Về trang chủ Chưa được phân loại Indonesia: Núi lửa phun gây sóng thần ở eo biển Sunda, 43 người thiệt mạng

Indonesia: Núi lửa phun gây sóng thần ở eo biển Sunda, 43 người thiệt mạng

Ít nhất 43 người thiệt mạng và 582 người bị thương sau khi một trận sóng thần ập vào bờ biển xung quanh eo biển Sunda của Indonesia tối 22-12.

Ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia của Indonesia, thông báo trên truyền hình. Theo đài BBC, Cơ quan quản lý thảm họa cho biết hiện còn 2 người đang mất tích. Hàng chục tòa nhà đã bị phá hủy.

Núi lửa Anak Krakatoa trên hòn đảo cùng tên tại eo biển Sunda của Indonesia, bức ảnh chụp lần phun trào trong tháng 7 năm nay – Ảnh: REUTERS

Cũng theo người phát ngôn Cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia, ước tính có 430 căn nhà và 9 khách sạn bị hư hỏng nặng trong thảm họa sóng thần. Thông tin cho thấy khu vực ảnh hưởng của thiên tai rơi vào vùng có cả người dân lẫn khách du lịch.

Theo nhà chức trách Indonesia, nguyên nhân sóng thần có thể là do những dịch chuyển địa tầng sâu dưới đáy biển sau khi núi lửa Anak Krakatoa phun trào một ngày trước đó.

Sóng thần cuốn phăng nhiều nhà cửa khu vực ven biển.

Theo báo Guardian, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là vùng Pandeglang thuộc tỉnh Banten trên đảo Java. Khu vực này bao gồm vườn quốc gia Ujung Kulon và các bãi biển nổi tiếng.

Trong số những trường hợp tử vong có 33 người tại khu vực Pandeglang. Có ít nhất 3 trường hợp tử vong khác ở Serang, khu vực nằm xa hơn về phía bắc.

Hãng tin AP dẫn lời anh Alif, một cư dân ở huyện Pandeglang cho biết sóng thần ập tới chỗ anh có độ cao khoảng 3 mét. Theo anh Alif, nhiều người dân chỗ anh vẫn đang tìm kiếm người thân còn mất tích.

Những con sóng lớn cũng đã ập về phía tây, tới đảo Sumatra. Tại thành phố Bandar Lampung phía nam Sumatra, hàng trăm người dân đã phải chạy vào trụ sở của người đứng đầu địa phương này tá túc.

Một ngôi nhà và một cửa hàng nhỏ tan hoang sau trận sóng thần tại khu vực Tanjung Lesung ở Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia ngày 22-12 – Ảnh: REUTERS

Anh Øystein Lund Andersen, một nhân chứng kể lại tình hình khi sóng thần xảy ra: “Tôi phải chạy khi con sóng ập vào bờ. Song cao khoảng từ 15-20 mét khi đã vào trong đất liền”. Anh cho biết đang chụp ảnh ngọn núi lửa Anak Krakatoa thì nhìn thấy cột sóng cao khổng lồ lao về hướng mình.

Đã không có cảnh báo sóng thần
Theo nhà báo tại Indonesia của đài ABC (Úc) – David Lipson, vì không xảy ra động đất, nguyên nhân thường dẫn đến sóng thần, nên đã không có bất cứ cảnh báo nào cho biết thảm họa này sẽ xảy ra trước đó.

Trên tài khoản Twitter, nhà báo David Lipson nói rõ lại sự việc. Theo anh cơ quan thảm họa Indonesia ban đầu thông báo với người dân đợt sóng lớn đó chỉ là là hiện tượng thủy triều dâng cao trong thời điểm trăng tròn, không phải sóng thần. Cơ quan này đã kêu gọi người dân không nên hoảng sợ hoặc phát tán tin đồn. Hiện cơ quan này đã xin lỗi vì thông tin sai.

Một khu vực bị ngập nước do anh Øystein Lund Andersen chụp.

Cũng theo nhà báo David Lipson, một phần nguyên nhân của sự nhầm lẫn này là vì nhà chức trách đã không ghi nhận thấy các hoạt động địa chất đáng kể nào (động đất) trước khi sóng thần xảy ra. Tới giờ họ mới tin rằng một vụ lở đất dưới biển cũng có thể gây ra sóng thần.

Eo biển Sunda nằm giữa các đảo Java và Sumatra, kết nối biển Java với Ấn Độ Dương. Các trường hợp thiệt mạng trong thiên tai này được ghi nhận tại các khu vực Pandeglang, Nam Lampung và Serang.

Cảnh báo tránh xa các khu vực quanh eo biển Sunda
Theo hãng tin Reuters, nhà chức trách Indonesia cảnh báo người dân và du khách ở những khu vực ven biển xung quanh eo biển Sunda tránh xa các bãi biển tại đây. Những cảnh báo thủy triều dâng cao sẽ duy trì cho tới ngày 25-12.

“Đề nghị mọi người không ở gần các bãi biển xung quanh eo Sunda. Những người đã được sơ tán đề nghị chưa trở lại”, thông báo của người đứng đầu cơ quan khí tượng, ông Rahmat Triyono, cho biết.

Người dân sơ tán vào bên trong một đền thờ sau khi sóng thần xảy ra tại tỉnh Banten, Indonesia ngày 22-12 – Ảnh: REUTERS

Theo cơ quan địa chất Indonesia, núi lửa Anak Krakatoa đã phun trào khoảng 24 phút ngày 21-12, trước khi xảy ra sóng thần tối 22-12. Ngọn núi lửa cao 305 mét này nằm ngoài khơi, cách bờ biển phía tây đảo Java khoảng 80 km, và bắt đầu hoạt động từ tháng 6 năm nay.

Trong tháng 7 chính quyền địa phương đã phát lệnh cấm người dân cư trú trong khu vực bán kinh 2km so với miệng núi lửa. Cũng theo giới chức Indonesia, vì các đợt phun trào núi lửa hiếm khi gây ra sóng thần, nên đây cũng là nguyên do khiến nhà chức trách nước này ban đầu đã không nghĩ hiện tượng cột sóng cao bất thường là sóng thần.

Nhiều chiếc xe bị sóng thần hất tung.

Trước đó, trong thông tin đăng tải trước nhất trên tài khoản Twitter, người đứng đầu cơ quan thảm họa quốc gia, ông Sutopo, cho rằng không có sóng thần mà chỉ là hiện tượng sóng lớn do thủy triều lên cao. Tuy nhiên sau đó chính ông Sutopo đã phải xóa đoạn tweet này và khẳng định đó là sóng thần.

Indonesia vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân chính xác dẫn tới thảm họa sóng thần. Cho tới lúc này nhà chức trách Indonesia vẫn cho rằng trận sóng thần xảy ra do kết hợp của hai yếu tố: núi lửa Anak Krakatoa phun trào gây dịch chuyển địa tầng dưới đáy biển và thủy triều trong ngày trăng tròn.

Vị trí núi lửa Anak Krakatoa phun gây ra sóng thần.

Cơ quan chức năng Indonesia đang xem xét liệu nguyên nhân sóng thần có phải xuất phát từ việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào hay không. Trong những tháng qua, ngọn núi lửa này đã vài lần hoạt động.

Indonesia nằm trên Vành đai lửa, nơi thường xuyên xảy ra các trận động đất. Tháng 9 năm nay, ít nhất 832 người đã thiệt mạng trong thảm họa kép động đất, sóng thần xảy ra tại thành phố Palu trên đảo Sulawesi của Indonesia.
Theo Tuoitre

Sai phạm trong giao đất: Dự án dở dang, khách hàng lao đao

Sai phạm trong giao đất: Dự án dở dang, khách hàng lao đao

Sai phạm trong giao đất: Dự án dở dang, khách hàng lao đao

Trung Quốc: Cặp đôi vợ 65-chồng 28 nhờ người mang thai hộ

Có thể bạn quan tâm