Bộ Tài chính vừa chính thức cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Dù quy định mới có điểm sáng là góp phần hạn chế nạn ép mua bảo hiểm khi vay, nhưng vẫn chưa triệt tận gốc.
Bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) trở thành mảnh đất màu mỡ, mang về doanh thu hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Hạn chế ép mua bảo hiểm, giảm hợp đồng ảo
Ngay khi biết Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng, nhiều người dân không khỏi vui mừng.
“Quá tốt rồi. Phải có những quy định pháp luật chặt chẽ để bảo vệ người dân. Hy vọng từ nay người đi vay không bị ép uổng mua bảo hiểm nữa. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được tiền. Mỗi khi bị ép mua bảo hiểm thì cảm thấy rất ức chế”, chị Giang (chủ một doanh nghiệp nhỏ, TP.HCM) chia sẻ.
Lúc trước chị tới rất nhiều ngân hàng để vay, có tài sản thế chấp đầy đủ, nhưng vẫn bị dồn vào thế phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Chỗ nào “nhẹ nhàng” thì đóng khoảng 30 triệu đồng, nơi nặng hơn thì cả trăm triệu tiền phí/năm. Khoản tiền nộp vào bảo hiểm nhân thọ được chị xem như “phí bôi trơn” khi vay, đóng năm đầu rồi xếp hợp đồng vào xó và bỏ.
Song song đó, Bộ Tài chính cũng quy định đại lý bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung trong quá trình tư vấn. Phía công ty bảo hiểm lưu trữ và bảo mật các tài liệu, dữ liệu ghi âm ít nhất 5 năm.
Bà Hồ Thị Ngọc Như – trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) – nhận định việc ghi âm mang lại nhiều tác dụng nhất định.
Cụ thể, đại lý bảo hiểm sẽ khó nộp hợp đồng ảo vào các ngày cuối tháng để phục vụ việc chạy đua doanh số và danh hiệu, từ đó doanh nghiệp bảo hiểm hạn chế bị trục lợi chính sách.
Ngoài ra cũng hạn chế tình trạng đại lý bảo hiểm giấu nhẹm, không tư vấn các khoản phí khách hàng phải mất đi khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, không nói việc khách hàng có 21 ngày cân nhắc tiếp tục tham gia hay hủy hợp đồng…
Ghi âm cũng giúp ngăn ngừa việc đại lý đánh tráo khái niệm, mập mờ trong quá trình tư vấn với khách hàng. Thời gian qua có nhiều người đã tư vấn bảo hiểm nhân thọ là “sổ tiết kiệm” hay hình thức mới “tiết kiệm – đầu tư”, cam kết lãi cao.
Hàng loạt người dân cũng phản ánh họ được nhân viên ngân hàng tư vấn, nhưng người đứng tên chịu trách nhiệm trên hợp đồng lại là một đại lý bảo hiểm xa lạ, chưa từng tiếp xúc với khách hàng.
“Việc ghi âm không chỉ bảo vệ quyền lợi cho chính doanh nghiệp bảo hiểm, tránh bị trục lợi chính sách, giúp bảo vệ đại lý trước một số khách hàng không trung thực, mà quan trọng hơn nữa là giúp bảo vệ khách hàng trước nguy cơ bị tư vấn lập lờ.
Khách hàng cũng hiểu được quyền và trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm, đưa ra quyết định trước khi ký. Đồng thời, đại lý buộc phải nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để tồn tại trong ngành”, bà Ngọc Như cho hay.
Một điểm thuận lợi cho khách hàng là thông tư mới có quy định doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được thu tối đa tổng cộng 140% phí bảo hiểm cơ bản trong 5 năm đầu, thấp hơn mức phí 160 – 220% hiện nay nhiều doanh nghiệp đang áp dụng.
“Tiền của khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ không bị trừ quá nhiều vào phí ban đầu như hiện nay. Giúp dòng tiền hoàn lại của khách hàng cao hơn, và hợp đồng được duy trì bảo vệ dài hơn”, bà Ngọc Như chia sẻ.
Vẫn cần thêm quy định giám sát
Vui mừng khi có quy định mới, nhưng vì trước đó đã bị dồn vào thế phải mua bảo hiểm nhân thọ không chỉ một mà nhiều lần, nên anh M.Hoàng (ngụ quận 7) vẫn cảm thấy dè chừng: “Khi đi vay người dân thường phải lụy ngân hàng. Văn bản đã cấm rồi, nhưng cơ quan chức năng cũng phải giám sát và kiểm tra việc áp dụng”.
Ông Trần Nguyên Đán – giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM – nhận định nhiều nội dung trong thông tư thể hiện sự lắng nghe của Bộ Tài chính, góp phần hạn chế việc ép mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay, cũng như tình trạng đại lý bảo hiểm tư vấn mập mờ “quẹo” từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ…
“Một số quy định mới khá tốt, cần thêm thời gian để kiểm chứng nội dung trên có được áp dụng đúng trong thực tế hay không. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng các quy định trên vẫn chưa đầy đủ, chưa giải quyết triệt để tận gốc vấn đề trong ngành bảo hiểm”, ông Đán nói.
Điển hình như Bộ Tài chính chỉ cấm bán một loại bảo hiểm liên kết đầu tư trong vòng trước và sau 60 ngày đối với khách vay. Trong khi bảo hiểm nhân thọ còn có sáu loại hình cơ bản khác (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí). Như vậy, rủi ro bị dồn vào thế buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay là vẫn còn.
Liên quan đến việc ghi âm, trong nhiều năm nay bản thân các doanh nghiệp cũng đã thực hiện cuộc gọi chào mừng – welcome call khi khách mới ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nhưng nội dung trao đổi vẫn khá hời hợt.
Do đó, các doanh nghiệp cần phải có các cuộc gọi xác nhận – confirm call, để kiểm tra lại nhiều thông tin cụ thể được kê khai trong hợp đồng như: nghề nghiệp, thu nhập, bệnh lý… của khách hàng. Đồng thời xác định khách hàng có được tư vấn đầy đủ và chính xác chưa về điều khoản loại trừ, thời gian 21 ngày cân nhắc…
Ngoài ra, hiện nay đại lý bảo hiểm thường nói khách hàng ký xác nhận vào hợp đồng rằng đã được tư vấn đầy đủ, đã đọc và hiểu. Tuy nhiên hợp đồng rất dày, nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Do đó, công ty bảo hiểm cần tạo ra một biểu mẫu ngắn gọn, để khách hàng tự ghi và xác nhận những thông tin cơ bản về quyền cũng như nghĩa vụ của mình.
Để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, hạn chế những lỗi sai trong tư vấn, ông Đán cho rằng cần giám sát chặt chẽ đại lý bảo hiểm. Nếu nhận thấy bất kỳ người nào có dấu hiệu tư vấn sai, có thể khóa code (mã số đại lý bảo hiểm) tạm thời, sau đó điều tra, tiến hành xử phạt (nếu có).