Là một thị trường rất thuận lợi để phát triển công nghệ số, Việt Nam thu hút nhiều tập đoàn đa công nghệ, đa quốc gia đầu tư mở rộng hoạt động.
Điều này tạo cơ hội hợp tác cũng như áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những hướng tiếp cận mới, chiến lược phù hợp.
Áp lực cạnh tranh
Với hơn 70 triệu người sử dụng Internet và ngày càng tăng, Việt Nam là một thị trường rất thuận lợi để phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp lớn của các ngành như viễn thông, ngân hàng, bán lẻ, logistics… đều có chiến lược chuyển mình thành các doanh nghiệp công nghệ.
Bên cạnh đó, có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam ra đời, trong đó đã xuất hiện những doanh nghiệp kỳ lân (VNG, Momo, VNPay, Sky Mavis).
Với nguồn nhân lực trẻ và sức sáng tạo cao, nắm bắt nhanh các xu hướng mới, thị trường công nghệ số Việt Nam được nhiều quỹ đầu tư để mắt tới và cũng có nhiều thương vụ thành công.
Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 220 triệu USD tại Việt Nam, trong khi Qualcomm chọn Việt Nam là nơi đặt trung tâm R&D đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngoài Samsung và Qualcomm, nhiều công ty xuyên quốc gia lớn khác cũng tuyên bố sẽ thiết lập các cơ sở R&D tại Việt Nam như LG (tại Đà Nẵng), Panasonic và Toshiba (tại TP.HCM).
Rất nhiều tập đoàn đa công nghệ, đa quốc gia cũng đang mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Mới đây, Nvidia cho biết mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, kỳ vọng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này tại Đông Nam Á.
Việc các “ông lớn” thiết lập cơ sở R&D tại Việt Nam cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp nội địa. Các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các công ty nước ngoài trong điều kiện họ có tiềm lực lớn hơn, “trường vốn” hơn để sẵn sàng trả lương cao hơn, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không khắc phục được những điểm yếu của mình, doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước sẽ rơi vào tình trạng chảy máu chất xám ngay trên “sân nhà”.
Thực tế đó tạo cơ hội hợp tác cũng như áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những hướng tiếp cận mới, chiến lược phù hợp.
Bên cạnh sức hấp dẫn thị trường, Việt Nam cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực trong cuộc đua thu hút nguồn lực và công nghệ. Hiện nay, do chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ở một số quốc gia thông thoáng hơn, nên có một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam mở văn phòng ở nước ngoài, như Singapore, Dubai, Thái Lan, Hàn Quốc… – nơi có những chính sách tốt hơn về thuế và một số quy định về giấy phép thông thoáng hơn, đặc biệt với những dịch vụ mới, công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain.
Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tạo cơ chế để các doanh nghiệp thành viên thường xuyên trao đổi, kết nối nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên. Đồng thời, tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển. Chúng tôi cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ, chuyển đổi số; xúc tiến giao thương, kết nối các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy sự phát triển cho các doanh nghiệp, dự án tiềm năng.
Bên cạnh đó, VDCA cũng có một nhóm nghiên cứu chính sách, thường xuyên lắng nghe, phân tích các khó khăn từ doanh nghiệp để có tư vấn, đề xuất cơ quan nhà nước về các chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số và truyền thông số.
Cần những bước đi mạnh hơn
Thời gian qua, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của doanh nghiệp và người dân, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số đã thực sự thấm sâu vào mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội của đất nước và đông đảo người dân, coi chuyển đổi số là phương thức đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cách sống, làm việc của từng cá nhân. Đây là điểm nhấn quan trọng nhất. Từ nhận thức đó, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cho chuyển đổi số cả về tài lực và nhân lực, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, chuyển đổi số hiện nay cũng đối mặt với rất nhiều điểm nghẽn và thách thức. Chuyển đổi số là tiến trình, chứ không phải mục tiêu. Chuyển đổi số không phải là một mô hình và không có hình mẫu chung để nhân rộng áp dụng, nên không thể dập khuôn máy móc, mà cần phải phù hợp với bản chất của quá trình chuyển đổi và văn hoá của từng tổ chức.
Cũng vì nhiều tổ chức không hiểu rõ bản chất, nên đụng đâu làm đó; không biết cách hành động đúng sẽ nghĩ gì làm nấy. Khi không hiểu được mình thực sự muốn gì thì sẽ nhìn xung quanh để làm theo… Thực tế đó dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị làm, nhưng là làm đối phó, làm theo phong trào.
Chuyển đổi số cũng là một quá trình đổi mới sáng tạo. Theo đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ số, mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi mô hình quản trị, quy trình, nghiệp vụ, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Đây là một quá trình cách tân của từng tổ chức, doanh nghiệp.
Rộng hơn trên phương diện của một quốc gia, chế độ số là quá trình đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – những yếu tố tiên quyết của tiến trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm.
Tôi cho rằng, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường.
Đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển nguồn nhân lực là các chuyên gia, nhà khoa học và nhân lực làm việc trong các ngành chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đào tạo bổ sung các kỹ năng số, kỹ năng xanh cần thiết cho người lao động để phát triển trong công cuộc chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, giải pháp tài chính số, tài chính xanh. Đó là cơ chế tài chính quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đóng góp vào công cuộc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức môi trường, phát triển bền vững.
Theo Vũ Kiêm Văn (Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA))/Báo Đầu Tư