Mỗi năm, Hà Nội tăng thêm từ 50 nghìn đến 60 nghìn học sinh, tương ứng với quy mô 30-40 trường học. Tốc độ tăng số lượng học sinh nhanh gây áp lực rất lớn lên hệ thống trường, lớp, đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp căn cơ, quyết liệt.
Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố đã xây mới và cải tạo được 1.362 trường học các cấp, xây mới 6.776 phòng học và 651 phòng bộ môn, phòng chức năng; cải tạo 14.344 phòng học; diện tích sàn xây dựng/học sinh đã tăng đều ở các cấp học (đạt 9,1m2/học sinh), tăng gấp ba lần so với năm 2012.
Vẫn còn thiếu trường, thiếu lớp
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, đến tháng 9/2023, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố mới đạt tỷ lệ 72,7% (1.632 trường trên tổng số 2.244 trường). Tiến độ công nhận trường công lập đạt chuẩn còn khá chậm. Năm 2022, thành phố đặt kế hoạch công nhận mới 194 trường, nhưng chỉ thực hiện được 142 trường. Năm 2023, kế hoạch công nhận 130 trường, nhưng đến nay mới được 16 trường.
Qua giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội, hiện nhiều trường chuẩn quốc gia, nhất là các trường khu vực nội thành đang khó bảo đảm, duy trì tiêu chí về diện tích, sĩ số học sinh/lớp…
463 trường vượt chỉ tiêu về sĩ số học sinh; 28 quận, huyện đều có trường tiểu học sĩ số vượt tiêu chuẩn (hơn 35 học sinh/lớp). Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, nhiều trường học nội thành thiếu diện tích đất, khu sân chơi, bãi tập thể dục thể thao; các trường ở khu vực ngoại thành thì thiếu điều kiện cơ sở vật chất, phòng lớp học, phòng bộ môn, thiết bị và đồ dùng dạy học.
Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới hình thành, kéo theo dân số cơ học tăng nhanh, nên dù 10 năm qua, thành phố đã cải tạo, xây mới được 1.362 trường học, nhưng tình trạng quá tải các trường công lập vẫn xảy ra tại một số quận, huyện, nhất là tại địa bàn các quận nội thành.
Theo quy định, tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở và từ 30 nghìn đến 50 nghìn dân có một trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, 35 phường tại tám quận đang thiếu 49 trường học.
Vấn đề quy hoạch, đầu tư cải tạo, xây dựng trường công lập; thu hồi các dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai để bố trí xây dựng trường công lập; dành quỹ đất sau di dời để xây dựng trường công lập đã được Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, các Ban HĐND thành phố giám sát nhiều lần, nhưng việc tổ chức thực hiện các kiến nghị giám sát chưa có nhiều kết quả.
Theo quy định, các khu đô thị, khu nhà ở sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm thực hiện xây dựng các ô đất trường học theo phương thức xã hội hóa, hoặc bàn giao cho thành phố để đầu tư từ nguồn vốn ngân sách.
Hà Nội có khoảng 174 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2 ha trở lên, trong đó có 119 dự án có quy hoạch xây dựng 393 trường học. Nhưng đến nay, tại các dự án này mới hoàn thành hoặc đang triển khai xây dựng 117 trường học, còn 269 trường chưa triển khai.
Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về quy hoạch, chưa có quy định cụ thể về tiến độ đầu tư xây dựng trường học hoặc chủ đầu tư tự ý chuyển nhượng ô đất xây trường cho chủ đầu tư thứ cấp. Nhiều ô đất xây trường được quy hoạch vào những khu vực như đất nghĩa trang, ao làng, khu dân cư…, rất khó triển khai.
Cần các giải pháp linh hoạt, quyết liệt
Như vậy, để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80 đến 85%, trong giai đoạn 2023-2025, Hà Nội phải hoàn thành công nhận mới 410 trường, công nhận lại 1.150 trường đạt chuẩn quốc gia. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, tổng thể và quyết liệt trong thời gian tới, nhất là những giải pháp liên quan đến quỹ đất và nguồn vốn đầu tư.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, trong ba năm qua, quận Hoàng Mai đã triển khai xây mới 23 trường học, cải tạo, sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học, nhưng hiện quận vẫn thiếu đến 43 trường học.
Quận bố trí 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học; rà soát toàn bộ các ô đất quy hoạch xây dựng trường học trên địa bàn và đôn đốc chủ đầu tư các khu nhà ở, dự án đô thị đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học. Nếu chủ đầu tư chậm, “dây dưa” thì quận sẽ kiến nghị thu hồi ngay các ô đất để xây dựng trường công lập.
Một trong những khó khăn của Hà Nội là thiếu diện tích đất dành cho trường học tại khu vực nội thành. Điều này dẫn đến không ít trường đã đạt chuẩn, nhưng khi xét lại theo chuẩn mới thì khó bảo đảm các tiêu chí.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị, để giải quyết tình trạng trường học bị thiếu diện tích theo quy chuẩn, trong khi quỹ đất hạn chế, thì khi xây dựng trường cần có giải pháp bố trí tầng thấp phục vụ học sinh, chuyển các phòng chức năng, giáo vụ lên tầng trên; đồng thời, tiếp tục rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phù hợp với địa phương, khu vực bởi thành phố Hà Nội có những đặc thù riêng về đất đai, dân cư.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đề xuất khi di dời các cơ quan, công sở, nhà máy, trường đại học ra khỏi nội đô thì ưu tiên dành đất xây dựng các trường công lập.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũ Thu Hà, thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung theo hướng ưu tiên bố trí quỹ đất cho giáo dục. Với một số trường học trong khu vực nội thành khó khăn về quỹ đất, thành phố sẽ đề xuất nâng tầng để bảo đảm tiêu chí diện tích/học sinh.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố cũng cho biết, Hà Nội đã thực hiện tăng phân cấp cho các quận, huyện, cho nên các địa phương cũng phải chủ động, quyết liệt để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho giáo dục, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Theo Quốc Toản, Nguyên Trang/Nhân Dân