Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay tiếp tục sụt giảm xuống đáy mới, thậm chí chỉ khớp hơn 4,7 ngàn tỷ đồng. VN-Index phần lớn thời gian chìm dưới tham chiếu và độ rộng áp đảo ở phía tăng. Tuy vậy biên độ giảm lại rất hẹp, cho thấy áp lực bán vẫn yếu, chủ đạo do dòng tiền chờ đợi vùng giá thấp…
Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay tiếp tục sụt giảm xuống đáy mới, thậm chí chỉ khớp hơn 4,7 ngàn tỷ đồng. VN-Index phần lớn thời gian chìm dưới tham chiếu và độ rộng áp đảo ở phía tăng. Tuy vậy biên độ giảm lại rất hẹp, cho thấy áp lực bán vẫn yếu, chủ đạo do dòng tiền chờ đợi vùng giá thấp.
VN-Index chỉ có khoảng 20 phút vượt qua được tham chiếu, với mức tăng cao nhất lúc 11h07 chỉ khoảng 1,6 điểm. Chốt phiên sáng chỉ số giảm 1,29 điểm tương đương -0,12%. Thế nhưng mức giảm sâu nhất tại đáy lúc 9h50 VN-Index cũng chỉ mất chưa tới 4 điểm. Tổng thể thị trường sáng nay dao động rất hẹp.
Không chỉ với chỉ số, biên độ giảm ở cổ phiếu cũng yếu. Lúc VN-Index tạo đáy, độ rộng ghi nhận 128 mã tăng/226 mã giảm. Lúc đạt đỉnh, chỉ số có 218 mã tăng/216 mã giảm. Kết phiên có 193 mã tăng/231 mã giảm. Sự thay đổi như vậy cũng không quá nhiều và nhất là mức giảm là nhỏ. Trong 231 cổ phiếu đang đỏ, trên HoSE chỉ có 50 mã giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm khoảng 12,6% tổng khớp của sàn, giá trị tuyệt đối khoảng 526 tỷ đồng.
Ngay cả khi tính giá giảm sâu nhất, toàn sàn HoSE cũng chỉ có 106 cổ phiếu giảm quá 1%. Một nửa trong số này sau đó đã thoát đáy giúp biên độ giảm hẹp lại dưới 1% như mới đề cập phía trên. Với mức thanh khoản nhỏ, biên độ hồi giá như vậy dựa trên lực bán yếu.
Hiện tại sức ép vẫn đang dồn về nhóm cổ phiếu blue-chips, VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,23% còn Midcap tăng 0,44% và Smallcap tăng 0,33%. Cả rổ VN30 chỉ có 8 mã tăng nhưng tới 18 mã giảm. Cả rổ blue-chips có 6 mã giảm trên 1%, bao gồm MWG giảm 2,88%, SAB giảm 2,76%, MSN giảm 2,1%, VHM giảm 1,5%, BCM giảm 1,37%, SSB giảm 1,02%. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của chỉ số, duy nhất VHM là giảm quá 1% trong số 6 mã đỏ, còn lại 4 mã tăng là VPB tăng 0,24%, VIC tăng 0,36%, HPG tăng 0,19% và FPT tăng 1,7%.
Với cơ cấu cổ phiếu như vậy nhóm trụ giảm giá vẫn gây sức ép nhiều hơn, chưa kể độ rộng cả rổ VN30 vẫn nghiêng nhiều về phía giảm. Toàn bộ 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất đều là các mã trong rổ này.
Dòng tiền quá yếu trong nhóm VN30 là lý do chính, tổng khớp sáng nay mới đạt hơn 1.448 tỷ đồng, thấp nhất 7 phiên. MWG chịu sức ép rõ rệt nhất với thanh khoản 262,3 tỷ đồng thậm chí còn lớn thứ 2 thị trường và giá giảm sâu 2,88%. Cổ phiếu này tạo đáy trong 2 phiên đầu tiên của tháng 11 với thanh khoản cũng rất lớn sau nhịp giảm tới gần 40%. Giá sâu nhất của MWG tuần trước là 33.600 đồng và sáng nay còn 37.100 đồng, tức là khối lượng bắt đáy vẫn có lãi hơn 10%. Tuy nhiên hôm qua MWG có lúc lên 39.450 đồng, tức là lợi nhuận tới trên 17%. Việc sụt giảm lợi nhuận khá nhanh này cũng thúc đẩy áp lực bán. Khối ngoại xả khoảng 41% thanh khoản cũng là tác nhân gây sức ép lên giá.
Dù độ rộng thể hiện áp lực giảm giá đang áp đảo nhưng dòng tiền vẫn có lực đỡ nhất định, chỉ là không thể dàn trải. Lấy ví dụ Top 20 cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn HoSE – tập trung khoảng 58% tổng giá trị khớp của sàn – thì có 3 mã giảm giá là MWG, STB và VHM, còn lại đều tăng. VIX, SSI, NVL, GEX, VND là các mã thanh khoản tốt nhất đều trên 100 tỷ đồng thì giá cũng đều tăng hơn 1%. Rõ ràng là tùy từng cổ phiếu đang xuất hiện lực đỡ khác nhau và độ rộng cũng như diễn biến chỉ số không phản ánh hết được giao dịch.
Khối ngoại sáng nay cũng giao dịch chậm, mới giải ngân được 353,8 tỷ đồng trên HoSE, chỉ nhỉnh hơn sáng qua một chút, trong khi xả gần 526 tỷ đồng. Mức bán ròng tương ứng 172,2 tỷ, tập trung vào MWG -77,1 tỷ, VHM -32,8 tỷ, MSN -27,6 tỷ. Phía mua có GMD, HDB và VIX là quanh 10 tỷ đồng.