Tăng trưởng kinh tế quý I/2024 khép lại với GDP đạt gần 5,7%, các định chế tài chính quốc tế đánh giá và kỳ vọng tích cực cho tăng trưởng của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế quý I/2024 khép lại với mức tăng GDP đạt gần 5,7% đã tạo động lực cho không chỉ các doanh nghiệp, ngành hàng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn là chỉ dấu để các định chế tài chính quốc tế đánh giá và kỳ vọng tích cực cho tăng trưởng của Việt Nam năm 2024.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 5,5% – 6%
Con số 5,7% có thoạt nhìn thấp hơn mức tăng 6,72% của quý IV/2023 nhưng lại là mức tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm của năm 2023 (quý I/2023 GDP tăng 3,141%). Kết quả “mở hàng” của năm 2024 được đánh giá là đầy khả quan, thậm chí là rất nỗ lực trong bối cảnh kinh tế thế giới có những biến động khó lường.
Một trong ba trụ cột chính của nền kinh tế là xuất khẩu có mức tăng trưởng cao đã cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp…, bước đầu thu hái được những kết quả đáng mừng. Kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm chủ lực ghi nhận một xu hướng đi lên.
Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của ngân hàng UOB (Singapore) trong báo cáo vừa công bố đầu tháng 4/2024 cũng đưa ra nhận định bất chấp xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra và tình trạng gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ, xuất khẩu hàng hóa vẫn tăng 17% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu tăng 13,9% trong quý I/2024, dẫn đến thặng dư thương mại 8,08 tỷ USD. Đây là một cú lội ngược dòng mạnh mẽ sau khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong hầu hết năm 2023, dẫn đến mức giảm lần lượt là 5% và 9% trong cả năm 2023.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì mạnh mẽ cũng đã đóng góp phần không nhỏ cho bức tranh kinh tế quý I, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ so với mức 5,4 tỷ USD trong quý I/2023.
Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương với tiêu đề “Nền tảng vững chắc cho tăng trưởng” do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 là 5,5% và Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Biện dẫn lý do cho dự báo này, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho rằng có nguyên nhân liên quan đến khả năng phục hồi thương mại toàn cầu cũng như khả năng phục hồi của Việt Nam.
Đồng quan điểm này, UOB cũng cho rằng kết quả hoạt động trong quý I/2024 là sự khởi đầu tích cực cho năm nay. Dự báo, triển vọng cho năm 2024 vẫn tích cực mặc dù các rủi ro ngược vẫn còn hiện hữu, bao gồm xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Israel và Hamas có thể làm gián đoạn thương mại và thị trường năng lượng, hàng hóa toàn cầu.
Điểm sáng của kinh tế tế giới và Việt Nam không nằm ngoài bức tranh chung đó chính là sự phục hồi của nhu cầu ngành bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực cũng như khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng tới sẽ hỗ trợ cho triển vọng kinh tế trong năm nay. “Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% vào năm 2024, so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính phủ là 6,0-6,5%.”- UOB nhận định.
Hai điểm mờ trong tăng trưởng kinh tế
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan này dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2024 gồm kịch bản 1 là tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%. Cụ thể, tăng trưởng quý II sẽ là 5,85%, quý III và quý IV lần lượt là 6,22% và 6,28%.Với kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Mức tăng trưởng GDP của quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Mức tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2 với mức tăng trưởng cả năm đạt 6,5%.
Đà hồi phục và tăng trưởng của quý I được xem là lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế các tháng tiếp theo. Con số mục tiêu GDP đạt từ 6-6,5% như kế hoạch đề ra của năm nay, hay thấp hơn, ở mức 5,5% do các định chế tài chính nhận định đều sẽ được thời gian trả lời. Điều cần làm lúc này chính là duy trì và phát huy tốt hơn đà tăng trưởng, khơi thông những điểm nghẽn tăng trưởng đã nhìn thấy trong quý I vừa qua.
“Điểm mờ” đầu tiên được giới chuyên gia nhắc tới chính là sự phục hồi không đồng đều của các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dịch vụ. Thực tế là tăng trưởng dịch vụ của quý I/2024 chỉ đạt mức 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
HSBC- một định chế tài chính lớn trong báo cáo nghiên cứu về tăng trưởng của Việt Nam phát đi ngày hôm nay, 5/4, đã đưa ra nhận xét: Quá trình phục hồi tiếp tục diễn ra theo nhiều chiều hướng khác nhau, trong đó, các lĩnh vực trong nước bị tụt lại phía sau so với các lĩnh vực bên ngoài. Cụ thể, dịch vụ “thông tin và truyền thông”, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp đã chậm lại từ quý IV/2023, còn ngành bất động sản vẫn đóng góp ít ỏi cho tăng trưởng kinh tế, phản ánh sự suy yếu kéo dài trong chu kỳ bất động sản. Tuy nhiên, các dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Lần đầu tiên kể từ COVID-19, số lượng du khách đến Việt Nam hàng tháng gần chạm mốc 1,6 triệu, vượt 13% so với mức trước đại dịch.
Điểm mờ thứ 2 là kinh doanh bán lẻ vẫn còn thấp so với mức xu hướng trước đại dịch, so với xu hướng này thì vẫn còn hụt đáng kể khoảng 10%. “Mặc dù chu kỳ xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu nhìn thấy tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa đủ để chuyển hóa thành một cú hích đáng kể cho các lĩnh vực trong nước”- bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định.
Thương mại ngắn hạn sẽ sớm cất cánh, triển vọng dài hạn của FDI tiếp tục là một điểm sáng và chính sách lãi suất được kỳ vọng vẫn giữ ổn định ở 4,5% trong giai đoạn này…là những yếu tố để kỳ vọng cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của những tháng tới.
Bà Yun Liu bày tỏ, chúng tôi tin rằng Việt Nam đang đi đúng hướng để chứng kiến triển vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2024 dù sẽ cần thời gian để sự phục hồi lan tỏa rộng khắp. Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 6,0% cho năm nay nhưng điều chỉnh dự báo theo quý với kỳ vọng sự phục hồi sẽ lan rộng hơn nữa trong sáu tháng cuối năm 2024.