Ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị miền trung trước hết là ứng phó với hai hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm nhất là bão và mưa lớn gây ngập lụt. Mỗi địa phương đều triển khai nhiều giải pháp trước mắt để hạn chế phần nào tình trạng ngập lụt đô thị; đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, khảo sát, tìm giải pháp phòng chống ngập lụt, giảm thiệt hại về người và tài sản là vấn đề bức thiết của chính quyền các tỉnh miền trung.
Trả lời ý kiến cử tri về công tác chống ngập lụt đô thị tại kỳ họp Hội đồng nhân dân mới đây, Chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thành phố đang lên phương án tổng thể chống ngập úng, dự kiến sử dụng hơn 1.000 tỷ đồng. Trước mắt là tập trung nạo vét, khơi thông cống rãnh, kênh mương thoát nước, kết hợp với nạo vét, kết nối hệ thống ao hồ hiện có để chứa nước khi mưa lớn. Tuy nhiên, hầu hết hệ thống cống thoát nước khu vực trung tâm thành phố được xây dựng từ lâu, qua nhiều giai đoạn cải tạo, hiện đã xuống cấp, hư hỏng do sạt lở, tắc nghẽn… làm hạn chế khả năng thoát nước…
Chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm tính thông suốt, hiệu quả của hệ thống thoát nước từ khu dân cư đến cửa thoát ra sông, ra biển.
Ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết: “Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho Phòng Quản lý đô thị khảo sát cụ thể từng điểm, khu vực bị ngập thường xuyên trong những đợt mưa lớn vừa qua, nghiên cứu, xây dựng phương án cải tạo hệ thống thu gom, thoát nước mưa. Với những phương án thuộc thẩm quyền, UBND quận sẽ bố trí vốn để thực hiện. Những dự án lớn, liên quan các địa phương lân cận sẽ được trình lên thành phố nghiên cứu, xem xét. Nhiệm vụ trước mắt là hạn chế ngập sâu, tiến tới giảm dần và xóa bỏ các điểm, khu vực thường xuyên bị ngập mà lý do chính là hệ thống thoát nước chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ”.
Ðồng quan điểm, Chủ tịch UBND TP Ðồng Hới Hoàng Ngọc Ðan nhấn mạnh: “Mỗi đô thị cần xây dựng lại bản đồ ngập lụt với các kịch bản mưa lũ tương ứng để ứng phó một cách hiệu quả đối với từng khu vực, vị trí cụ thể. Với Ðồng Hới, chúng tôi yêu cầu các chủ đầu tư khi tiến hành xây dựng khu đô thị, san nền trong thành phố thì cao độ san nền phải bảo đảm tuân thủ các quy hoạch xây dựng trên địa bàn và kết hợp các giải pháp về xây dựng các khu công viên cây xanh cho khu đô thị, hạn chế tối đa nhựa hóa, bê-tông hóa.
Ðối với các khu vực đô thị ven sông cần phải có giải pháp bố trí hành lang thoát lũ như bố trí thêm công viên, thềm bãi ven sông. Ðối với các trục đường giao thông trong thành phố phải bố trí các cống tiêu, cầu qua sông và các cống tiêu dọc tuyến bảo đảm đủ khẩu độ tiêu thoát, dẫn nước để thoát ra hệ thống chính”.
Với Ðà Nẵng, thành phố nằm ngay cạnh bờ biển, có sông Hàn chảy ngang giữa trung tâm, mà vẫn bị ngập úng thì nguyên nhân cơ bản thuộc về công tác quy hoạch, xây dựng. Từ hơn 20 năm nay, Ðà Nẵng phát triển nóng, các dự án thiếu đồng bộ, không khớp nối về nền cốt của hệ thống thoát nước. Cứ dự án sau cao hơn dự án trước, mà không tính cho dự án trước, dự án lân cận, khu dân cư hiện hữu. Con số một vài nghìn tỷ đồng, chỉ là giải pháp tạm thời cho bài toán ngập úng đô thị Ðà Nẵng.
