Về trang chủ Xã hội Tin tức Nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện lớn nhất Thanh Hóa, nhà nào nuôi đều khá giàu hẳn

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện lớn nhất Thanh Hóa, nhà nào nuôi đều khá giàu hẳn

Nhằm khai thác lợi thế về diện tích mặt nước, những năm gần đây, người dân sống ở ven lòng hồ thủy điện Cửa Đạt-hồ thủy điện, thủy điện lớn nhất tỉnh Thanh Hóa ở huyện Thường Xuân đã nuôi cá đặc sản, mang lại nguồn thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động nhờ mô hình nuôi cá lồng.
Tạo nghề nghiệp, việc làm giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu

Với lợi thế có diện tích mặt nước lòng hồ thủy lợi Cửa Đạt, Thị trấn huyện Thường Xuân đã vận động các hộ dân nuôi cá lồng trên khu vực lòng hồ do địa phương quản lý, vừa phát triển kinh tế, vừa hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.

Huyện Thường Xuân đã có cơ chế hỗ trợ 10 triệu đồng/ lồng cá đóng mới, nhằm khuyến khích các hộ dân tham gia, thông qua đề án “Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2019-2021”.

Mô hình nuôi cá lồng đặc sản trong lồng bè trên lòng hồ thủy điện Cửa Đạt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Nhờ cơ chế hỗ trợ của huyện, thời gian qua việc nuôi cá của các hộ dân đã bài bản, quy mô hơn . Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cũng đầu tư thêm thuyền du lịch để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, thưởng thức những món ăn đặc sắc của địa phương.

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, anh Nguyễn Văn Sinh ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân), Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt là một trong những hộ đầu tiên tham gia nuôi cá lồng trên hồ Cửa Đạt cho biết: “Năm 2018, khi biết huyện có đề án nuôi cá lồng, lúc đó tôi đang làm nghề lái xe tải nhưng bỏ ngang về quê đầu tư lồng, bè để nuôi cá. Tuy nhiên, do bước vào một lĩnh vực khá mới mẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nên ngay từ những ngày đầu nuôi cá lồng, tôi đã “đóng học phí” rất nhiều”.

Ngôi nhà lồng của anh Sinh dựng trên khu lồng bè khá chắc chắn. Trong nhà, bàn ghế, tivi… đều có đủ. Anh Sinh kể, thời điểm bắt đầu cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đàn cá bị dịch bệnh và chết rất nhiều.

Lúc đầu cứ tưởng đơn giản nhưng lức bắt tay vào nuôi cá lồng mới thấy nó không hề dễ dàng chút nào. Ngay những lứa đầu tiên, cá đã chết do nuôi không đúng kỹ thuật, dịch bệnh, có lúc lồng bị rách khiến cả hàng nghìn con cá lăng thoát hết ra hồ, hàng trăm triệu đồng gia đình đầu tư “đổ sông, đổ bể.

Qua một vài lần thất bại, dần dần qua tìm tòi anh Sinh đã học hỏi, nắm bắt được kỹ thuật nuôi, công tác phòng dịch, xây dựng lồng lưới, cộng với điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn nước sạch nên cá sinh trưởng, phát triển tốt.

Từ đó, nghề nuôi cá lồng bắt đầu giúp anh Sinh và người dân nơi đây được “hái quả ngọt”, kinh tế gia đình khấm khá, ổn định.

Từ vài ba lồng cá đầu tiên, hiện anh Sinh đã đầu tư, mở rộng lên khoảng 20 lồng, trong đó chủ yếu nuôi cá lăng, diêu hồng, trắm ốc…

Mỗi năm, anh xuất bán ra thị trường khoảng 40 tấn cá, giá trị hơn 2 tỉ đồng, trừ hết chi phí anh thu về từ 300-400 triệu đồng.

Gia đình ông Trịnh Xuân Châu, thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt, cũng là những hộ đầu tiên tham gia nuôi cá lồng. Hiện gia đình ông có 10 lồng cá đảm bảo tiêu chuẩn, với tổng diện tích nuôi trồng 360 m2, trong đó có 3 lồng cá được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng.

“Trước đây công việc không ổn định, bấp bênh, cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, được huyện quan tâm hỗ trợ lồng nuôi cá, gia đình từng bước vượt qua khó khăn.

