Thảo luận dự án luật Căn cước, đa số ý kiến đồng tình về việc đổi tên luật và tên thẻ từ căn cước công dân thành căn cước. Tuy vậy, cũng có đại biểu đề nghị tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu thêm đối với một số nội dung trong dự thảo.
Tranh luận về thu thập mống mắt
Dự thảo quy định 5 thông tin về sinh trắc học được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN và giọng nói. Trong đó, ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc quá trình giải quyết vụ việc cơ quan chức năng trưng cầu giám định.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đề nghị không bắt buộc thu thập mống mắt, bởi hệ thống trang thiết bị hiện nay chưa khả thi để triển khai và thực tế cũng chưa thực sự cần thiết. “Với hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân đã được cấp, dự đoán cá nhân của tôi rằng phần lớn chưa bao gồm thông tin về sinh trắc học từ mắt. Nếu phải cập nhật, bổ sung thêm thực sự không cần thiết”, ông Mạc nói và cho rằng nên quy định theo hướng chỉ thu thập khi người dân tự nguyện hoặc cơ quan chức năng chia sẻ dữ liệu, giống như ADN và giọng nói.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đề nghị nghiên cứu lại quy định thu thập thông tin về nhóm máu, vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và dễ nảy sinh tiêu cực nếu thông tin này công khai. Bà Kiều viện dẫn luật Cư trú không bắt buộc công dân phải cập nhật nhóm máu lên cơ sở dữ liệu, do đó dự thảo luật chỉ nên quy định theo hướng nếu công dân có nhu cầu và xuất trình kết luận xét nghiệm thì mới thu thập.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) ủng hộ đề xuất bắt buộc thu thập mống mắt của công dân. Theo ông, xuất phát từ nhu cầu làm đẹp, hiện có rất nhiều người chỉnh sửa khuôn mặt, vô hình trung gây khó khăn cho việc nhận dạng. Trong khi đó, mống mắt của con người là cố định, “không ai có thể sửa mắt”, nếu thu thập sẽ phục vụ rất tốt cho công tác quản lý.
Không nên đổi thẻ căn cước khi điều chỉnh địa giới hành chính
Điều 24 dự thảo luật Căn cước quy định thẻ căn cước sẽ phải cấp đổi, cấp lại khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính. Đề xuất này khiến đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) lo ngại về phát sinh chi phí.
Theo đại biểu, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đang triển khai rà soát để xây dựng phương án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; dự kiến số lượng đơn vị thuộc diện sắp xếp từ nay đến năm 2030 rất là lớn. Nếu quy định như dự thảo, số lượng người phải đổi thẻ căn cước là cực kỳ nhiều; dù hỗ trợ miễn lệ phí thì nhà nước vẫn phải bỏ ra khoản chi phí khổng lồ, chưa kể bản thân việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã khiến khối lượng công việc tăng nhiều lần, nay lại phải thêm gánh nặng mới.
Bà Thủy viện dẫn quy định tại luật Cư trú, khi công dân có sự thay đổi về địa chỉ nơi cư trú do điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính thì cơ quan quản lý có trách nhiệm cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú. Các thông tin này dễ dàng truy cập được thông qua mã QR Code trên thẻ căn cước hoặc ứng dụng định danh điện tử VNeID. Trường hợp có sự khác nhau giữa thông tin in trên mặt thẻ căn cước và thông tin trên cơ sở dữ liệu thì sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu.
Giải trình về những băn khoăn của đại biểu, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định luật Căn cước không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn phát huy giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước điện tử theo mục tiêu của Đề án 06. Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, và các cơ quan liên quan của Quốc hội, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật Căn cước cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội thông qua.