Sau hơn 2 tháng Chính phủ chỉ đạo xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán, số lượng tài khoản đã giảm mạnh và được kỳ vọng sẽ góp phần làm thị trường minh bạch hơn.
Gần 900.000 tài khoản ảo bị đóng
Số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán VN cho thấy trong tháng 11, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân mở mới 148.592 tài khoản (TK) chứng khoán. Ngược lại, số TK cá nhân đóng là 341.393. Trước đó, trong tháng 10, NĐT trong nước đóng 545.386 TK, cao gấp 3,2 lần số lượng mở mới. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử số lượng TK chứng khoán bị đóng mạnh.
Số liệu công bố từ cơ quan quản lý cho biết Công ty CP chứng khoán MB (MBS) có số TK đóng cao nhất với hơn 543.000 TK. Trước đó, công ty này từng ghi nhận tăng trưởng TK mở mới thần tốc. Đến cuối năm 2022, số tài khoản tại MBS là 1,425 triệu, chiếm hơn 20% toàn thị trường.
Như vậy tổng cộng chỉ sau 2 tháng, số lượng TK chứng khoán bị đóng lên đến gần 900.000. Tuy nhiên bù lại cũng có một số NĐT mới tham gia nên số lượng TK chứng khoán của thị trường đến hết tháng 11 còn hơn 7,25 triệu, giảm hơn 570.000 TK so với cuối tháng 9.2023. Số lượng TK ảo bị đóng vừa qua chủ yếu là của các NĐT cá nhân trong nước. Riêng số lượng NĐT nước ngoài cả cá nhân lẫn tổ chức vẫn gia tăng.
Trước đó vào cuối tháng 9, Chính phủ đã giao Ủy ban Chứng khoán nhà nước hoàn thành việc làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán và báo cáo trước cuối tháng 11. Làm sạch dữ liệu người dùng là đối chiếu thông tin của họ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.
Thực tế thời gian qua, việc mở TK chứng khoán khá dễ dàng vì không hạn chế số lượng. NĐT có thể mở TK ở bất kỳ công ty chứng khoán nào nên cùng lúc có thể lên đến 10 hay 20 TK. Song song đó, nhiều công ty chứng khoán do chạy đua về thành tích số lượng nên đẩy mạnh việc chào mời NĐT, mở TK nhanh chóng qua điện thoại di động, online. Thậm chí, nhiều thông tin cá nhân không được kiểm chứng, mượn thông tin mở TK…
Hay nhiều TK được mở ra nhưng không có giao dịch nào. Hơn nữa, thông tin TK ảo này lại được một số NĐT sử dụng vào các trường hợp thao túng, làm giá chứng khoán. Bằng chứng là hàng loạt vụ vi phạm đã được công bố đều có chung công cụ là sử dụng vài chục TK khác nhau để tạo cung cầu giả tạo, đẩy giá cổ phiếu.
Chẳng hạn mới nhất là trong tháng 11 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã công bố xử phạt ông Nguyễn Hữu Đức (Đà Nẵng) 1,5 tỉ đồng và cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm. Lý do cá nhân này đã sử dụng TK chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản của 21 NĐT khác để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu Công ty CP địa ốc First Real. Hành vi này được thực hiện từ ngày 4.1.2022 – 17.6.2022.
Tương tự, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng công bố quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Thơm (Hà Nội) vì sử dụng 9 tài khoản khác nhau để liên tục mua, bán cổ phiếu Công ty CP đầu tư và sản xuất Bảo Ngọc. Hành vi giao dịch này được thực hiện từ ngày 12.10.2020 – 6.10.2021. Bà Thơm cũng bị phạt tiền 1,5 tỉ đồng và bị cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm…
Tăng cường minh bạch thông tin
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), việc cho phép NĐT mở TK chứng khoán không hạn chế số lượng là thông lệ quốc tế và VN cũng thực hiện như vậy, không có gì khác biệt. Tuy nhiên trước đây, khi chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể nhiều trường hợp NĐT sử dụng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, sau này là căn cước công dân nên có sự khác nhau. Đồng thời có nhiều người cố tình khai báo thông tin sai nhưng vẫn mở được TK. Do vậy có khi thống kê 1 triệu TK nhưng thật sự chỉ có 200.000 – 300.000 NĐT hay 500.000 NĐT thì không ai biết. Thông tin sai lệch cũng sẽ khiến cho việc đưa ra các chính sách đánh giá, phát triển thị trường không chính xác và không hiệu quả.
