Trong quá trình phát triển tài chính xanh, vấn đề “tẩy xanh” (greenwashing) nổi lên như một rủi ro tiềm ẩn.
Tài chính xanh đang trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế, chính phủ của các nước cũng như hệ thống tài chính của từng quốc gia, khu vực nhằm hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
Sau cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; đồng thời, đưa ra lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng… Cam kết tại COP26 của Việt Nam thúc đẩy nhu cầu về tài chính xanh và là cơ hội lớn để phát triển thị trường tài chính xanh, bao gồm tín dụng xanh, trái phiếu xanh và vốn đầu tư xanh.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển tài chính xanh, vấn đề “tẩy xanh” (greenwashing) nổi lên như một rủi ro tiềm ẩn. Khái niệm “tẩy xanh” về cơ bản miêu tả một tổ chức công bố thông tin sai lệch nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng cũng như nguồn tài chính xanh.
Tại sao “tẩy xanh” lại trở thành một vấn đề nghiêm trọng?
Thứ nhất, mặc dù chưa xuất hiện tại Việt Nam, song quy mô và tần suất của hoạt động “tẩy xanh” ngày càng tăng ở các thị trường tài chính trên thế giới và khu vực. Đơn cử, năm 2022, Tập đoàn dầu khí ExxonMobil (Mỹ) bị chỉ trích vì quảng cáo gợi ý rằng nhiên liệu sinh học từ tảo thử nghiệm của họ đến một ngày nào đó có thể giảm lượng khí thải giao thông vận tải, trong khi ExxonMobil không có mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 trên toàn tập đoàn và các mục tiêu giảm phát thải vào năm 2025 không bao gồm phần lớn lượng khí thải phát sinh từ các sản phẩm của họ.
Một ví dụ kinh điển khác về “tẩy xanh” là vào năm 2019, Volkswagen (Đức) thừa nhận đã gian lận trong các cuộc kiểm tra khí thải bằng cách lắp một thiết bị cho nhiều phương tiện khác nhau, với phần mềm có thể phát hiện khi xe đang tiến hành kiểm tra khí thải và thay đổi hiệu suất để giảm mức phát thải.
Trong tháng 11 vừa qua, Tổ chức Hòa Bình Xanh (Green Peace) đã cáo buộc các công ty dầu khí lớn của Trung Quốc như PetroChina và CNOOC đang sử dụng các khoản bồi thường các-bon chất lượng kém để “xanh hóa” nhập khẩu khí tự nhiên, mà không cam kết giảm lượng khí thải. Theo Green Peace, đối với các công ty dầu khí, việc bù đắp lượng các-bon là một màn khói để che giấu lượng khí thải các-bon tiếp tục tăng gấp đôi của họ.
Thứ hai, “tẩy xanh” có thể mang lại thông tin sai lệch, thậm chí có hại cho sự phát triển bền vững. Chẳng hạn, các doanh nghiệp bao bì đã quảng cáo túi nhựa “có thể phân hủy sinh học” nhằm hướng tới mục tiêu xanh hơn, nhưng các nghiên cứu đã gợi ý rằng, một số loại túi “phân hủy sinh học” có thể không thực sự mang lại hiệu quả như lời hứa, thậm chí có thể phân hủy thành các hạt vi nhựa có hại.
Thứ ba, những gian lận trong việc “tẩy xanh” gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Cổ phiếu của Exxon Mobil đã giảm mạnh sau những chỉ trích trên, hay Tập đoàn xe hơi Volkswagen đã phải phải bỏ ra 9,5 tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện tại Mỹ liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải.
Cuối cùng, vấn đề gian lận sẽ làm tăng rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, từ đó làm giảm hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả của việc hỗ trợ tài chính xanh. Theo một báo cáo cáo của Trung Quốc vào tháng 7/2022, các tổ chức phát hành trái phiếu ở nước này có thể sử dụng tới 50% nguồn vốn từ trái phiếu xanh để tài trợ cho các hoạt động “chưa xanh”.
