Về trang chủ Văn hóa Hồn nước Ảo tưởng nghề văn

Ảo tưởng nghề văn

Có nhất thiết phải xin chày xin cối vào Hội Nhà văn hay không; có nhất thiết viết nhiều, in nhiều thế không; có nên nhờ vả bạn bè, đồng nghiệp viết giới thiệu về mình dài dòng đến thế không, nếu bản thân không “nghiện”, không “ảo tưởng” vào cái nghề vừa cao quý vừa không ít khốn khổ này?!
Nhà văn Vũ Bằng (1913 – 1984)

Nhà văn Vũ Bằng quê ngoài Bắc có khoảng 30 sống, viết trong Nam kể từ năm 1954. Ông là tác giả của nhiều đầu sách rất nổi tiếng trong đó có “Miếng ngon Hà Nội”, “Thương nhớ mười hai”, “Bốn mươi năm nói láo”,… Phần cuối cuốn sách “Vũ Bằng, mười chín chân dung văn học cùng thời”, do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2002 là bài viết  “Chân dung văn học của Vũ Bằng” dài 18 trang in của nhà giáo, nhà phê bình văn học quen biết: Văn Giá. Anh cũng là người sưu tầm, biên soạn và viết “Lời vào sách” cho cuốn sách chân dung này.

Bìa sách “Vũ Bằng, mười chín chân dung văn học cùng thời”

Tôi được biết, anh Văn Giá viết được cả truyện ngắn, thơ, tản văn nhưng sở trường của anh có lẽ là phê bình văn học, trong đó thể loại chân dung văn học về một ai đó có thể xem ở anh có biệt tài. Nhờ thế, khi đọc loạt chân dung văn học do Vũ Bằng viết (xin nêu tên tuổi các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Hoàng Chương, Tam Ích, Nguyễn Văn Tố, Tô Hoài, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Thâm Tâm, Hữu Loan, Quang Dũng, Văn Cao, Tú Mỡ); dù họ sống và mất đã khá lâu, Văn Giá vẫn có sự đồng cảm lớn, đến mức da diết…

Tôi đọc mải mê, đến đoạn này của Văn Giá thì phải dừng lại khá lâu để ngẫm: “Ông coi viết văn là một nghề. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp xương máu của mình, Vũ Bằng cũng ý thức sâu sắc được rằng, cái nghề này dễ gây ảo tưởng vào bậc nhất và cũng dễ nghiện vào bậc nhất. Bao nhiêu vinh nhục, thành bại, nết hay cũng như thói tật của người nghệ sỹ từ đây mà ra cả…” (Trang 394).

Đọc phần lớn chân dung các nhà văn trong sách “Vũ Bằng, mười chín chân dung nhà văn cùng thời”, tôi thấy nhà phê bình Văn Giá nhận xét khái quát về quan niệm, cái nhìn của Vũ Bằng rất xác đáng: Nghề văn xưa nay dễ gây nghiện và gây “ảo tưởng” thật; hệ lụy tiếp theo là sự chìm nổi đời họ, những “căn bệnh” xuất phát do cá tính – cá tật (Văn nhân không xem trọng nhau, chỉ coi mình và văn mình là trời đất), mà không phải bất cứ ai, kể cả người trong gia đình, cũng chịu họ cho nổi.

Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng ở Nghệ An – tác giả bài viết

Nhà văn Trần Đức Tiến (Vũng Tàu) khi bàn về sự khắc nghiệt của thời gian và người đọc đối với nhà văn và tác phẩm văn chương, ông có nêu trường hợp nhà văn Tô Hoài. Viết, cho xuất bản trên dưới khoảng 100 cuốn sách trong bấy nhiêu năm, nhưng rút cục, Tô Hoài hy vọng rồi đây may ra chỉ còn lại một “Dế mèn phiêu lưu ký” mà thôi! Nói chi đến bọn người viết đầy non nớt, phiêu lưu như chúng tôi? Cứ suy từ tôi và vài người bạn quanh quẩn cùng lứa thì rõ. Có nhất thiết phải xin chày xin cối vào Hội Nhà văn hay không; có nhất thiết viết nhiều, in nhiều thế không; có nên nhờ vả bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu về mình dài dòng đến thế không, nếu bản thân không sa vào “nghiện”, không “ảo tưởng” vào cái nghề vừa cao quý vừa không ít khốn khổ này?!!

Theo Van.vn

 

Có thể bạn quan tâm