Sau vài vụ nuôi thành công, xuất bán cá có lời, cuộc sống gia đình tôi được nâng lên. Hiện 2 bố con tôi đã đầu tư nuôi trên 20 lồng cá, giá trị thu về mỗi năm trên 2 tỉ đồng”- ông Châu cho biết.

Thấy anh Sinh, ông Châu và một số hộ làm ăn hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thường Xuân cũng xuống hồ tham gia nuôi cá.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và những người tiên phong đi trước như anh Sinh, ông Châu hiện khu vực lòng hồ Cửa Đạt có 16 hộ nuôi cá lồng, với trên 100 lồng cá. Gia đình ít thì có 3-4 lồng, nhiều thì trên 20 lồng.

Mô hình giảm nghèo, làm giàu bền vững trên lòng hồ thủy điện

Để nghề nuôi cá lồng của người dân phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tránh tình trạng cung cầu bấp bênh, “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, năm 2020, anh Sinh và 15 hộ dân trên hồ đã đứng ra thành lập Hợp tác xã thủy sản Cửa Đạt.

Ngoài việc liên kết tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, các thành viên HTX còn có trách nhiệm giúp đỡ nhau cùng nuôi cá, bảo vệ vùng nuôi trồng và môi trường nước trên hồ.

Cũng theo anh Sinh, cái khó nhất của bà con trước kia là hướng tiêu thụ. Lúc chưa có hợp tác xã các hộ nuôi chủ yếu tự tìm đầu ra, chúng tôi chào hàng chủ yếu ở các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thực phẩm ở dưới thành phố… Sau khi thành lập hợp tác xã dần dần, đối tác của chúng tôi nhận được phản hồi tốt từ phía người tiêu dùng nên họ đã chủ động tìm để thu mua.

Hiện thị trường tiêu thụ cá của HTX chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh… “Cá lăng là loại cá khó tính, môi trường sống rất sạch, thời gian nuôi kéo dài hơn 1 năm mới xuất bán được. Để nguồn cung thị trường ổn định, chúng tôi nuôi cá theo phương pháp “cuốn chiếu”. Khi lồng xuất bán đợt này thì phải có lồng cá khác đảm bảo đủ thời gian nuôi, cân nặng để xuất bán đợt sau. Nuôi theo phương pháp quay vòng như thế này thì HTX luôn có cá bán quanh năm”- anh Sinh chia sẻ.

Hiện Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản hồ Cửa Đạt có 16 hộ nuôi, với hơn 100 lồng cá, mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường trung bình khoảng 150 tấn cá (chủ yếu là cá lăng, chiếm 70%). Với giá bán cá lăng ngay tại hồ dao động từ 100- 110.000 đồng/kg, cá diêu hồng khoảng 50-60.000 đồng/kg, số tiền thu về khoảng trên 12 tỉ đồng. Từ đó, giúp người dân có nguồn thu nhập khá, ổn định, đồng thời còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động. Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Cửa Đạt đang là một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở huyện Thường Xuân (Thanh Hoá).

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, mô hình nuôi trồng thủy sản trên các hồ thủy lợi, thủy điện, đặc biệt tại hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) theo hướng sản xuất hàng hóa, đã giúp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân các huyện miền núi còn nhiều khó khăn.

Ngoài việc liên kết cùng nhau phát triển nghề nuôi cá lồng, anh Nguyễn Văn Sinh còn thành lập Công ty du lịch sinh thái hồ Cửa Đạt để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng lòng hồ khi vừa có thể nuôi cá, vừa làm du lịch phục vụ du khách. Đồng thời, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa địa phương để khách du lịch đến đây không chỉ trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên mà còn được khám phá, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc.

“Công ty hiện có 6 hộ vừa nuôi cá, vừa tham gia đầu tư thuyền đưa đón khách tham quan các điểm du lịch trên lòng hồ. Ngoài đưa đón khách tới tham quan, cắm trại vùng lòng hồ Cửa Đạt, chúng tôi còn phục vụ ăn uống ngay tại thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá lồng… Nhờ đó, mỗi năm công ty đón được khoảng 3.000 – 4.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm”- anh Sinh cho hay.

Theo Hữu Dụng/Dân Việt

Có thể bạn quan tâm