Ngăn ngừa “tẩy xanh”, kinh nghiệm quốc tế
Để hạn chế rủi ro “tẩy xanh”, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, hầu hết các nước đều tập trung xây dựng khung pháp lý về tăng trưởng “xanh”, hoặc công khai các trường hợp gian lận trong việc công bố thông tin. Hiện Liên minh châu Âu (EU) có hệ thống phân loại có tiêu chuẩn rất chặt chẽ để dán nhãn cho các dự án, sản phẩm xanh. Tháng 9 vừa qua, EU đã thông qua dự luật về việc cấm các công ty dán nhãn “xanh” cho sản phẩm, dự án nếu không đưa ra được những bằng chứng chi tiết cho điều này.
Singapore và Indonesia đã áp dụng các tiêu chuẩn phân loại của ASEAN và EU trong khuôn khổ xanh quốc gia của họ. Phân loại tài chính bền vững của ASEAN là bộ tài liệu phân loại sự đóng góp của các hoạt động kinh tế vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua hệ thống mã màu từ “xanh”, đến “hổ phách” và “đỏ”. Hệ thống phân loại cũng đưa ra lời khuyên cụ thể theo ngành về các hoạt động và đầu tư xanh. Điều này mang lại sự tin cậy cho các tiêu chuẩn của họ dựa trên các tiêu chuẩn cao và nguyên tắc phổ quát nhưng có tính linh hoạt để tương thích với bối cảnh địa phương.
Tại Trung Quốc, tình trạng “tẩy xanh” diễn ra khá phổ biến, đa phần xuất phát từ việc công bố thông tin không đồng nhất và không cập nhật. Để giảm thiểu tình trạng “tẩy xanh”, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các yêu cầu đối với các báo cáo tài chính của công ty cần được công bố thường xuyên, truy cập mở và bắt buộc. Các bản báo cáo tài chính cũng cần đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy về các thông tin liên quan đến môi trường để giảm bớt các rủi ro “tẩy xanh”, từ đó giúp các nhà đầu tư và chính phủ có thể kiểm tra trước khi đưa ra các quyết định tài trợ tài chính xanh.
Ngăn ngừa “tẩy xanh” tại Việt Nam
Hạn chế, ngăn ngừa “tẩy xanh” đang ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực và nâng cao hiệu quả của các hoạt động tài chính xanh. Đây cũng là vấn đề Việt Nam cần chú ý trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần tăng cường các yêu cầu về công bố thông tin, đây là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế tình trạng “tẩy xanh”. Tuy nhiên, việc giám sát chất lượng và mức độ công bố thông tin cần chặt chẽ, vì chúng có thể dễ dàng bị “tẩy xanh”. Để làm được điều đó, cơ quan quản lý cần xây dựng những tiêu chuẩn và khung báo cáo về phát triển bền vững đáng tin cậy để tạo tiền đề cho việc báo cáo minh bạch, từ đó hạn chế hành vi “tẩy xanh”.
Thứ hai, liên tục hoàn thiện khung pháp lý về quy định “xanh”. Báo cáo Hiện trạng thị trường tài chính bền vững của ASEAN năm 2021 đã xếp hạng Việt Nam là quốc gia phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai trong số các quốc gia thành viên ASEAN. Mặc dù vậy, chưa có quy định pháp lý nào về phân loại trái phiếu xanh hoặc chỉ số quốc gia về trái phiếu xanh ở Việt Nam.
Việt Nam nên áp dụng sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế trong các quy định của mình. Sử dụng các quy tắc phân loại của ASEAN và EU làm điểm tham chiếu, Việt Nam có thể tạo ra một hệ thống phân loại trái phiếu xanh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhưng phù hợp với bối cảnh kinh tế Đông Nam Á.
Thứ ba, thắt chặt các chế tài đối với các hành vi “tẩy xanh” sẽ góp phần ngăn chặn hiện tượng này cũng như đảm bảo cho sự phát triển của thị trường tài chính xanh, đưa Việt Nam trở thành đối tác đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.