Việc vay nợ lớn của doanh nghiệp phi tài chính nói chung hiện nay được ví như “quả tạ” hay “con voi đen” ngăn sự phát triển. Nếu không cải cách, Việt Nam khó “hóa rồng hóa hổ” như kỳ vọng.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt – nguyên vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc và PGS.TS Vũ Minh Khương – giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore – đều chỉ ra rủi ro từ nợ vay của khu vực doanh nghiệp phi tài chính.
Ông Việt nói:
10 tháng đầu năm nay, việc kinh tế tăng trưởng chậm lại đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có xuất phát từ vấn đề nợ khu vực doanh nghiệp phi tài chính nói chung.
Kinh tế tăng trưởng chậm lại
* Dự báo GDP năm nay có thể thấp hơn mức chỉ tiêu được giao bất chấp các nỗ lực tháo gỡ. Nhìn nhận thẳng thắn, ông cho rằng đâu là vấn đề chính?
– Nhìn vào số liệu 10 tháng năm 2023 thấy rõ cả xuất nhập khẩu đều giảm. Theo Tổng cục Thống kê, cả 10 tháng năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 557 tỉ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa khoảng 291 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Còn nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266 tỉ USD, giảm 12,3%.
Kinh tế Việt Nam lâu nay vốn phụ thuộc vào khu vực FDI. Xuất khẩu mấy năm trước dù tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc FDI vẫn lớn. Vấn đề nữa là Việt Nam chủ yếu làm hàng tiêu dùng đơn giản, có hàng “công nghệ cao” nhưng chủ yếu là lắp ráp hàng chế biến ở khâu cuối cùng để xuất khẩu.
Xuất khẩu giảm, sản xuất công nghiệp cũng cơ bản giậm chân tại chỗ. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ ước tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 còn tăng 8,9%); chỉ số sử dụng lao động giảm 1,4%, ở mức 98,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, bán lẻ theo giá hiện hành chỉ tăng 9,4%, trước đó cùng kỳ năm 2022 tăng tới 20,8%. Nếu trừ lạm phát 3,2% thì tiêu dùng thực chất 10 tháng qua chỉ tăng 6,2%.
Nhìn chung, nếu GDP năm 2022 tăng 8%, thì năm 2023 khó tăng hơn 5%.
Việt Nam khó hóa rồng như mong ước, nếu…
* Không phải FDI, tăng trưởng dài hạn phụ thuộc vào năng suất và khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra năng suất. Vậy ông đánh giá như thế nào khi gắn hai vấn đề này ở Việt Nam?
– Nếu không cải cách, Việt Nam khó hóa rồng như nhiều người mơ ước.
Trong 10 năm qua, tốc độ tăng GDP bình quân của Việt Nam dù cao nhưng giảm so với trước đây và tính từ đổi mới đến nay chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm trên 7% một thập niên rồi giảm, so với bốn thập niên ở Hàn Quốc và năm thập niên ở Trung Quốc.
Có nhiều vấn đề. Nhưng nợ của doanh nghiệp phi tài chính nói chung (tức là không kể ngân hàng và doanh nghiệp tài chính – khu vực trung gian tạo nợ) hiện nay là quá lớn, đang trở thành “quả tạ” ngăn cản phát triển.
Theo tính toán, tỉ lệ nợ khu vực doanh nghiệp phi tài chính lên tới 237% GDP vào cuối năm 2020, vượt xa tỉ lệ 150% của Trung Quốc và 100% của Mỹ. Tỉ lệ nợ cao sẽ tạo rủi ro khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ lúc lãi suất thật lên cao.
Chú trọng những giải pháp căn cơ
* Như ông nói cần cải cách, vậy giải pháp cụ thể là gì?
– Ngân hàng Nhà nước gần như không công bố số liệu về nợ cho từng loại doanh nghiệp và từng hoạt động. Chỉ có thể tìm số liệu về tỉ lệ nợ dựa vào Sách trắng doanh nghiệp (Tổng cục Thống kê), gần đây nhất là bản năm 2023 nhưng số liệu mới chỉ đến năm 2021.
Số liệu năm 2021 cũng cho thấy tỉ lệ vốn trong tổng vốn cả nước đi vào kinh doanh bất động sản tăng mạnh trong thời kỳ gần đây, đặc biệt là ở mức thần kỳ với các doanh nghiệp mới đăng ký, chiếm tới 33,7% tổng vốn mới. Nếu kể cả xây dựng thì khu vực này chiếm tới 46% vốn cả nước.
Trước mắt Việt Nam gặp vấn đề cho vay phát triển địa ốc quá lớn, điều này có thể ảnh hưởng dài lâu. Biện pháp là nếu cần, thực hiện giải quyết vỡ nợ. Đồng thời không nên giữ lãi suất ở mức quá cao so với lạm phát như hiện nay vì ảnh hưởng đến cầu tín dụng của công nghiệp, làm ngưng trệ sản xuất.
Lạm phát 3,2% không phải là cao thì không có lý gì lãi suất thực tới mức 8-9% để kinh doanh.
* Ngân hàng Nhà nước đã bốn lần hạ lãi suất điều hành. Lãi suất cho vay dần hạ nhiệt nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Ông đánh giá vấn đề nằm ở đâu?
