghệ thuật… và hàng chục ngàn bản sách.
Các bộ sưu tập công phu
Nhà báo Nguyễn Thành Nam (54 tuổi) hiện công tác tại Tạp chí Lao động & Công đoàn. Anh là người say mê sưu tầm vật liệu, dụng cụ sinh hoạt đến sách báo, tạp chí, thơ văn trong và ngoài nước. Được nghe kể và thấy mới biết sự cần mẫn, kiên trì theo đuổi niềm say mê có một không hai của anh. Nghề báo giúp anh có điều kiện đi lại, cả những chuyến du lịch nên dễ sưu tầm… hàng độc! Hình như những vật dụng cần bổ sung các bộ sưu tập lúc nào cũng quanh quẩn, thôi thúc trong anh…
Anh có bộ sưu tập “Thơ người dưng”, những bài thơ được cắt từ các tạp chí văn học, báo chí trong nước. Cắt ra dán vào sổ, mỗi cuốn sổ gồm 100 bài. Đến nay anh có gần 40 nghìn bài. Đặc biệt có bộ sưu tập thơ của các nhà thơ Đồng bằng sông Cửu Long. Cạnh đó, có nhiều đầu sách viết về Hồ Chủ tịch và hơn 1.000 bức ảnh Bác. Nguồn tư liệu khai thác hầu hết ở sách, báo chính thống (các tạp chí văn học nghệ thuật, Tạp chí Văn nghệ quân đội, báo Nhân Dân, báo Đảng nhiều địa phương). Anh khai thác báo mạng vì sợ bị chỉnh sửa, chưa qua biên tập.
Anh sưu tầm hơn 100 bức tôn tượng về Bác cỡ nhỏ, từ tượng đồng, tượng đá đến dĩa, ly tách có in hình ảnh… Bên cạnh đó, là bộ ảnh tư liệu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội qua các thời kỳ; mỗi vị một bộ ảnh riêng kèm tiểu sử… Rồi có cả các bộ sưu tập ảnh những nguyên thủ quốc gia trên thế giới; bộ ảnh về đất nước (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…). Hay bộ ảnh về con người, đất nước Việt Nam được chia ra khoảng 40 chủ đề như ẩm thực, động vật (trên cạn, dưới nước…), thực vật, du lịch, văn hóa vùng cao, đồng bằng, miền biển… Và rất nhiều bộ sưu tập về thiệp cưới, danh thiếp, các câu danh ngôn cắt ra từ những cuốn lịch; các bộ sưu tập tem, tiền giấy… Anh phải đóng hơn 40 tủ nhôm, kiếng, gỗ, kệ sắt để trưng bày…
“Bảo tàng” của anh còn có các bộ sưu tập dụng cụ sinh hoạt cá nhân và gia đình như hơn 200 loại đèn dầu từ đèn trứng vịt, bánh ú đến đèn măng-xông dầu hỏa…; 400 cái zippo sản xuất giai đoạn 1963 – 1974; dụng cụ nấu, đựng đồ ăn trong trang bị của lính Mỹ thời chiến tranh Việt Nam; các loại cân; lu, khạp, tĩn (dụng cụ chứa nước)… Trên gác, anh chất đầy các loại ấm tích, bàn máy may, ti vi, táo đong lúa…
Anh kể, có cái mình mua từ các vựa ve chai, từ người rao bán dạo hoặc biết anh thích sưu tầm đồ xưa nên bạn bè gửi tặng. Hiện anh đang sưu tầm các loại điện thoại. Điện thoại đời từ cục gạch… đập đá, điện thoại có ăng-ten, trượt đến iPhone! “Được cái nào lưu giữ cái đó. Cho con cháu sau này biết trước kia cha ông mình đã từng thắp cái đèn hột vịt để học tập, sinh hoạt trong nhà khi chưa có điện thắp sáng; cái lu, cái khạp đựng lúa, đựng nước khi chưa có các đồ chứa bằng inox, nhựa…”, anh nheo mắt cười. Ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội có trưng bày 2 ti vi loại 7 inch, 2 đèn dầu, 10 cái zippo do anh tặng.
Thực hiện ước mơ lan tỏa tri thức
Cạnh “bảo tàng” còn có một thư viện là hoài bão anh ấp ủ từ khi còn học tiểu học. Phải đến hơn 20 năm sau, ước mơ ấy mới thành sự thật.
Từ lớp 5, cậu học trò Nguyễn Thành Nam đã có ý thức về việc lưu giữ sách, ấy là vào thời điểm đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Nhịn tiền ăn sáng, ăn quà mua sách đọc, trang đầu cuốn nào cũng ghi ngày tháng và ký tên… xác định chủ nhân! Anh kể do ảnh hưởng từ người chị dạy học trước năm 1975 mà mình mê đọc sách, giữ sách, quý sách và coi nó như người thầy, người bạn quý.
