Bakuchiol có phải là hoạt chất mới nổi hay đã xuất hiện từ lâu? Có thể “thay thế” cho Retinol trong điều trị lão hóa được không? Bakuchiol có thể kết hợp với hoạt chất nào để tăng hiệu quả chăm sóc da?
Tất tần tật những thắc mắc về Bakuchiol ở trên sẽ được giải đáp rõ ràng trong bài viết dưới đây. Cùng tìm hiểu để có thể đưa ra quyết định nên hay không nên sử dụng hoạt chất Bakuchiol trong các sản phẩm skincare.
Bakuchiol có phải là hoạt chất mới?
Bakuchiol được biết đến là phiên bản xanh của Retinol. Nó là thành phần có trong hạt và lá cây Babchi hay còn gọi Bakuchi. Đây là loại thực vật của vùng Himalaya và đả trở thành một phần của dược điển Ayurveda. Bakuchiol được người dân Ấn Độ và Trung Quốc sử dụng theo truyền thống để điều trị các vấn đề về da như chống lão hóa, làm mờ vết nám, hỗ trợ điều trị mụn trứng cá…
Chỉ xuất hiện khoảng 15 năm trên thị trường mỹ phẩm, Bakuchiol đã được nhiều chuyên gia đánh giá cao và công nhận là giải pháp thay thế nhẹ nhàng. Không gây kích ứng, ổn định với ánh sáng và không có tác dụng phụ. Vậy thật sự Bakuchiol có thể “thay thế” hoạt chất vàng trong làng dưỡng da?
Sự khác nhau giữa Bakuchiol và Retinol
Retinol từ lâu đã trở thành giải pháp hoàn hảo cải thiện các vấn đề độ đàn hồi, nếp nhăn, da không đều màu, da bị mụn trứng cá… Retinol là dẫn xuất vitamin A, tác dụng vượt trội với mụn trứng cá và chống lão hóa do ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, Retinol có thể gây nên tác dụng phụ như mẩn đỏ, bong tróc và cảm giác nóng rát hay châm chích. Chống chỉ định với phụ nữ mang thai hay đang cho con bú.
Bakuchiol là một chất chống ô xy hóa được tìm thấy trong hạt và lá của cây Bakuchi và được sử dụng trong y học cổ truyền từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng trong chăm sóc da hiện đại thì lại khá mới. Bakuchiol có cấu trúc khác nhưng chức năng giống Retinol. Đặc biệt, theo nhiều nghiên cứu cho thấy sức khỏe của làn da bị tổn thương do ánh nắng được cải thiện rõ rệt mà không gây kích ứng như thường thấy.
Đây là một tin vui cho những người có làn da nhạy cảm hay gặp các bệnh lý tiềm ẩn như bệnh chàm và cả những người dễ bị kích ứng khi sử dụng Retinol trong liệu trình skincare. Bakuchiol còn có nguồn gốc từ thực vật nên rất phù hợp với những người chỉ sử dụng các sản phẩm thuần chay.
Bakuchiol là hoạt chất dưỡng da mới nổi
Không thể phủ nhận rằng, trong nhiều nghiên cứu Bakuchiol là chiết xuất thiên nhiên lành tính giúp cải thiện tương đối các dấu hiệu lão hóa. Vậy Bakuchiol có thể “thay thế” cho hoạt chất vàng Retinol hay không?
Câu trả lời là đối với một số trường hợp đặc biệt như da nhạy cảm, da dễ kích ứng hay làn da của phụ nữ mang thai hay đang cho con bú thì có thể dùng Bakuchiol thay cho Retinol. Còn với những làn da khỏe thì tại sao không sử dụng kết hợp cả 2 hoạt chất là Retinol và Bakuchiol.
Bakuchiol có thể kết hợp với Retinol trong liệu trình chăm sóc da không?
Nhiều ý kiến cho rằng, sử dụng cả 2 hoạt chất có hiệu quả tương tự nhau là Bakuchiol và Retinol sẽ khiến làn da “bị bội thực” hay lãng phí dưỡng chất. Nhưng với nhiều nghiên cứu thực tế, khi sử dụng kết hợp Bakuchiol và Retinol với nồng độ cùng tần suất phù hợp sẽ nhận được tác dụng “vi diệu” hơn nhiều khi chỉ dùng 1 trong 2 hoạt chất riêng lẻ. Một số hiệu quả vượt trội nhận được khi sử dụng kết hợp Bakuchiol và Retinol trong liệu trình skincare như:
- Làm mờ thâm nám, tàn nhang và đốm đồi mồi.
- Ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa và cải thiện nếp nhăn.
