Nhiều ý kiến cho rằng áp lực và thách thức vẫn đang đè nặng doanh nghiệp tư nhân. Việc cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh và hoàn thiện khung chính sách phát triển thị trường vốn sẽ là những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và có giá trị nhất với doanh nghiệp trong thời kỳ sau khủng hoảng…
Theo thông tin tại Hội nghị Chiến lược phát triển kinh tế tư nhân 2024 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển (IPADS) phối hợp tổ chức trong tuần qua, dưới góc độ đầu tư, động lực đóng góp vào tốc độ tăng GDP chủ yếu từ đầu tư công. Trong khi đó, vốn đầu tư thực hiện từ khu vực đầu tư tư nhân tăng rất thấp chỉ tăng 2,7% đến cuối năm 2023.
Đây là mức thấp nhất trong cả giai đoạn 2019 – 2022. Khi so sánh với năm 2019, mức tăng của đầu tư tư nhân năm 2023 thấp hơn 6,3 lần; năm 2020 thấp hơn 1,1 lần; năm 2021 và 2022 cũng thấp hơn lần lượt là 2,6 lần và 3,3 lần.
Bước chuyển lớn nhờ cơ chế, chính sách
Thống kê cho thấy Việt Nam hiện nay có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân. Với lực lượng đông đảo, các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn về số lao động, nguồn vốn và doanh thu của cộng đồng doanh nghiệp.
Kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, khoảng 30% thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhìn lại sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết sau gần 40 năm đổi mới đất nước, kinh tế tư nhân phát triển rộng khắp trong cả nước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước và góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước.
Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và được liên tục phát triển và hoàn thiện dần qua từng giai đoạn, từ chỗ không được thừa nhận (trước Đổi mới) đến được thừa nhận và khẳng định “có vị trí quan trọng lâu dài” trong nền kinh tế nhiều thành phần, dần nâng cấp lên “là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Cũng theo lãnh đạo VCCI, trong giai đoạn 2017 – 2023, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội ban hành hơn 100 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản pháp luật khác về doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có những bộ luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Nhờ đó, hệ thống pháp luật về quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu ngày càng được hoàn thiện, giúp phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt, lành mạnh các loại thị trường, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nhân, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ ban hành trên 800 nghị định, trong đó có nhiều nghị định liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân về hỗ trợ doanh nghiệp, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản trị công ty, hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng…
Khơi sức mạnh từ kinh tế tư nhân
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh, những kết quả trên mới chỉ là bước đầu và vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khi đất nước đang đứng trước những cơ hội, mục tiêu và khát vọng phát triển to lớn, đó là đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Cùng với đó, nhiều ý kiến tại hội nghị cho thấy áp lực và thách thức dường như vẫn đè nặng doanh nghiệp trong thời gian tới. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ cải cách của Chính phủ và sự đồng hành của chính quyền địa phương.
Kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước cho thấy, cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và có giá trị nhất đối với doanh nghiệp trong thời kỳ sau khủng hoảng. Đây cũng là thời điểm để tạo đột phá về cải cách, qua đó giúp địa phương cũng như nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Hiện bối cảnh thế giới đang ngày càng chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ cùng nhiều xu thế mới đang đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi khu vực kinh tế tư nhân phải không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức nhằm phát triển nhanh và bền vững.
Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước, theo TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, việc cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và có giá trị nhất đối với doanh nghiệp trong thời kỳ sau khủng hoảng. Đây cũng là thời điểm để tạo đột phá về cải cách, qua đó giúp địa phương cũng như nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Tại Quảng Ninh, trong 10 năm qua, nhờ kiên trì thực hiện 7 quy hoạch chiến lược, tỉnh đã sớm nắm bắt phát huy được những cơ hội cũng như nhận diện, vượt lên những thách thức để triển khai thành công các mục tiêu phát triển của tỉnh, vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động, cực tăng trưởng khu vực phía Bắc.
Ông Dũng cho rằng Quảng Ninh đã phát huy được tiềm năng và lợi thế của địa phương, nhất là những sáng tạo trong việc gắn xây dựng cơ sở hạ tầng với phát triển đô thị.
Nền kinh tế của Quảng Ninh đa dạng với sự đóng góp lớn từ các ngành như: du lịch, công nghiệp, thương nghiệp, và ngư nghiệp. Trong đó, ngành du lịch, đặc biệt là du lịch biển với vịnh Hạ Long là điểm nhấn đặc sắc, đây là một trong những động lực quan trọng đóng góp lớn vào nguồn ngân sách của tỉnh, góp phần làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế.
Quảng Ninh luôn xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, do đó, tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng.
Những tiềm năng và thế mạnh này tạo ra nhiều cơ hội lớn cho Quảng Ninh phát triển không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai. Sự đa dạng và bền vững trong chiến lược phát triển có thể giúp tỉnh Quảng Ninh duy trì sự ổn định và phát triển toàn diện, bền vững trên mọi lĩnh vực đến năm 2030.
Gợi ý về nguồn vốn và giải pháp đa dạng nguồn vốn cho kinh tế tư nhân, ông Lưu Trung Thái, cố vấn lĩnh vực tài chính trong Chuỗi chương trình Chiến lược phát triển Việt Nam, cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp.
“Cần kiện toàn hành lang pháp lý với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hướng dẫn triển khai các công cụ vốn chủ khác để doanh nghiệp có nhiều không gian với nguồn vốn chủ như quyền chọn cổ tức, cổ tức không có quyền biểu quyết, hay chính sách tái đầu tư cổ tức để các doanh nghiệp có thể hài hòa lợi ích cho cổ đông và giữ lại phần vốn phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Thái nhấn mạnh.
Hiện Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển đang triển khai nhiều chương trình mang tính định hướng phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực và đào tạo thực tiễn cho cộng đồng Doanh nhân Việt Nam. Đồng thời, liên kết mạng lưới khoa học và doanh nhân, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nhân, cung cấp cơ sở dữ liệu thực tiễn cho cộng đồng chuyên gia, khoa học nghiên cứu.
Sự liên kết chặt chẽ của khoa học và doanh nhân thúc đẩy thành lập một mạng lưới chuyên gia và doanh nhân tham gia xây dựng các chính sách lớn, với những trọng tâm như thu hút nhân tài, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững…