Nhiều điểm sáng trong công tác quản lý nợ công năm 2023 được ghi nhận, các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ và vẫn cách xa mức trần, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong số ít các quốc gia được nâng xếp hạng tín nhiệm năm vừa qua…
Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Nợ trong nước đóng vai trò chủ đạo, cơ cấu nợ thay đổi tích cực
Báo cáo tổng kết công tác năm 2023, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, cho biết năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức từ bên ngoài, trong đó có những vấn đề vượt khỏi khả năng dự báo đã tác động xấu, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, công tác quản lý nợ công, quản lý vốn viện trợ về cơ bản đạt được các mục tiêu, kế hoạch đặt ra từ đầu năm, góp phần vào thành tích chung của ngành tài chính.
Theo bà Thảo, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.
Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, hiệu quả công tác quản lý nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2023 tiếp tục được giữ vững.
Cùng với đó, cơ cấu nợ thay đổi theo hướng tích cực, từ nợ nước ngoài là chính sang nợ trong nước là chính.
Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2023 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, dư nợ trong nước tăng lên, chủ yếu là trái phiếu chính phủ có kỳ hạn phát hành dài, trung bình khoảng 12,43 năm tính đến ngày 27/11/2023.
Các khoản nợ nước ngoài hiện còn dư nợ chủ yếu vẫn là lãi vay ODA, vay ưu đãi có thời hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Công tác quản lý, sử dụng nợ công tiếp tục được tăng cường, ngày càng hiệu quả hơn. Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả. Công tác trả nợ nước ngoài cũng được thực hiện kịp thời, đầy đủ, trong phạm vi dự toán được duyệt.
Để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc vay, trả nợ công, Cục tích cực tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công như: Nghị định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, dự thảo Nghị định về viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài…
Việt Nam nằm trong số ít quốc gia được nâng hạng tín nhiệm
Một trong những điểm sáng trong công tác quản lý nợ công trong năm qua được Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chú trọng là việc tiếp tục tích cực triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, góp phần giảm chi phí huy động vốn vay của Chính phủ theo lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030.
Theo đó, cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Moody’s, S&P, Fitch) đều có những nhận xét tích cực về kinh tế vĩ mô Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động điều hành, tập trung vào tăng trưởng kinh tế bền vững.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia tiếp tục khẳng định xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam với những dự báo tích cực là điểm sáng, đặc biệt, đánh giá cao về chính sách tài khóa và dư địa nợ công còn nhiều.
Điều này cũng khẳng định sự tin tưởng của các tổ chức này với triển vọng phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam.
Kết luận hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, cho rằng năm 2024 và những năm tới đây, nhiệm vụ công tác quản lý nợ công còn khá nặng nề.
Năm 2024, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại xây dựng kế hoạch chương trình công tác với khoảng trên 500 nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý nợ. Vì vậy, đề nghị các phòng, ban chức năng thuộc Cục cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát chương trình công tác, quy trình, phối hợp với nhau và với các đơn vị liên quan để triển khai đồng bộ, hiệu quả nhất.
Trong đó, về nhóm nhiệm vụ kế hoạch và quản lý rủi ro, các đơn vị trong Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cần phối hợp chặt chẽ để triển khai chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2024-2026 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024.
Đồng thời, chủ động theo dõi, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm để tham mưu kịp thời với Bộ, đảm bảo bám sát thực tiễn.
Cục chuẩn bị các hoạt động nghiên cứu để phục vụ khởi động đánh giá triển khai Luật Quản lý nợ công, kế hoạch 5 năm và đánh giá giữa kỳ các đề án, chiến lược vào đầu năm 2025.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đề ra tại Khung cải cách quản lý nợ công, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về rủi ro danh mục nợ, thống kê nợ nước ngoài,…
Đối với các nhóm nhiệm vụ về giải ngân, Cục sẽ tích cực đôn đốc các bộ, ngành trung ương, địa phương phân bổ kế hoạch vốn 2024 ngay trong tháng 1/2024, làm cơ sở giải ngân theo kế hoạch vốn 2024; theo dõi sát diễn biến giải ngân của từng bộ, ngành, địa phương, từng dự án được giao kế hoạch vốn lớn hoặc đang có vướng mắc trong giải ngân để góp phần tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân…