Các văn nghệ sĩ, đại diện đơn vị nghệ thuật tán đồng trước quyết định tu bổ Nhà hát Thành phố của UBND TP.HCM
Đầu tháng 10, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM thông báo về về kế hoạch tu bổ Nhà hát Thành phố ở số 7 Công trường Lam Sơn, quận 1, TP.HCM.
Việc tu bổ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, trở thành điểm tiếp các đoàn khách quốc tế đến TP.HCM, tổ chức lễ hội, sự kiện trọng đại và những loại hình nghệ thuật hằng ngày.
337 tỷ tu bổ Nhà hát Thành phố
Theo nghị quyết HĐND TP.CHM vừa thông qua, nhà hát sẽ được tu bổ, phục dựng khối nhà chính, bổ sung các hệ thống kỹ thuật trang thiết bị; tổ chức di dời, bảo quản, cách thức sử dụng các hiện vật, thiết bị trong khi thi công.
Nhà hát là di tích cấp quốc gia nên yêu cầu quan trọng khi cải tạo là đảm bảo tính nguyên trạng công trình. Do đó, ngành chức năng đã scan 3D toàn bộ công trình kiến trúc, giúp tạo các file dữ liệu với hình ảnh 3D, kích thước đúng tỷ lệ hiện thành, cấu kiện, thành phần… trước khi sửa chữa.
Trong lần tu bổ này, TP.HCM sẽ phục dựng tổng mặt bằng, khối nhà chính. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, hệ thống điện, điều hòa, âm thanh ánh sáng, hệ thống PCCC, báo cháy…. để đáp ứng đủ điều kiện tổ chức các chương trình nghệ thuật lớn, chương trình nhạc giao hưởng và vũ kịch quốc tế tại TP.HCM trong khi chờ Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch tại Thủ Thiêm hoàn thành.
Dự án tu sửa sẽ thực hiện trong hơn 3 năm. Từ quý IV năm nay (2023), công trình được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, năm 2024 trình duyệt dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán. Năm 2025, dự án sẽ thi công lắp đặt, đến 2026 lắp đặt thiết bị, công tác sưu tầm, trưng bày. Việc thi công thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo các phòng chức năng hoạt động thường xuyên.
“Chi tiết kinh phí từng hạng mục dự án sẽ có khi Trung tâm bảo tồn di tích lập dự án cụ thể. Quá trình sửa chữa sẽ có thêm bước hạ giải, tức là phải đưa các chi tiết xuống rồi sửa chữa, phục dựng. Nhiều nguyên vật liệu phải nhập ở nước ngoài về mới đảm bảo yêu cầu”, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nói.
Việc sửa chữa cần bài bản, thường xuyên
NSƯT Trần Vương Thạch – Nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc & Vũ kịch TP.HCM (HBSO) có nhiều năm gắn bó tại Nhà hát Thành phố bày tỏ ủng hộ kế hoạch tu bổ.
Theo ông, dù nhà hát nằm giữa vị trí đắc địa, ngay quận 1 trung tâm thành phố song do diện tích nhỏ nên được bố trí khá chật hẹp, nhiều phòng chức năng phải gom chung với nhau. Qua năm tháng, cơ sở hạ tầng, hệ thống cách âm cũng xuống cấp, ảnh hưởng chất lượng buổi biểu diễn.
Trong đó, tầng hầm của nhà hát cũng là nơi đặt văn phòng làm việc của HBSO. Đơn vị này phải tận dụng hành lang để mở các phòng ban làm việc. Mỗi khi trời mưa, không gian luôn bị ẩm mốc hoặc bốc mùi do hệ thống nước thải.
Ngoài ra, nhà hát chỉ có một phòng thay đồ và trang điểm chính dành cho nghệ sĩ. Do cơ sở vật chất tạm bợ nên không đủ sức chứa đối với các chương trình quy tụ đông số lượng nghệ sĩ, vũ đoàn.
Ông Thạch kể từng chứng kiến một nhạc trưởng nổi tiếng thế giới phải nhường phòng của mình cho các nữ nghệ sĩ trang điểm, thay đồ.
“Ở các nhà hát quốc tế, việc mỗi nghệ sĩ chính đều có một phòng hay không gian riêng cho mình trước và trong buổi diễn là chuyện bình thường. Nhưng điều này lại bất khả thi ở Nhà hát TP.HCM”, ông nói.
Từng có nhiều năm làm việc với các đoàn hát quốc tế, ông Thạch nói một số đoàn nghệ thuật châu Âu rất muốn trình diễn tại TP.HCM. Tuy nhiên, họ buộc phải ngừng hoặc đổi kế hoạch vì cơ sở hạ tầng của nhà hát không đáp ứng được tiêu chuẩn.
Ông Hoàng Ngọc Long – Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho biết từ nhiều năm nay phía đơn vị này luôn tổ chức các buổi biểu diễn tại hội trường riêng và hiếm khi thuê hay sử dụng sân khấu của Nhà hát Thành phố.
Ở góc độ nghệ thuật, ông Long cho biết nhà hát từ bấy lâu nay vẫn được xem là “thánh đường” văn hóa của TP.HCM với đa dạng các loại hình biểu diễn như opera, múa ballet, múa truyền thống Việt Nam và nhảy hiện đại, nhạc kịch, các sự kiện âm nhạc giải trí…
Bên cạnh mục đích phục vụ văn hóa – nghệ thuật, đây còn là địa điểm du lịch thu hút khách tại TP.HCM. Do đó, việc tu bổ góp phần đảm bảo lưu giữ nét lịch sử, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, tô thêm vẻ đẹp hiện đại của thành phố giai đoạn hội nhập”, ông nói.
NSƯT – GS danh dự Đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan Bùi Công Duy từng có nhiều dịp đứng trên sân khấu Nhà hát Thành phố. Anh cho rằng đặc thù dòng nhạc giao hưởng chỉ thích hợp biểu diễn ở phòng hòa nhạc với quy chuẩn riêng. Nhưng do điều kiện không cho phép nên từ lâu các đơn vị vẫn chọn Nhà hát Thành phố là nơi biểu diễn thường xuyên.
Anh cho rằng hạn chế của nơi này là sân khấu nhỏ, nông. Khi biểu diễn giao hưởng, các nghệ sĩ thường thiếu chỗ đứng do quy mô dàn nhạc lên đến cả trăm người. Ngoài ra, yếu tố bất cập nhất là việc đầu tư cho các chương trình biểu diễn rất tốn kém nhưng số lượng ghế ngồi trong nhà hát lại hạn chế.
“Theo tôi, trùng tu là rất cần thiết. Việc này nên diễn ra thường xuyên, định kỳ để giữ được chất lượng cơ sở vật chất lâu dài, không phải chờ đến xuống cấp tận đáy mới làm thì muộn. Mặt khác, việc tu bổ có tốt hay không còn phụ thuộc vào nhà đầu tư, đơn vị thực hiện. Tôi tin nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật thành phố đều mong đợi điều này”, anh nói.