Về trang chủ Xã hội Pháp luật Bãi xe Tây Hồ: Đào xới sai phép là xâm phạm tài sản nhà nước

Bãi xe Tây Hồ: Đào xới sai phép là xâm phạm tài sản nhà nước

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, nếu doanh nghiệp tự ý đào xới, mở rộng hè đường làm bãi trông giữ xe sai quy định, bản chất là đã xâm phạm tài sản nhà nước.

Bãi trông giữ xe phía sau toà nhà 249 Thụy Khuê. Ảnh: Hữu Chánh
Bãi đỗ xe ảnh hưởng đến kết cấu hè đường

Liên quan đến việc đào xới đất, mở rộng hè đường (phường Thụy Khuê, Tây Hồ) để làm bãi trông giữ xe sai quy định, mới đây, Báo Lao Động đã có buổi làm việc với đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (BQL dự án ĐTXD CTGT Hà Nội) về vấn đề trên.

Đại diện BQL dự án ĐTXD CTGT Hà Nội cho biết, Dự án xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây do BQL dự án ĐTXD CTGT Hà Nội làm chủ đầu tư đã được thi công xong và bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý vào năm 2014.

Sở GTVT Hà Nội đã giao cho Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông và Công ty giao thông 3 để duy tu, duy trì và bảo dưỡng tuyến đường này.

Hè đường được cải tạo, mở rộng làm bãi trông giữ xe. Ảnh: Hữu Chánh

Cạnh đó là Dự án cải tạo môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê (đoạn từ dốc La Pho đến Cống Đõ) do Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Tây Hồ làm chủ đầu tư.

Đại diện BQL dự án ĐTXD CTGT Hà Nội cho hay, hiện nay Thành phố đang đẩy nhanh giải quyết vấn đề giao thông. Trong khi đó, mục tiêu của Dự án là hoàn thiện hạ tầng giao thông để giải quyết vấn đề ách tắc.

Do đó, Dự án cải tạo môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê dù chưa được bàn giao nhưng lại được cấp phép làm bãi đỗ xe tạm chứng tỏ hiệu quả đầu tư kém. Điều đó còn làm ảnh hưởng đến kết cấu hè.

“Trong trường hợp xác minh đơn vị trông xe tự ý đào xới, mở rộng hè đường, chưa cần biết phần xâm chiếm thuộc dự án nào, bản chất là đã xâm phạm tài sản nhà nước”, vị đại diện nói.

Loạt ôtô gửi tại điểm trông giữ xe này. Ảnh: Hữu Chánh

Vị đại diện thông tin thêm, nếu cần xác định ranh giới phần đất bị đào xới thuộc Dự án xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây thì sẽ phải thuê một đơn vị để khôi phục và kiểm tra lại tọa độ mốc.

Để thực hiện việc này sẽ mất kinh phí và phải có văn bản đề nghị phối hợp của cấp có thẩm quyền.

Về vấn đề tập kết, san lấp vật liệu xây dựng tại khu vực dự án trước đây do BQL dự án ĐTXD CTGT Hà Nội làm chủ đầu tư, vị đại diện cho rằng, do Dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng, nên trách nhiệm quản lý trật tự đô thị do phường sở tại đảm nhận.

Bất nhất trong việc cung cấp thông tin

Trước đó, trao đổi với Lao Động, ông Lê Văn Thủy, Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) cho hay, mái dốc của nhánh D thuộc Dự án xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây đến nay vẫn chưa được thi công hoàn chỉnh, đã ngừng thi công nhiều năm qua.

Phế liệu xây dựng vẫn thường xuyên bị đổ trộm nhưng vắng bóng lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Ảnh: Hữu Chánh

“UBND quận Tây Hồ, UBND phường Thụy Khuê đã có nhiều công văn gửi chủ đầu tư sớm thi công hoàn chỉnh mái dốc, nhánh D tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thực hiện”, ông Thủy nói.

Ông Thủy cho rằng, khi nào chủ đầu tư bàn giao các hạng mục đó cho đơn vị quản lý sử dụng thì lúc đó chủ đầu tư mới hết trách nhiệm. Phường chỉ có trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý.

Điều này hoàn toàn trái ngược với thông tin mà chủ đầu tư Dự án xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây cung cấp với Báo Lao Động.

UBND quận Tây Hồ cấp giấy phép tạm thời sử dụng hè đường cho Công ty Hùng Lâm. Ảnh: Hữu Chánh

Trước đó, ngày 30.9, UBND quận Tây Hồ cấp giấy phép tạm thời cho Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hùng Lâm được sử dụng hè đường cống hóa mương Thụy Khuê làm bãi trông giữ xe.

Tuy nhiên đơn vị thi công đoạn hè đường này lại đào xới, cắt xén phần đất phía sau hè để cải tạo, mở rộng chiều rộng của hè đường từ 2m lên đến… 4,5m, vượt tổng diện tích cho phép là 200m2.

Dù báo chí đã nêu rõ những sai phạm trong việc mở rộng hè đường làm bãi trông giữ xe ở phường Thụy Khuê, nhưng lãnh đạo UBND phường này vẫn nói “khó” trong việc xác định sai phạm.

Theo Báo Lao Động

Có thể bạn quan tâm