Thế nên việc chuẩn hóa thông tin TK chứng khoán sẽ là bước đầu để giảm thiểu những hành vi sử dụng nhiều TK không chính chủ để làm giá cổ phiếu, thúc đẩy thị trường phát triển. Song song đó, ông Nguyễn Hoàng Hải kiến nghị các sở giao dịch, cơ quan quản lý chứng khoán tiến thêm một bước trong việc quản lý và cung cấp thông tin trên thị trường. Chẳng hạn tiến tới phân loại chi tiết như có bao nhiêu TK với giá trị tài sản phân chia ở nhiều thứ hạng để có thể biết được quy mô NĐT như thế nào. Hoặc có những giao dịch đáng ngờ, đột biến ở một cổ phiếu nào đó thì công bố thông tin do những NĐT nào giao dịch, bên cạnh là NĐT lớn phải công bố thông tin theo quy định…
“Loại bỏ các tài khoản ảo, không chính chủ hay làm sạch dữ liệu NĐT chứng khoán chỉ mới là bước đầu để góp phần giám sát giao dịch chứng khoán, đưa thị trường ngày càng minh bạch hiệu quả hơn. Chúng ta cần có thêm những bước tiến trong việc quản lý và cung cấp thông tin càng nhiều càng tốt, nhất là trong một số loại hình giao dịch đặc biệt, đáng nghi ngờ để không chỉ cơ quan quản lý mà tất cả thành viên tham gia thị trường cũng có thể giám sát. Thông tin càng chi tiết, càng chính xác càng khiến NĐT tin tưởng và tham gia nhiều hơn”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp nhận định việc loại bỏ TK ảo giúp cho số liệu của thị trường chính xác hơn khi chuẩn bị đưa hệ thống giao dịch mới KRX vào hoạt động. Việc chuẩn hóa thông tin trong lộ trình phát triển thị trường chứng khoán cũng là một bước quan trọng. Trước đây để xác định được hành vi vi phạm trong giao dịch như làm giá cổ phiếu, mua bán không báo cáo… sẽ mất thời gian dài do một NĐT sử dụng quá nhiều TK khác nhau với thông tin khác nhau.
Hiện tại khi rà soát, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì dù một NĐT có hàng chục TK thì nếu thông tin chuẩn xác cũng sẽ thể hiện ngay đó là một người, một tổ chức. Do đó mọi giao dịch sẽ được kiểm tra, đối chiếu nhanh hơn khi cần thiết. Từ đó sẽ góp phần làm giảm bớt các hành vi thao túng giá.
Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng làm giá cổ phiếu hơn nữa thì việc chuẩn hóa thông tin NĐT là chưa đủ. Cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát các công ty chứng khoán có đảm bảo đúng quy định trong hoạt động hay không. Cụ thể vẫn còn các trường hợp cho mượn cổ phiếu, bán khống, giao dịch trong ngày (T+0) hay cho khách hàng vay margin với tỷ lệ rất cao thì sẽ còn có hành vi làm giá.
Ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh: Bất kỳ thị trường chứng khoán nào cũng sẽ có tồn tại hoạt động thao túng, làm giá nên không thể ngăn chặn triệt để. Nhưng chúng ta phải tăng cường giám sát, thanh kiểm tra để chấm dứt những hành vi làm giá công khai, trắng trợn mà bất kể NĐT nào cũng nhìn thấy.