Đứng đầu Đông Nam Á ở hai kỳ SEA Games liên tiếp gần đây nhưng thể thao Việt Nam lại “hụt hơi” ở đấu trường Asiad, Olympic.
Tập trung cho SEA Games, thể thao Việt Nam chưa có mũi nhọn để vươn tầm châu Á và thế giới
Giành vị trí số 1 và lập kỷ lục đoạt 205 HCV SEA Games 31 năm 2022. Tại SEA Games 32 cách đây năm tháng, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 1 với 136 HCV, bỏ xa Thái Lan với 108 HCV. Nhưng tại Asiad 19, thể thao Việt Nam chỉ đoạt 3 HCV Asiad 19, đứng thứ 6 Đông Nam Á, thứ 21 châu Á. Vì sao?
Có thể khẳng định đoàn thể thao Việt Nam lên đường đến Asiad 19 mà trong tay không có một nội dung Olympic nào đáng gọi là “thế mạnh”.
Thất bại được dự báo trước
Cụ thể, ở những môn thể thao thể hiện rõ rệt qua thông số thành tích như điền kinh và bơi lội, dự đoán về chuyện trắng tay đã được đưa ra.
Việc Huy Hoàng lội ngược dòng giành 2 HCĐ nội dung 400m và 800m tự do sau khi thất bại ở đường đua 1.500m tự do sở trường chỉ đáng ngợi khen về tinh thần thi đấu. 5 năm trước đó, Huy Hoàng làm được tốt hơn với 1 HCB, 1 HCĐ và 5 năm sau anh lại đang ở độ tuổi bùng nổ của các VĐV đẳng cấp châu lục.
Còn với điền kinh, dàn ngôi sao kỳ cựu Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Bùi Thị Thu Thảo nay đều đã trên dưới 30 tuổi, trong khi thế hệ kế cận vẫn chưa chứng tỏ khả năng nối bước. Và thế là điền kinh ra về tay trắng khi không có nổi huy chương nào. Trong khi 5 năm trước đó, điền kinh đã giành 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ. Việt Nam trải qua một kỳ Asiad buồn bã ở hai môn thể thao cơ bản nhất của Olympic là điền kinh và bơi.
Bất ngờ và cả tiếc nuối ở bắn súng
Bắn súng là môn Olympic duy nhất các VĐV Việt Nam thể hiện được đẳng cấp châu lục. Nhưng những cái tên gặt hái thành tích tốt lại… trật so với dự đoán chuyên môn. Điều đó phản ánh tính khó lường của môn bắn súng. Trước khi đến Asiad 19, xạ thủ Phạm Quang Huy không phải người được kỳ vọng giành HCV. Hy vọng được đặt lên vai các xạ thủ Hà Minh Thành, Phan Công Minh hay Trịnh Thu Vinh. Vì vậy, HCV 10m súng ngắn hơi nam của Phạm Quang Huy là điều bất ngờ với anh và cả với bắn súng Việt Nam.
Trong khi đó, 2 HCV ở cầu mây và karate lại không mang quá nhiều giá trị chuyên môn. Với cầu mây, chúng ta giành HCV ở một nội dung mà đoàn Thái Lan – quốc gia số 1 thế giới về cầu mây – không tham dự. Và tương tự là karate, khi Nhật Bản bỏ nội dung kata đồng đội nữ thì Việt Nam đã giành HCV. Thậm chí Việt Nam cũng chỉ có ba đối thủ ở nội dung này và đều nằm ở Đông Nam Á là Malaysia, Campuchia và Brunei.
Đầu tư dàn trải, không có mũi nhọn
3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ là thành tích của đoàn Việt Nam tại Asiad 19. Thành tích khá khiêm tốn này dẫn đến việc Việt Nam xếp dưới Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore, đứng thứ 6 Đông Nam Á và 21 châu Á. Nhưng điều quan trọng là thể thao Việt Nam không có một mũi nhọn thực sự đáng kể nào khi hướng đến Asiad 19 và xa hơn là Olympic.
Đây là điều thực sự đáng buồn bởi các nước Đông Nam Á còn lại đều có thế mạnh rõ rệt ở nhiều nội dung Olympic. Chẳng hạn Thái Lan có “nữ hoàng taekwondo” Panipak Wongpattanakit và một dàn VĐV golf trong tốp đầu thế giới. Indonesia có lực sĩ cử tạ Erwin Rahmat vào hàng đầu thế giới. Philippines có siêu sao nhảy sào John Obiena… Boxing, cầu lông cũng là những môn thể thao mà nhiều nước Đông Nam Á đạt đến tầm thế giới, chỉ trừ… Việt Nam.
Asiad 19 không phải là một kỳ đại hội thể thao mà Việt Nam có thể tự hào, đặc biệt khi chúng ta so sánh với các quốc gia khác trong Đông Nam Á. Điều đáng nói là từ giai đoạn SEA Games 2017, ngành thể thao đã đặt ra tôn chỉ tập trung vào các môn Olympic. Thành tích của các đội điền kinh, bơi lội hay nhiều môn võ ở liên tiếp ba kỳ SEA Games 2019, 2021 và 2023 phần nào cho thấy kết quả của tôn chỉ này.
Nhưng đến Asiad và trước đó là Olympic, Việt Nam lại hầu như không gặt hái được kết quả đáng kể nào. Điều này đặt ra câu hỏi rằng phải chăng ngành thể thao tuy tuyên bố phát triển các môn Olympic nhưng thật ra lại là những nội dung “không Olympic”. Các nội dung diễn quyền trong nhiều môn võ thuật là ví dụ.
Vừa giành vé đến Olympic Paris 2024 nhưng xạ thủ Trịnh Thu Vinh chưa thể có huy chương Asiad
Tụt lại ở những cự ly hấp dẫn
Sau khi đoạt HCĐ nội dung 400m tự do, kình ngư Huy Hoàng phát biểu: “Mọi người cũng biết ở các cự ly càng ngắn thì đối thủ mạnh càng nhiều”. Đây là sự thật và cũng là đường hướng phát triển của thể thao Việt Nam nhiều năm nay, tập trung vào các nội dung ít người chơi. Như ở điền kinh và bơi lội là các cự ly trung bình đến dài, thường chỉ có vài ba quốc gia tham dự ở SEA Games. Trong khi ở những cự ly hấp dẫn nhất như chạy 100m hay bơi 50m, Việt Nam tụt lại hẳn so với nhiều đối thủ Đông Nam Á.
Thành tích khiêm tốn, khan hiếm cả những màn thi đấu bùng nổ ở các nội dung thu hút người xem là tình cảnh của thể thao Việt Nam tại Asiad 19. Đó có lẽ là kết quả từ việc đeo đuổi cơn lạm phát những tấm huy chương SEA Games.
Chưa hoàn thành mục tiêuTrong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 được Chính phủ thông qua năm 2013, mục tiêu của thể thao Việt Nam là phải giành từ 10 – 15 HCV từ Asiad 2019, đứng trong top 10 – 15 châu Á. Từ năm 2020-2030 phải đứng trong top 10 nước hàng đầu châu Á về thể thao. Chiếu theo mục tiêu này, thể thao Việt Nam chưa thực hiện được yêu cầu mà Chính phủ đề ra. |
Theo Tuổi trẻ