– Tôi chỉ lưu ý một vài vấn đề, so với trước đây tốc độ tăng cung tiền luôn cao hơn tốc độ tăng GDP. Nhưng cả năm 2022, cung tiền M2 lần đầu thấp hơn tốc độ tăng GDP, trong khi mức lạm phát vẫn thấp, là một hiện tượng lạ chưa từng có. Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu thêm.
Ngoài ra, cần vài điều phải giải quyết trong ngắn và trung hạn, gồm: nâng tay nghề của lực lượng lao động qua hệ thống giáo dục nghề; tài trợ để phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học một cách thực chất.
Còn nếu muốn giảm tham nhũng thì phải trả lương công chức đủ sống và muốn có người tài thì phải trả lương xứng đáng các nhà khoa học. Mà muốn có lương đủ sống thì phải giảm số người sống bám vào hệ thống dù không có biên chế.
* Còn về lâu dài, thưa ông?
– Có lẽ vấn đề lớn nhất mang tính dài lâu với sự phát triển Việt Nam là nguồn lực con người. Để thành công trong công cuộc hiện đại hóa, Việt Nam càng cần phải đầu tư thành công vào nguồn nhân lực để có thể xây dựng cơ sở hạ tầng trí tuệ cho hiện tại và tương lai.
Chiến lược của các nước thành công trong phát triển là phát triển giáo dục, khoa học kỹ thuật, xông vào thị trường thế giới để học hỏi, mua công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài để xây dựng sản phẩm khoa học của riêng mình.
Họ cố gắng cạnh tranh, kiếm chỗ đứng trên thị trường thế giới, luôn tìm mọi cách để bảo vệ thị trường sản phẩm chủ yếu trong nền kinh tế. Thậm chí không khuyến khích đầu tư nước ngoài nhằm bảo vệ công nghệ non trẻ của chính mình.
PGS.TS Vũ Minh Khương (giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore):
Vay nợ cao khó tránh, nhưng cần coi như “bệnh hiểm nghèo”
Việt Nam đã ứng đáp rất quyết liệt và linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trong đầu tư công. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải vượt qua những thách đố có tính cấu trúc.
Bốn thách đố cần vượt qua
Nếu không vượt qua được những thách đố thì dù kinh tế thế giới có tăng cao trở lại, Việt Nam cũng chỉ đạt mức tăng trưởng GDP ở mức 6-7%, thấp xa so với đòi hỏi để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Thách đố thứ nhất: độ mở của nền kinh tế Việt Nam đã đạt gần tới giới hạn về xuất khẩu/GDP. Do vậy, tăng trưởng đơn thuần bằng tăng thêm xuất khẩu không còn nhiều dư địa. Thay vào đó, phải tăng giá trị gia tăng từ xuất khẩu thông qua đổi mới sáng tạo, tiếp thị, thay đổi mô hình kinh doanh.
Thứ hai, năng suất lao động thấp nên khó tăng tiền lương. Nếu muốn duy trì sức cạnh tranh với Ấn Độ, Bangladesh…, phải có nỗ lực đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động.
Thứ ba, tăng trưởng xanh đòi hỏi nâng cấp chứ không chỉ dựa vào đầu tư mở rộng. Nhất là trong đầu tư điện tái tạo và tích hợp về hệ thống điện quốc gia cần thay đổi căn bản về quản trị.
Thứ tư, tăng trưởng cao đòi hỏi các đô thị có đẳng cấp quốc tế, đặc biệt là giao thông đô thị (tàu điện ngầm, giảm kẹt xe, chất lượng sống). Theo đó, cần có thiết chế tạo ra các lời giải bền vững cho phát triển đô thị, chẳng hạn phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Phải giám sát tối đa
Nợ của doanh nghiệp khu vực phi tài chính của Việt Nam rất lớn, đặc biệt ở khối doanh nghiệp bất động sản. Đây là vấn đề rất lớn, được gọi là “con voi đen”.
Nó nguy hiểm không kém gì “thiên nga đen” (khái niệm được sử dụng để nói về hiện tượng kinh tế không thể dự báo và hiếm xảy ra, nhưng khi nó đến sẽ ảnh hưởng rất lớn). Ai cũng có thể cảm nhận thấy nó “lù lù” đó nhưng ngại hoặc chưa có chiến lược giải quyết căn cơ.
Song cũng phải nhìn nhận vay nợ cao của khu vực phi tài chính là hiện tượng thông thường cho các nền kinh tế phát triển nhanh, nắm bắt cơ hội quyết liệt (như Hàn Quốc, Trung Quốc…). Chúng ta phải chấp nhận nhưng với ý thức giám sát, yểm trợ tối đa.
Vậy giải pháp căn cơ là gì? Việt Nam phải minh bạch và làm lành mạnh thị trường chứng khoán và đất đai. Nhà nước và công chúng cần giám sát đồng hành cùng các doanh nghiệp lớn, vay nợ cao. Họ cần có báo cáo định kỳ đánh giá khả năng kiến tạo giá trị và sức chống chịu trước nguy cơ biến động tài chính của họ.
Việt Nam cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, giao trách nhiệm cá nhân, theo dõi giám sát, yểm trợ để làm nhỏ hoặc loại bỏ “con voi đen” trong mỗi lĩnh vực. Phải coi đây là “bệnh hiểm nghèo” để tầm soát liên tục và có giải pháp.
Vay nợ cao của khu vực phi tài chính là hiện tượng thông thường cho các nền kinh tế phát triển nhanh. Nhưng cần phải coi đây là “bệnh hiểm nghèo” để tầm soát liên tục và có giải pháp.