Trước khi cha qua đời, bà trùm kín tiếng của Heineken không có tiền, ngoại trừ 1 cổ phiếu trị giá hơn 500.000 đồng.
Đế chế Heineken bắt đầu từ năm 1864, khi cụ cố của Charlene – ngài Gerard Adriaan Heineken mua lại nhà máy giải khát De Hooiberg và sản xuất bia bằng loại men đặc biệt.
Con trai của Gerard – ông Henry đã điều hành đế chế bia hơi nức tiếng trong 23 năm, trước khi mất quyền kiểm soát vào tay người khác vào năm 1954. Năm 1954, Freddy – con trai Gerard đã mua lại cổ phiếu để giành quyền kiểm soát công ty.
Freddy Heineken có lối sống khá giản dị mặc dù nắm trong tay đế chế tỷ đô Heneiken.
Lớn lên tại thị trấn ven biển Noordwijk, Charlene de Carvalho – con gái của Freddy tự miêu tả bản thân là người nhút nhát trưởng thành trong “bọc kén” của tình yêu thương từ gia đình. Dù sở hữu cả một đế chế nổi tiếng, gia đình Freddy Heineken sống rất giản dị, thường xuyên vừa ăn vừa xem TV trong phòng khách. Họ cũng ít khi đi giao lưu, dù có mối quan hệ thân thích với hoàng tộc Monaco. Chỉ có một cô con gái duy nhất nhưng Freddy không ép con nối nghiệp gia đình. Đối với ông, sự hạnh phúc và thoải mái của Charlene được đặt lên hàng đầu. Bản thân Charlene cũng không hứng thú với kinh doanh, thậm chí còn ghét nhìn thấy họ mình trên các biển quảng cáo.
Năm Charlene 17 tuổi, cha không muốn Charlene học đại học xa nhà. Freddy cho rằng con gái mình quá trẻ để có thể sống một mình ở đại học. Không còn sự lựa chọn nào khác, Charlene đăng ký khóa học thư ký ngắn hạn tại Hague, sau đó đến đại học Leiden theo học ngành Charlene ghét nhất – Luật.
Năm 20 tuổi, Charlene rời Hà Lan sang Geneva học tiếng Pháp, rồi tới New York học nhiếp ảnh. Sau đó, Charlene làm việc cho một công ty quảng cáo tại London, trước khi đến chi nhánh Heineken ở Paris để làm quen với công ty của gia đình.
Charlene gặp Michel de Carvalho tại khu trượt tuyết ở St. Moritz. Michel de Carvalho là 1 chàng trai tốt sinh trưởng trong 1 gia đình trí thức có cha là nhà ngoại giao Brazil, mẹ người Anh. Michel từng là diễn viên điện ảnh trước khi thi đỗ đại học danh tiếng Harvard. Khi đang học nửa kỳ, Michel đã chống đối bố mẹ bằng cách bỏ học và tham gia đội tuyển trượt tuyết Anh tại Thế vận hội Olympic năm 1968.
Michel và Charlene kết hôn tại London năm 1983. Chỉ 2 ngày sau khi họ đi tuần trăng mật về, Freddy Heineken bị bắt cóc. Nhờ 20 triệu USD tiền chuộc và sự giúp đỡ của cảnh sát, ông chủ Heneiken được trở về nhà an toàn. Vụ việc này khiến Charlene lại càng thu mình hơn nữa, tránh xa truyền thông.
Sau vụ đó, Charlene rời Amsterdam và sang London định cư cùng chồng, lúc này Michel đang có 1 công việc ổn định tại ngân hàng Credit Suisse. Họ có 5 người con, Charlene thích thú với cuộc sống của 1 bà mẹ nội trợ có chồng làm ở ngân hàng. Ngày định mệnh đến, Freddy Heineken qua đời, trách nhiệm nặng nề đổ lên vai Charlene – gánh vác cơ nghiệp Heineken. Trước khi cha qua đời, Charlene không có tiền, ngoại trừ một cổ phiếu duy nhất của hãng trị giá 25,6 euro. Charlene buộc phải đứng trước quyết định trở thành người vợ hiền nhìn đế chế cha dày công gây dựng rơi vào tay người khác hoặc trở thành người lãnh đạo Heineken.
Từ một người không được đào tạo bài bản về kinh doanh, trong vòng 1 tuần, bà đã học hỏi khắp nơi trên thế giới để bảo vệ di sản của gia đình. Michel hiểu rằng Charlene không thể gánh Heineken 1 mình, Michel nghỉ việc ở ngân hàng và trợ giúp vợ. Họ cùng nhau đi thăm các văn phòng và nhà máy bia rồi tìm kiếm nhân tài cho công ty trên toàn thế giới. Việc làm đầu tiên Charlene thực hiện là mạnh dạn thay thế CEO luôn lo ngại rủi ro trước đó và đưa Jean Francoise lên. Quyết định này đã giúp công ty tăng trưởng gấp 3 lần sau đó.
Sau này, chính Michel phải thừa nhận: “Vợ tôi ngọt ngào nhưng cô ấy có 1 nửa của cha mình. Đừng động vào”.
Giờ đây, Charlene de Carvalho trở thành người thừa kế duy nhất của đế chế bia lớn thứ 3 thế giới, nắm trong tay 25% cổ phiếu với quyền kiểm soát bỏ phiếu với khối tài sản ước tính 17,1 tỷ USD.
Theo Thanh Minh (Người đưa tin)