Sở VH-TT TPHCM cũng đang có đề xuất nhằm hỗ trợ cho các nghệ nhân đờn ca tài tử trên địa bàn.
Đó là những thông tin được nêu ra trong hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử (ĐCTT) trên địa bàn TPHCM diễn ra sáng 8/12, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (quận 4, TPHCM) nhân kỷ niệm 10 năm ĐCTT được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cụ thể, Phòng quản lý Di sản Văn hóa (Sở VH-TT TPHCM) cho biết số lượng CLB giảm. Qua kiểm kê trong năm 2023, TPHCM hiện có 229 CLB, 84 đội nhóm ĐCTT đang hoạt động với tổng số thành viên là 1.226 người. Trong đó, gồm 454 nghệ nhân, tài tử đờn; 772 nghệ nhân, tài tử ca. Có 6 nghệ nhân là Nghệ nhân Nhân dân (NNND), 13 nghệ nhân là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT).
Nguyên nhân giảm là do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, thiếu điều kiện tổ chức sinh hoạt. Trong khi đó, theo tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nhiều CLB không có nghệ nhân đờn nên dừng hoạt động. Tài chính, không có địa điểm biểu diễn… cũng là những vấn đề lớn với nhiều CLB… Bên cạnh đó, hoạt động của một số CLB không hiệu quả.
TS. NNƯT Hoàng Tấn cho rằng việc kiểm kê hiện tại về số lượng CLB, nghệ nhân có thể chưa chính xác, bị trùng lắp… Chẳng hạn có 1 nghệ nhân tham gia nhiều CLB, nhưng được tính là nhiều người. Hoặc cũng có những đội nhóm đang hoạt động nhưng chưa xuất hiện trong các khảo sát. Theo ông, việc kiểm kê chính xác hết sức quan trọng.
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên lý giải, CLB là nền tảng để nghệ nhân hoạt động, truyền nghề. Vì thế, xác định chính xác số lượng nghệ nhân, CLB cũng là cách tạo nền tảng vững vàng cho sự phát triển trong tương lai. “Nếu không củng cố CLB từ bây giờ, thì bước đi sắp tới rất khó khăn”, bà nói.
Một số CLB hiện sinh hoạt đều đặn tại TPHCM như: CLB ĐCTT Nguyễn Du (quận 1), CLB ĐCTT Sen Việt (quận 3), CLB ĐCTT quận 9, CLB ĐCTT quận Phú Nhuận, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ…
Theo quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thì NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ. Qua rà soát thực tế, không có nghệ nhân nào trên địa bàn TPHCM đủ điều kiện được hỗ trợ. Tuy nhiên, Sở VH-TT TPHCM cho rằng nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển di sản này.
Vì thế, Sở đang tham mưu, đề xuất thành phố xem xét, thông qua chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân. Sở cũng có văn bản kiến nghị Bộ VH-TT&DL tham mưu sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Hiện nội dung này đã được đưa vào dự thảo sửa đổi luật. Thông qua đây, hy vọng sẽ có những chế độ chính sách để động viên nghệ nhân.
Trong những năm qua, nhiều hoạt động về biểu diễn, đào tạo đã được thực hiện tại địa bàn TPHCM. Về biểu diễn có các sự kiện lớn như: Liên hoan ĐCTT TPHCM Hoa Sen Vàng, Vầng trăng cổ nhạc, Thanh âm dân tộc, Liên hoan các giọng ca tài tử TPHCM Búp Sen Vàng, giao lưu Hội ngộ tri kỷ tri âm và Đờn ca tương ngộ, biểu diễn ở chợ hoa xuân trên bến dưới thuyền, Ngân mãi chuông vàng…
Quận 1 tổ chức giảng dạy ĐCTT cho 26.646 lượt học sinh, 818 giáo viên tham gia. Quận 2 tổ chức bồi dưỡng cho 566 em học sinh. Quận 5 đưa ĐCTT vào giảng dạy tại 24/24 trường tiểu học. Quận 7, 8, 12, huyện Bình Chánh… cũng truyền dạy ĐCTT cho nhiều học sinh, tài tử nhí…
ĐCTT tại TPHCM cũng đang đối diện nhiều vấn đề. Loại hình này chỉ phát triển tại vùng ngoại thành, chủ yếu ở lứa trung niên, “già hóa” hội viên. Nghệ nhân đờn ngày càng khan hiếm. Hoạt động sáng tạo bài bản, nhạc khí chưa được chú trọng, phát huy. Chương trình ĐCTT ở các nhà văn hóa chất lượng chưa cao, thiếu đầu tư kinh phí, chuyên môn…
Nhiều giải pháp được đề ra để tiếp tục phát triển loại hình này: đưa vào học đường, tìm kiếm thế hệ trẻ kế thừa, phát triển gắn với du lịch, rà soát lại hoạt động của các CLB, cần thêm sự quan tâm của cơ quan quản lý, có chính sách đãi ngộ tốt với nghệ nhân, thành lập quỹ hỗ trợ ĐCTT, tạo không gian biểu diễn cho các CLB…