Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân.
Thị trường trong nước đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế bởi trong khi rất nhiều lĩnh vực gặp khó khăn thì 10 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng trưởng tích cực. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương cũng như các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng.
10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, các doanh nghiệp đang triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mại cuối năm. Điểm chung là chương trình năm nay sẽ kéo dài hơn, ưu tiên quảng bá hàng Việt Nam.
Như tại Hà Nội, để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp chuẩn bị lượng hàng Tết với tổng giá trị ước tính khoảng 40.900 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết. Cùng với việc kiểm soát cung cầu, bảo đảm giá cả hàng hóa, Sở cũng sẽ chuẩn bị phương án để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết.
“Tất cả hệ thống phân phối chuẩn bị rất đa dạng nguồn cung hàng hóa cũng như các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để phục vụ đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, những sản phẩm chất lượng cũng như hình thức rất bắt mắt, đẹp phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn” – bà Lan cho biết.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn.
Qua đó, chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.