Rất nhiều di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới sau khi được UNESCO ghi danh đã phát huy hiệu quả. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu qua di sản quốc gia. Việc bảo tồn các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo kế sinh nhai bền vững cho người dân đang được xem là mô hình hay. Tuy nhiên, không phải di sản nào cũng thành công…
Những mô hình thành công
Công ước năm 1972 về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới UNESCO đã tạo ra một danh sách các địa điểm văn hóa và tự nhiên có giá trị trên khắp thế giới cần được bảo tồn. Tính đến năm 2023, có 1.172 di sản hiện diện tại 165 quốc gia được ghi danh, trong đó có 901 di sản về văn hóa, 231 di sản về những khu thiên nhiên và 40 di sản hỗn hợp.
Phần lớn các di sản sau khi được UNESCO ghi danh đã phát huy hiệu quả. Nhà nước sẵn sàng đầu tư nguồn lực, chính quyền địa phương và người dân bản địa có ý thức hơn trong công tác bảo vệ, bảo tồn di tích. Đó là chưa nói dòng vốn tài trợ từ nước ngoài, tái tạo kinh tế, chính sách bảo tồn, giải pháp giáo dục và các hoạt động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân địa phương.
Mặt khác, di sản được vinh danh cũng có nghĩa nghiễm nhiên đã có vị trí trên bản đồ du lịch thế giới, thu hút du khách, mang lại lợi ích cho địa phương và cộng đồng. Angkor Wat của Campuchia là một ví dụ. Được UNESCO ghi danh từ năm 1992, trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, Angkor Wat thu hút hơn 3 triệu lượt du khách nước ngoài mỗi năm. Trong năm 2022 vừa qua, có hơn 287.000 lượt khách du lịch nước ngoài, mang đến 11,5 triệu USD cho Campuchia. Hiện Angkor Wat mỗi ngày thu hút từ 1.800 đến 2.000 du khách nước ngoài, tăng đáng kể so với mức 70 khách mỗi ngày trong thời kỳ đại dịch (2020-2021).
Hoặc một ví dụ gần đây nhất là Công viên địa chất toàn cầu Maros Pangkep của Indonesia. Suýt nữa bị hủy hoại bởi các mỏ khai thác đá, nhưng sau khi được đưa vào danh sách Công viên địa chất toàn cầu năm 2022, Maros Pangkep không những được bảo vệ mà còn mang lại nguồn lợi lớn cho địa phương.
Cụm núi đá vôi lớn thứ hai trên thế giới, nơi có những đỉnh núi cao vút được bao phủ bởi rừng nhiệt đới và những thác nước, ẩn bên trong là 400 hang động, được mệnh danh là “hộp đen” của nền văn minh, nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy đồ trang sức thời tiền sử, dụng cụ cắt, dấu tay và tranh vẽ hình người nửa thú ước tính khoảng 44.000 năm tuổi càng nổi danh hơn sau khi được ghi danh. Nằm cách thành phố cảng Makassar nhộn nhịp 43km về phía Bắc, trên đảo Sulawesi của Indonesia, Công viên địa chất toàn cầu Maros Pangkep đang là “thỏi nam châm” hút du khách quốc tế. Theo số liệu của Chính phủ Indonesia, lượng du khách tới công viên đạt đỉnh 50.000 mỗi năm. Nasrul, một người dân địa phương trước đây làm nghề khai thác đá ở đây, sau khi Công viên được vinh danh đã chuyển sang làm du lịch cho biết: “Du lịch tốt hơn nhiều so với khai thác mỏ. Người dân địa phương có thể làm nghề lái đò, hướng dẫn viên du lịch hoặc mở nhà trọ như tôi. Những người không làm du lịch mà chỉ dựa vào thiên nhiên để sinh tồn có thể câu cá, kiếm ăn trong rừng”, Nasrul chia sẻ và kỳ vọng: “Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều người đến đây hơn và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ núi đá vôi”.
Không dễ như tưởng
Như chúng ta đã biết, để được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới phải đáp ứng được 10 tiêu chí, đó là chưa nói những địa điểm đó còn phải đáp ứng về tính toàn vẹn với những quy định hết sức nghiêm ngặt.
Thế nhưng, được ghi danh đã khó, việc duy trì nó còn khó hơn rất nhiều. Làm sao vừa thu hút du khách, vừa bảo tồn, phát triển hài hòa và bền vững luôn là bài toán khó, không dễ trả lời.
Công viên lịch sử Si Thep ở tỉnh Phetchabun phía Bắc của Thái Lan là một ví dụ. Được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 9.2023 vừa qua, và ngay lập tức, trong tháng 9.2023, khu di tích của vương quốc Dvaravati phát triển hưng thịnh từ khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ X đã thu hút khoảng 156.000 khách du lịch, gần gấp bốn lần so với tháng 8. Chưa kịp mừng thì đã vội lo. Lượng du khách tăng đột biến cũng mang lại những thách thức khác liên quan đến việc bảo tồn cho đất nước này. Theo chính quyền địa phương, Si Thep thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp và các biện pháp để ứng phó với lượng khách du lịch tăng đột biến, từ thùng rác đến bãi đậu xe. Một số khu vực của công viên đã phải đóng cửa sau khi du khách leo lên những di tích đổ nát. Cùng với đó là bao nhiêu hệ quả khác khiến người dân chịu hết nổi, còn chính quyền đau đầu tìm giải pháp. Một quan chức Chính phủ trung ương cho biết: “Việc duy trì một Di sản thế giới khó hơn cả việc nó được chọn vào danh sách này”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải làm việc với chính quyền địa phương và các thành viên cộng đồng để hành động.
Mục đích chính khi UNESCO ghi danh di sản là nhằm bảo vệ tính toàn vẹn di sản có giá trị nổi bật toàn cầu. Tuy nhiên, sau khi được ghi danh, chính quyền địa phương đã không thực hiện tốt thực thi và cam kết bảo vệ các di sản khiến chúng bị đưa vào danh sách di sản bị đe dọa, thậm chí bị loại khỏi danh sách di sản thế giới của UNESCO. Thánh địa Oryx Ả Rập của Oman, thung lũng Elbe ởDresden (Đức), nhà thờ Bagrati của Georgia và mới đây là thành phố cảng Liverpool của Anh đã bị đưa ra khỏi danh sách, đó là chưa nói tới hàng chục di sản đang trong tình trạng bị đe dọa.
Các khu di tích sau khi được ghi danh đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mang lại doanh thu hỗ trợ các dịch vụ du lịch. Thế nhưng nếu chỉ chú trọng tới khía cạnh kinh tế mà quên đi công tác trùng tu, bảo tồn thì không chóng thì chầy, di tích xuống cấp, du khách cũng chẳng màng tới nữa. Do đó, phát triển hài hòa, bền vững mới là phương cách hữu hiệu bảo tồn và phát huy di sản sau khi được UNESCO ghi danh.