Mà trước hết, Ðà Nẵng cần xác định đây là một phần không thể thiếu trong phát triển đô thị, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, mức độ ngày càng lớn. Nếu đủ nguồn lực, Ðà Nẵng nên học tập các đô thị lớn của thế giới bằng việc sử dụng phần ngầm của các tuyến đường giao thông đô thị làm hệ thống cống thoát nước, kết nối chủ yếu theo trục ngang, từ cao đến thấp. Ý tưởng ngăn hoàn toàn nước mưa thoát ra biển, mà chuyển nước mưa về sông Hàn có thể làm được nhưng đòi hỏi vốn rất lớn, có thể cần đến hàng tỷ USD. Vì thế, đề xuất của một số chuyên gia là xây các cống ngầm nối dài cửa xả nước ra khoảng vài trăm mét ngoài biển cũng là phương án cần xem xét, nghiên cứu.
Theo Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trà Thanh Danh, sau khi tổ chức nạo vét hệ thống thoát nước, các tuyến cống chính, các cửa xả và mở thêm một số tuyến thoát nước tự nhiên tạm thời, tại đô thị Quảng Ngãi, đã giảm được mức nước ngập ở 19 điểm ngập nghiêm trọng trước đây. Thành phố Quảng Ngãi cũng đang rà soát tổng thể để điều chỉnh, bổ sung các tuyến thoát nước chính cần thiết, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước vào trong đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu trung tâm thành phố Quảng Ngãi theo kịch bản biến đổi khí hậu.
Về lâu dài, thành phố Quảng Ngãi đề xuất dự án phát triển hạ tầng thích ứng đô thị, trong đó có 2 hợp phần là Hạ tầng chống ngập và chống lũ sông thích ứng và Thu gom và xử lý nước thải thích ứng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Cuối tháng 9/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết chủ trương đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng triển khai hệ thống thu gom, xử lý nước mưa, nước thải thành phố Quảng Ngãi lưu vực phía nam hạ lưu sông Trà Khúc nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng thoát nước, hạ tầng đô thị theo quy hoạch chung xây dựng thành phố Quảng Ngãi đến năm 2040 đã được phê duyệt.
Tại cuộc hội thảo về chủ đề “Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai tại các đô thị ven biển” do UBND TP Quảng Ngãi đăng cai tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho rằng, đối với đô thị Quảng Ngãi, cũng như nhiều đô thị ở miền trung, đã có nghiên cứu lịch sử thiên tai, có bản đồ ngập lụt nhưng chưa có kịch bản ứng phó thời tiết cực đoan trong tương lai. Chính vì vậy, các địa phương cần đưa kịch bản ứng phó thời tiết cực đoan vào trong quy hoạch để xây dựng hạ tầng tương ứng. Khi quy hoạch đô thị cần có cái nhìn đa chiều và đặt vào bối cảnh tương lai của biến đổi khí hậu.
Cùng chung quan điểm về chống ngập lụt đô thị ở miền trung, kiến trúc sư Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch miền nam nhấn mạnh: Ngay từ bây giờ, trong quy hoạch, xây dựng đô thị ven biển, các địa phương cần ưu tiên không gian để thoát nước. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ thực trạng này ở các đô thị như Ðồng Hới, Ðà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi… khi phát triển quá nhiều dự án bất động sản, khu dân cư ven sông, giữa sông, ven biển làm ngăn cản dòng chảy nước mưa.
Cần phải ưu tiên dành quỹ đất phát triển công viên sinh thái ở các khu vực này, vừa bảo đảm không gian tiêu thoát nước cho sông, không làm cản trở dòng chảy của sông, suối, vừa góp phần giúp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa lũ liên tiếp xảy ra với tần suất và cường độ mưa ngày càng tăng.
Tiến sĩ Trần Văn Giải Phóng, chuyên gia về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu cho rằng: Các đô thị ở miền trung vừa có nhiều nét tương đồng, vừa có nét khác biệt. Trong đó, riêng thành phố Huế có đặc thù riêng là đô thị cổ, khu vực phía bắc nằm ở vùng trũng thấp; vì vậy ngoài việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, cần tính đến phương án vận hành hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện… với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3 bảo đảm nguyên tắc góp phần cắt lũ cho hạ lưu khi có mưa lớn, vì chúng ta không thể tác động nhiều đến khu đô thị cổ của Huế vốn thường xuyên ngập lụt. Với các đô thị mới, cần từng bước giảm công trình ven sông, ven biển, kết hợp với cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước mưa đủ lớn, an toàn và đồng bộ cho từng cụm, từng khu vực và các đô thị liền kề… nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển đô thị bền vững.