Sau khi xong đại học (ngành Ngữ văn, Đại học Cần Thơ) niên khóa 1987- 1991, tiếp cận được khá nhiều nguồn tư liệu, từ năm 2004, anh bắt tay vào việc nâng cấp tủ sách gia đình thành thư viện giúp các em học sinh được đọc để mở rộng tầm mắt, tích lũy kiến thức… Tuổi thơ từng trải qua vô vàn gian khó, cho đến thời sinh viên vẫn phải vừa làm thuê vừa đi học, nên anh càng thấu hiểu những hoàn cảnh thiếu thốn, vượt khó đến trường. Những năm bao cấp anh chưa có điều kiện, kinh tế lại eo hẹp nên sưu tầm hạn chế.
Sau này khi gia nhập làng báo, đã hơn 30 năm, anh mới có dịp thực hiện ước mơ… Đâu chỉ có bạn đọc là học sinh xã nhà mà học sinh các trường của xã Loan Mỹ, Ngãi Tứ và một số trường bên huyện Trà Ôn vẫn qua đọc, mượn sách. Cán bộ, viên chức nhà nước, các cơ quan, đơn vị quanh vùng cũng đến mượn tài liệu chính trị, kinh tế, xã hội để nghiên cứu. Thư viện có vài cuốn sách xuất bản từ thế kỷ XIX; những tờ báo phát hành năm 1975; tạp chí văn nghệ các tỉnh, thành; tạp chí Kiến thức ngày nay đủ bộ…
Tính đến nay, thư viện có hơn 50 nghìn bản sách! Hai gian nhà liền kề, diện tích hơn 100 m2, bề ngang 10 m, dành cho trưng bày sách và “bảo tàng” trong tủ đứng, tủ treo tường… Đến thư viện bạn đọc còn được chiêu đãi nước đóng chai, bánh kẹo chu đáo. Chưa hết, thư viện được trang bị 3 máy vi tính dành cho truy cập tài liệu nữa! Nó đã thành một địa chỉ hấp dẫn, thân thuộc với các cháu học sinh.
Vừa làm báo (từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Sóc Trăng), vừa tham gia thỉnh giảng về báo chí cho trường đại học, các trung tâm truyền thông, trang thông tin điện tử nên thạc sĩ báo chí Nguyễn Thành Nam giao cho chị ruột mình quản lý thư viện. “Nhìn bọn trẻ say sưa đọc sách mà mình thấy có thêm động lực. Phải đọc, phải học vừa mở mang kiến thức vừa trau dồi nghề nghiệp, anh à!”, anh tâm đắc chia sẻ. Tôi hỏi cách quản lý sách báo, anh chân thành bộc bạch: “Thấy bọn trẻ đến đọc là mình vui mà mượn đem về mình lại vui hơn. Đem về cho nhiều người cùng đọc là quá quý! Cho mượn nhưng không có đòi. Cho thì không cho. Thỉnh thoảng cũng kiểm kê, bổ sung, chống mối. Cũng dặn sắp nhỏ đọc xong nhớ trả cho người khác đọc! Nhưng đọc xong nếu nó có cất luôn thì thôi chứ làm sao giờ?”. Chúng tôi cùng cười.
Đồng nghiệp ở Sài Gòn, Sóc Trăng thỉnh thoảng gom sách báo lại tặng làm phong phú thêm thư viện.Một chiều tháng 3.2023, anh điện thoại và gửi cho tôi tấm ảnh chụp vừa huy động được hơn 1 tấn sách, thuê xe tải chở từ Sóc Trăng về Vĩnh Long! Anh cũng vận động từ những người bạn được 20 bộ máy vi tính, cộng thêm 3 bộ của thư viện mình, tặng trường Tiểu học Bình Ninh A – nơi anh theo học thời niên thiếu 22 bộ, 1 bộ còn lại tặng cho một học sinh nghèo. Hằng năm anh đều tặng trường 500 quyển vở.
Chia sẻ với cộng đồng, anh mua cây giống hoàng yến, vận động gần 60 sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM (khu vực Cần Thơ) trồng dọc hai bên lộ liên xã dài gần cây số từ xã Ngãi Tứ đi xã Loan Mỹ.
Hàng tuần anh từ Sóc Trăng về Vĩnh Long rồi đến tận nhà gần 90 cây số! Vất vả là thế nhưng trong miên man suy nghĩ công việc còn có chuyện sưu tầm cái gì hay, lạ, độc và sách bổ sung thư viện! Thật đáng nể!
Theo Báo Thanh Niên