Trong khi tập đoàn Vingroup chưa phát ra thông tin về việc mở bán căn hộ thuộc dự án Vincity Grand Pack, P.Long Bình, Q.9, TP.HCM (gọi tắt là Vincity quận 9) thì việc chào bán đã tràn lan trên mạng xã hội và tại các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) khiến người mua dễ sập bẫy cò BĐS.
Coi chừng mất tiền với sàn giao dịch ma
Ngay từ đầu năm 2018, trên internet và các mạng xã hội như facebook, Zalo,… có rất nhiều thông tin bán sản phẩm của Vincity quận 9. Một số công ty môi giới BĐS tự nhận là đại lý, đối tác chính bán căn hộ Vincity quận 9 để nhận tiền “đặt chỗ”, từ 20, 25, 30 triệu/căn hộ, 50 triệu shophouse, 100 triệu nhà phố, 200 triệu biệt thự…
Phóng viên Dân Việt đã gọi theo số điện thoại 0903018xxx (đăng trên mạng), được người đàn ông cho biết tên T, thuộc sàn BĐS ở Hàm Nghi, quận 1. Anh T cho biết công ty này là đại lý phân phối cấp 1, là đại lý lớn nhất của Vingroup. Anh T giới thiệu đầu tháng sau (tháng 1.2019) Vingroup sẽ chính thức mở bán các căn hộ dự án Vicity quận 9.
“Căn hộ 2 phòng ngủ có 2 loại: 60m2 và 68m2, đến khi mở bán mới có giá cụ thể, còn giá bây giờ căn cứ theo giá của Vicity Hà Nội nhưng ở TP.HCM sẽ thấp hơn một chút, từ 25 – 27 triệu đồng/m2 sau thuế, vào khoảng 1,5 – 1,8 tỷ/căn ”, anh T cho biết.
Anh T mời phóng viên tới trụ sở làm hợp đồng giữ chỗ. Hỏi về thủ tục, anh cho biết: “Hôm mở bán thực chất chỉ là ráp căn cho các hộ đã giữ chỗ trước đó. Khách hàng không giữ chỗ sẽ không được chọn căn mà chỉ mua lại giỏ hàng tồn. Khách hàng chỉ phải đặt 30 triệu đồng khi tới đặt chỗ”.
Khi phóng viên e dè đặt câu hỏi liệu đã giữ chỗ thì có đảm bảo khách mua được căn hộ, và căn hộ có ưng ý hay không, như để tạo lòng tin cho khách hàng, anh T giới thiệu thêm, trong lần mở bán đợt 1 Vincity chỉ có 10.000 căn nhưng công ty đã được ưu tiên tới 3.000 căn. Và công ty của anh T được độc quyền tới 6 tòa nhà trong cả dự án. Hiện đã có tới gần 3.000 căn hộ được khách hàng giữ chỗ.
Nhẩm tính số tiền đặt chỗ căn hộ là 30 triệu/căn cho tổng số gần 3.000 căn hộ thì sàn BĐS này đã thu gần 90 tỷ đồng, chỉ cần gửi vào ngân hàng thì mỗi tháng có hàng trăm triệu đồng tiền lãi.
Có người còn rao trên facebook là “đã bán gần hết, chỉ còn 1 căn duy nhất view sông, hướng Tây Nam, giá chủ đầu tư”, có người nói “Các sàn đặt chỗ Vincity đều hết hàng, nhưng bên em vẫn còn hàng. Bên em cam kết giữ được chỗ cho khách shophouse và nhà phố… Nhiều trang web còn quảng cáo chỉ cần 200 triệu, 250 triệu, 300 triệu… là khách hàng có căn hộ sang trọng tại Vincity quận 9″.
Nhân viên tên Ph, sàn BĐS ở quận Phú Nhuận bật mí: “Lợi dụng sức nóng của dự án này, các sàn đã dễ dàng chiếm dụng vốn của người mua, đến khi chủ đầu tư mở bán, những người đã đóng tiền giữ chỗ không mua được sản phẩm vì nhiều lý do, thì sàn nói là do khách đặt muộn,… nên sàn sẽ nói với khách hàng chờ giai đoạn sau, có thể chờ mua lại của người khác đặt trước.
Tất cả đều là “chiêu bài” của một số sàn nhằm “dụ” khách đặt tiền. Người mua đặt tiền vào sàn “ma” thì “tiền mất tật mang”. Bởi nếu sau khi có được số tiền đặt giữ chỗ của khách, sàn biến mất…”.
Không chỉ có “sức nóng” trên mạng xã hội, có mặt tại đường Nguyễn Xiển và Phước Thiện (khu vực dự án Vincity quận 9), rất đông nhân viên môi giới đứng hai bên đường “chèo kéo” mời khách mua sản phẩm của dự án này. Khu vực này cũng có rất nhiều công ty môi giới BĐS sản mọc lên với những quảng cáo hấp dẫn về dự án.
Người mua cả tin dễ sập bẫy
Trước những quảng cáo “kêu như chuông” cộng với thương hiệu của chủ đầu tư, nên một số người mua rất chủ quan. Anh Hồ Ngọc H ở đường 3/2, (phường 12, quận 10) đã liên hệ số điện thoại của một sàn BĐS trên Fanpage. Sau khi thỏa thuận, anh H đồng ý chuyển 150 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng để đặt giữ chỗ mua 5 căn.
Khi được hỏi đã tìm hiểu kỹ về sàn BĐS chưa mà đồng ý chuyển tiền, có phải sàn BĐS đó được Vingroup ủy thác chào bán không, anh H nói thấy quảng cáo trên mạng như vậy, chắc không sao.
Anh Trần Thanh H. ở đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, người chuyên đầu tư kinh doanh BĐS, cho biết: “Sản phẩm của Vingroup được nhiều người quan tâm. Dựa vào tâm lý này, các công ty môi giới BĐS hoặc cá nhân thường quảng cáo với những lời lẽ hoa mỹ để thu hút người mua, mặc dù chủ đầu tư chưa có bất cứ thông tin nào chính thức về việc bán sản phẩm của họ”.
Theo kinh nghiệm của anh H, để an toàn và tránh rắc rối về sau, thậm chí có thể bị lừa, người mua nên thận trọng tìm hiểu thật kỹ về dự án và xem sàn BĐS dự tính đặt tiền có phải là đối tác của Vingroup hay không, không nên vội vàng đặt tiền khi chưa tìm hiểu kỹ.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, một nhân viên truyền thông của tập đoàn Vingroup tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tập đoàn chưa công bố thông tin chính thức về việc bán sản phẩm Vincity quận 9 (giá bán, thời gian mở bán…), cũng như chưa có danh sách các công ty sẽ bán sản phẩm của dự án này. “Khi nào có thông tin chính thức tập đoàn sẽ gửi thông tin cho báo chí”, người này khẳng định.
Theo MSN-Danviet
Vụ giáo viên-kiểm lâm-ngân hàng dự tiệc ma túy: Chủ nhân gói ma túy là cô giáo tiểu học
Dự án metro số 1: Nhật Bản mong muốn Việt Nam thanh toán sớm cho các nhà thầu
Vụ giáo viên-kiểm lâm-ngân hàng dự tiệc ma túy: Chủ nhân gói ma túy là cô giáo tiểu học