Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.
Sáng 12-12 tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động triển khai đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết đề án gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu hình thành được 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.
Áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Theo ông Hoan, đề án sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả, tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo, đồng thời khai thác đa giá trị, tạo nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo.
Các thí điểm thành công tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
“Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chính là từng nấc thang đưa người trồng lúa đến với sự thịnh vượng”, ông Hoan nói.
Bà Carolyn Turk – giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam – cho biết đã đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời tin tưởng đề án này sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho ngành kinh tế cũng như cải thiện đời sống của người dân.
“WB cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ đề án này thông qua các cơ chế để Việt Nam có thể tham gia thị trường carbon tự nguyện. Tương lai chúng ta có thể sử dụng được một nguồn tài chính bền vững để tiếp tục các hoạt động phát triển và sinh kế”, bà Carolyn Turk nói.