Nhiều người dân tiếc thương bà Cao Thị Diệu An, trưởng thôn Thành Phát (xã Phước Đồng, Nha Trang), đi kêu gọi người dân xóm Núi di tản trong cơn bão số 8, đã qua đời sau khi bị thương do lũ cuốn sáng 18-11-2018.
Sáng 23-12, người dân xóm Núi, thôn Thành Phát (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã đến thăm viếng, chia buồn cùng gia đình bà Cao Thị Diệu An -Trưởng thôn Thành Phát, người bị cơn lũ dữ cuốn trôi khi đi kêu gọi người dân di tản, trong cơn bão số 8.
Ông Đặng Lợi, chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho biết bà Diệu An (51 tuổi) đã qua đời chiều 21-12 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). “Gia đình đã đưa bà An về nhà ở thôn Thành Phát để an táng. Sáng 23-12, UBND xã cũng đã cử đại diện xuống thăm hỏi, động viên gia đình trước sự việc đau lòng này”, ông Lợi chia sẻ.
Ông Lê Văn Minh -công an viên thôn Thành Phát, cho biết sự việc xảy ra vào sáng 18-11, thời điểm cơn mưa như trút nước đổ xuống xóm Núi, khiến mọi ngả đường lên núi bị nước bao quanh.
Nhà bà Diệu An ở dưới chân núi thôn. Khoảng 6h10, bà Diệu An nhận được điện thoại của người dân trên núi, báo cáo tình hình nước chảy thành dòng, đất đá bắt đầu sạt lở.
“Bà An đã gọi thêm ba cán bộ thôn, tức tốc lên núi để kêu gọi người dân di tản khẩn cấp. Lúc này đường lên xóm Núi, nước đã ngập đến trên đầu gối”, ông Minh kể lại.
Người dân thôn Thành Phát chứng kiến sự việc kể lại rằng do thời điểm trên, con đường đã ngập sâu nên bà Diệu An cùng các cán bộ thôn phải men theo con đường khác để leo lên núi.
Lên đến lưng chừng núi, bà kêu gọi người dân, nhất là các thanh niên nhanh chóng đưa người già, trẻ em xuống núi để đảm bảo an toàn. “Khoảng 6h30, nước lũ từ trên núi bắt đầu dội xuống, kéo theo đất đá, đánh sập nhiều ngôi nhà, cuốn trôi bà Diệu An cùng những người cùng đi”, một người dân Thôn Thành Phát kể lại.
Ông Trần Văn Cường (thôn Thành Phát), người trực tiếp đi lên cứu bà Diệu An, cho biết khoảng 7h10 khi lũ đã đánh sập nhiều ngôi nhà, nước rút dần, ông cùng các thanh niên trong thôn túa lên núi để cứu người.
“Đến gần đỉnh núi, tôi thấy chị Diệu An đang nằm trong ngôi nhà của ông Phan Te cùng một em bé 4-5 tuổi, trong tình trạng chấn thương nặng, xung quanh toàn bùn đất. Ông Phan Te kể lại chị Diệu An đã bị nước lũ cuốn từ trên núi xuống, cố giơ tay lên khỏi mặt nước cầu cứu. Ông kéo chị khỏi đống bùn đất. Chúng tôi lấy cành cây làm võng đưa chị Diệu An xuống núi và nhập viện” – ông Cường kể lại.
Anh Trần Cao Nhân, con trai bà Diệu An, cho biết qua một tháng điều trị, hai lần mổ tại Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, sáu lần mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), mẹ anh đã không qua khỏi.
Ông Hà Phạm, phó Ban công tác mặt trận thôn Thành Phát, chia sẻ rằng suốt nhiều năm trở lại đây, xóm Núi luôn ở trong tình trạng “báo động” sạt lở, người dân thấp thỏm lo âu.
“Những thời điểm nguy cấp, cô Diệu An luôn là người xung phong, tiếp cận người dân sớm nhất để kêu gọi di tản. Là cán bộ nhiệt huyết, tận tình với người dân xóm Núi, cô được rất nhiều người quý mến. Sự việc đau lòng xảy ra là điều không ai mong muốn. Trong thời điểm mưa bão, việc bất chấp nguy hiểm là hành động đáng quý”, ông Phạm nói.
Theo Tuoitre
Có thể đào tạo nghề giáo theo mô hình “vừa học vừa làm” như nghề y
Nghệ An: Thiếu nữ trở về sau 4 năm bị lừa bán sang Trung Quốc