Bộ trưởng Công an cho rằng quy định xe ưu tiên được vượt đèn đỏ là “rất dở”. “Đang đèn xanh được đi thì lại phải đứng lại do cảnh sát ngăn, nhường đường cho xe ưu tiên, rất nguy hiểm”, ông nói.
Quan điểm này được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đưa ra trong phiên thảo luận tổ sáng 10/11 về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Quan điểm được Bộ trưởng Công an nhấn mạnh là tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng luật cũng phải phục vụ nhân dân, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Xe ưu tiên vượt đèn đỏ là “rất dở”
Góp ý về quy định liên quan “chỉ huy giao thông”, Đại tướng Tô Lâm dẫn chứng bài học ở các nước. Ông cho biết khi đi công tác nước ngoài thấy các nước làm rất chuẩn theo hướng “đã ra đường chỉ có một luật và đèn đỏ phải dừng lại”.
Song thực tế, ở Việt Nam, khi đèn đỏ xe ưu tiên vẫn được đi qua. “Như thế là xe ưu tiên không thực hiện luật. Quy định này rất dở, và nguyên nhân do điều hành giao thông”, theo lời Đại tướng Tô Lâm.
Ông nhắc lại ở nước ngoài, dù có xe cảnh sát dẫn đường nhưng dứt khoát đèn đỏ phải dừng lại, Khi cần thiết, họ điều chỉnh cho đèn giao thông phù hợp.
Còn ở Việt Nam mỗi khi có xe ưu tiên đi qua, Bộ trưởng Công an cho rằng CSGT vất vả, người dân cũng vất vả. “Đang đèn xanh được đi thì lại phải đứng lại do cảnh sát ngăn để nhường đường cho xe ưu tiên, rất nguy hiểm. Người ta đúng đường, đúng luật phải được đi”, Bộ trưởng nhấn mạnh lần soạn thảo luật này phải quy định hợp lý nhưng đúng luật.
“Chúng tôi cũng muốn xe ưu tiên dẫn đoàn nhưng phải đèn xanh mới được đi, không thể cậy ưu tiên. Luật chỉ có một, xe ưu tiên cũng không nên được ưu tiên khi đèn đỏ”, ông Lâm nói.
Trong trường hợp xe cấp cứu, cứu hỏa, Bộ trưởng cho rằng “phải điều hành chặng đường đó là đường ưu tiên và người dân khác phải chấp hành”.
Áp dụng khoa học công nghệ vào điều khiển giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cũng là nội dung được Bộ trưởng Công an đề cập.
Ông cho biết một số nước áp dụng công nghệ nhận diện biển số xe rất tốt nên “biển lạ, biển rởm” không thể đi qua được vì hệ thống không mở.
“Phải áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả, giảm bớt lời ong tiếng ve về CSGT, bởi vì phạt không trực tiếp, không nhận tiền phạt, không ai tiếp xúc, giao dịch với ai, muốn tiêu cực cũng không tiêu cực được.
CSGT chưa học đỡ đẻ ngày nào nhưng vẫn hỗ trợ được
Nhấn mạnh tinh thần của dự thảo luật là “quan tâm đến người yếu thế”, Bộ trưởng Công an cho biết thực tế, lực lượng CSGT cũng rất quan tâm đến đối tượng này. Bộ trưởng nhắc đến hình ảnh CSGT dắt cháu bé, cụ già qua đường, hay tham gia cấp cứu.
Ông cho biết khi có cứu hộ, cứu nạn, CSGT cũng tham gia cấp cứu. Ông nêu kinh nghiệm hay ở các nước từ trung tâm 911 người dân có vấn đề gì cứu hộ, cứu nạn đều gọi đến cảnh sát, một số nước còn kết hợp xe cấp cứu với xe cảnh sát.
Đại tướng Tô Lâm kể câu chuyện của Tư lệnh cảnh sát ở Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, cho biết khi kết hợp xe cấp cứu và xe cảnh sát, hiệu quả cứu sống lên tới 70% với người tim mạch do tận dụng được giờ vàng.
Trung tâm cứu hộ, cứu nạn đều có bác sĩ trực, trên xe cảnh sát có sẵn máy đo tim mạch, đo huyết áp, mọi kết quả đều truyền ngay về bệnh viện, bác sĩ không cần đo lại. Thậm chí cảnh sát còn chủ động biết được người dân này gọi đến là cần gì, hỗ trợ gì.
Ở Việt Nam, CSGT cũng đáp ứng được yêu cầu này, theo Bộ trưởng Công an. Ông cho rằng cấp cứu, hỗ trợ phụ nữ sinh nở, tai nạn trên đường không có ai kịp thời bằng CSGT.
“Mặc dù chưa học đỡ đẻ ngày nào nhưng CSGT vẫn làm những việc như vậy, hay cấp cứu trong trường hợp đuối nước…”, ông cho biết lực lượng cứu hộ, cứu nạn, giao thông đang được học những kiến thức cơ bản về y tế.