Về trang chủ Kinh doanh Doanh Nghiệp Kinh tế tăng tốc cuối năm, điểm tựa cho tăng trưởng 2024

Kinh tế tăng tốc cuối năm, điểm tựa cho tăng trưởng 2024

Năm 2024, kinh tế Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%.
15 chỉ tiêu kinh tế – xã hội 2024

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 với 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó có nhiều chỉ số kinh tế đáng chú ý, với mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong 15 chỉ tiêu thì có một nửa liên quan đến kinh tế. Đáng chú ý là Nghị quyết đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 6-6,5%.

Một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu này là khá cao. Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được con số đề ra.

Bên cạnh là một số chỉ tiêu khác, không có nhiều thay đổi so với năm 2023, như GDP bình quân đầu người phấn đấu đạt 4.700 – 4.730 USD; tỷ lệ lao động qua đào tạo ở mức 69%…

Sản xuất công nghiệp phục hồi những tháng cuối năm

Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng trưởng cho năm sau, dù còn khó khăn, nhưng vẫn đặt những mục tiêu khá tham vọng. Bởi lẽ, tình hình thị trường đã có những chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 5,5% so với tháng 9. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây.

Câu chuyện được thể hiện ngay tại đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia nhận định, chu kỳ sản xuất của thành phố đang vượt qua giai đoạn suy giảm, 2 tháng còn lại trong năm chắc chắn sẽ sôi động. Bởi đây là thời gian chạy nước rút chuẩn bị mùa cao điểm lễ, Tết và hoàn thiện các đơn hàng quốc tế.

Dù cũng chịu những tác động của tình hình kinh tế thế giới thế nhưng 10 tháng năm nay, tăng trưởng của Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng đạt 25% nhờ có được các hợp đồng với giá trị rất lớn. Hai tháng còn lại của năm, hơn 1.500 người lao động tại nhà máy đang gấp rút hoàn thiện đơn hàng cho khách hàng Australia, Nhật Bản, Ai Cập, Trung Quốc. Kỳ vọng nhờ 2 tháng này, doanh số cả năm sẽ tăng lên và tăng trưởng đạt trên 30%. Với kết quả này, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng năm sau tiếp tục đạt 25%-30%.

“Chúng tôi tin tưởng vào mục tiêu này. Bởi vì chúng tôi đã có đơn hàng, khách hàng, tham gia vào những công trình trọng điểm trên toàn cầu”, ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng cho biết.

Sản xuất công nghiệp phục hồi những tháng cuối năm

Duy trì đơn hàng ở thị trường truyền thống, tiếp cận thị trường mới như Trung Đông và Đông Nam Á; chăm chút cho thị trường nội địa… Công ty May mặc Dony đã có thêm đơn hàng để sản xuất từ nay tới tháng 4 năm sau. Mục tiêu tăng trưởng có thể đạt trên 20%.

“Công ty vừa chốt được đơn hàng cho khách đến từ Mỹ, cũng như có thêm khách hàng ở Malaysia, Campuchia. Làm thật tốt với khách hàng hiện tại sẽ có thêm cơ hội đến với các khách hàng mới”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết.

Các chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp đã trải qua thời gian dài tái cấu trúc, bố trí lao động, tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Do vậy, “sức khoẻ” ngành sản xuất đang dần được cải thiện và tốt hơn trong năm 2024. Sự phục hồi của một số thị trường khi đã giải toả tồn kho sẽ giúp nhiều DN có đơn hàng đến quý 1 năm sau.

Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chiều sâu của các lĩnh vực công nghiệp mạnh của Việt Nam cũng có bước chuyển biến tích cực. Thuận lợi mang tính chất sự phục hồi của thị trường như các thị trường truyền thống nhập khẩu trở lại hay có thêm thị trường mới.

“Thách thức vẫn còn, năm 2024 chúng tôi gọi là năm định hình mô hình tăng trưởng mới, tư duy mô hình từ ngành công nghiệp cho đến những lĩnh vực lớn”, ông Nghĩa nhận định.

Để cộng đồng doanh nghiệp có thêm trợ lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giới chuyên gia đánh giá, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, có thể kéo dài tới hết năm sau. Thực tế cho thấy, các chính sách như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế VAT, giảm lãi suất vay… đều là những “liều thuốc” kịp thời cho doanh nghiệp.

Ổn định cung cầu hàng hoá

Còn khoảng 3 tháng là đến tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, thế nhưng để đảm bảo lượng hàng hoá đầy đủ phục vụ người tiêu dùng, các hệ thống phân phối đã làm việc với nhà cung cấp từ tháng 7.

“Chúng tôi đang làm việc với các nhà cung cấp về các nguồn hàng và xây dựng chiến lược về sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu trong những dịp cuối năm hay những sản phẩm mùa vụ dành cho Tết”, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vận hành WINMART Miền Bắc cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, ngoài chuẩn bị hàng hoá với nhà cung cấp, siêu thị có chuẩn bị về cơ sở vật chất, kho tàng bến bãi để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về lưu trữ hàng hoá, chất lượng hàng hoá được trưng bày khi đưa ra cho người tiêu dùng.

“Phần lớn các sản phẩm sản xuất trong nước và hàng Việt Nam thì siêu thị cũng đặc biệt ưu tiên và cái lượng ưu tiên đó khoảng 80 – 85%”, ông Tuấn cho biết.

Đảm bảo lượng hàng hoá đầy đủ phục vụ người tiêu dùng là yếu tố quan trọng kiềm chế lạm phát

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hà Nội, tổng giá trị hàng hoá phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023. Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất có kế hoạch đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không tăng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho Tết.

“Các doanh nghiệp đã chủ động tăng từ 3 – 5 lần lượng hàng mà Sở Công Thương TP Hà Nội đã giao để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024. Các doanh nghiệp cũng đang tận hưởng được giảm thuế VAT. Do đó cũng xây dựng những hàng hoá sản phẩm và đưa ra 1 chính sách giá hợp lý để khuyến khích người tiêu dùng”, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết.

Bộ Công Thương cho biết sẽ yêu cầu các địa phương đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo dự báo, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới còn hiện hữu, tiếp tục tác động lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta. Vì vậy, trong năm 2024, các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Để đạt các chỉ tiêu trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024.

Theo VTV

Có thể bạn quan tâm