- Thúc đẩy sản sinh collagen cải thiện độ đàn hồi cho làn da săn chắc hơn.
- Kháng khuẩn, chống viêm hỗ trợ điều trị mụn trứng cá hiệu quả.
- Làm dịu da và phục hồi nhanh chóng tổn thương.
- Củng cố hàng rào bảo vệ cho làn da luôn khỏe mạnh chống lại các tác hại từ môi trường.
- Chống lão hóa, ngăn ngừa nếp nhăn.
Những ai có thể sử dụng kết hợp Bakuchiol và Retinol?
Bakuchiol có thể sử dụng cho mọi loại da mà không lo kích ứng ngoại trừ trường hợp cơ địa dị ứng với hoạt chất này. Còn với Retinol dễ gây nên một số phản ứng như da khô bong tróc, cảm giác nóng rát hay châm chích… Do đó, nếu làn da khỏe thì có thể yên tâm sử dụng kết hợp Bakuchiol và Retinol, nhất là với làn da mụn thì càng nhận được hiệu quả tối đa.
Tuy nhiên, làn da dầu, da khô, da nhạy cảm hay làn da mỏng yếu thì cần cẩn trọng. Nếu bạn vẫn muốn kết hợp Bakuchiol và Retinol cần chú ý đến nồng độ cùng tần suất sử dụng. Nên bắt đầu với sản phẩm có nồng độ thấp từ 0,025% rồi từ từ tăng lên để làn da thích ứng.
Gợi ý cách dùng Bakuchiol và Retinol đạt hiệu quả chống lão hóa tối ưu
Sử dụng kết hợp Bakuchiol và Retinol không đúng cách có thể khiến làn da bị kích ứng và không nhận được hiệu quả tối ưu như mong muốn. Vậy cách sử dụng kết hợp Bakuchiol và Retinol như thế nào đúng cách?
Cách sử dụng kết hợp đồng thời Bakuchiol và Retinol giúp chống lão hóa và tái tạo da như thế nào?
Bạn có thể sử dụng kết hợp cả Bakuchiol và Retinol trong một lần skincare. Sau khi, làn da được làm sạch, cân bằng độ pH bằng toner/nước hoa hồng thì có thể thoa Bakuchiol trước. Chờ khoảng 10 đến 15 phút thì thoa kem dưỡng Retinol. Nhớ là cách sử dụng này chỉ phù hợp với làn da khỏe và cách này không được sử dụng phổ biến. Cách thứ 2 hiệu quả hơn là dùng sản phẩm chứa đồng thời cả Retinol và Bakuchiol vừa đạt hiệu quả vừa hạn chế kích ứng da.
Sử dụng Bakuchiol vào buổi sáng và Retinol vào buổi tối hay cách ngày cho làn da nhạy cảm
Với làn da nhạy cảm hay mỏng yếu, dễ kích ứng sẽ ưu tiên sử dụng tách riêng từng dưỡng chất ra sử dụng riêng biệt. Bởi Bakuchiol không có nhạy cảm với ánh nắng mặt trời bằng Retinol nên sử dụng chúng vào ban ngày sẽ an toàn và hiệu quả hơn.
Còn Retinol nên sử dụng vào liệu trình skincare buổi tối vừa tăng hiệu quả dưỡng sáng da vừa tránh tình trạng sạm nám. Chú ý, Bakuchiol không dễ bắt nắng nhưng nhớ phải dùng kem chống nắng có độ SPF từ 30 trở lên để làn da được bảo vệ tốt nhất.
Hoặc bạn có thể sử dụng xen kẽ các ngày sử dụng luân phiên Bakuchiol và Retinol. Cụ thể, thứ 2, thứ 6 sử dụng sản phẩm Bakuchiol và thứ 4, chủ nhật dùng Retinol. Không nên dùng liên tục các hoạt chất vì Retinol có thể gây khô da và bong tróc nếu làn da không được dưỡng ẩm kỹ. Nhất là với người mới bắt đầu sử dụng Retinol cần giãn thời gian sử dụng các hoạt chất để làn da kịp thích nghi.
Hy vọng với những thông tin ở trên, các tín đồ skincare đã hiểu rõ hơn về hoạt chất Bakuchiol và Retinol. Các bạn cũng có thể tự trả lời được thắc mắc “Bakuchiol có thể thay thế Retinol được không”. Tùy theo sức khỏe và tình trạng của làn da mà bạn có lựa chọn hoạt chất phù hợp. Chúc các bạn sớm có được làn da khỏe đẹp, tươi sáng dài lâu.
Theo Báo Thanh Niên