Dù đứng đầu SEA Games những năm gần đây nhưng thành tích của thể thao Việt Nam tại Asiad kém xa các quốc gia có nền thể thao mạnh ở Đông Nam Á.
Thành tích của thể thao Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á
Trong 5 kỳ Asiad gần nhất, Việt Nam chỉ giành được 12 HCV, bằng số huy chương vàng một kỳ Á vận hội của thể thao Thái Lan (Asiad 19, Asiad 16 và Asiad 15). Thái Lan không hổ danh là “anh cả” thể thao Đông Nam Á khi thành tích ở Asiad của họ luôn dẫn đầu khu vực.
Số HCV của Thái Lan trong 5 kỳ Asiad gần nhất luôn dao động từ 11-13. Thái Lan lọt vào top 10 của 4/5 kỳ Asiad gần nhất. Đây là thành tích cực kỳ đáng nể cho thấy sự phát triển bền vững của thể thao Thái Lan.
Trong khi đó, thành tích tốt nhất của Việt Nam trong 5 kỳ đại hội thể thao châu Á gần nhất là giành 4 HCV, xếp thứ 16 tại Asiad 18. Đều đáng nói là thể thao Việt Nam lại có thành tích không đồng đều và trồi sụt rất thất thường ở Asiad. Sau khi giành được 3 HCV ở Asiad 15, đoàn Việt Nam chỉ giành được 1 HCV ở 2 kỳ Á vận hội liên tiếp là Asiad 16 và 17.
Không chỉ Thái Lan, thành tích của Việt Nam còn kém cả Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines. Tổng số HCV Indonesia, Singapore và Philippines giành được ở 5 kỳ Asiad gần nhất lần lượt là 48, 35, 24 và 16.
Thành tích của thể thao Việt Nam tại Asiad hoàn toàn trái ngược với thành tích ở SEA Games. Trong 5 kỳ SEA Games gần nhất, Việt Nam có 2 lần dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương, lần 1 lần đứng thứ 2 và 2 lần xếp thứ 3. Cá biệt vào năm 2022, khi SEA Games tổ chức ở Hà Nội, Việt Nam đã giành đến 205 HCV, lập kỷ lục về số HCV tại một kỳ đại hội.
Giành nhiều HCV SEA Games nhưng điều này chẳng có nhiều ý nghĩa khi thành tích của Việt Nam tại Asiad, Olympic rất khiêm tốn, không bền vững. Điều này bắt nguồn từ hoạch định chiến lược phát triển trong thời gian qua. Trong khi các quốc gia khu vực chỉ coi SEA Games là bước đệm cho Asiad, Olympic thì Việt Nam vẫn đặt SEA Games ở vị trí trung tâm.
Chậm chuyển đổi mục tiêu, thiếu nguồn lực đầu tư đã khiến Việt Nam chậm chân trên đấu trường châu lục và thế giới.
Tập trung nhiều cho SEA Games, Việt Nam chưa thể vươn tầm châu Á và thế giới
Chưa hoàn thành mục tiêu “Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030” của Chính phủTrong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 được Chính phủ thông qua năm 2013, mục tiêu của thao Việt Nam là phải giành từ 10-15 HCV từ Asiad 2019, đứng trong top 10-15 châu Á. Từ năm 2020-2030 phải đứng trong top 10 nước hàng đầu châu Á về thể thao. Chiếu theo mục tiêu này, thể thao Việt Nam chưa thực hiện được yêu cầu mà Chính phủ đề ra. Thời gian qua, Bộ VH-TT&DL đã tổng kết chiến lược cũ và xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Dù vậy, bản dự thảo đến lúc này vẫn chưa phải là bản cuối cùng để trình Chính phủ. Theo dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, mục tiêu của thể thao Việt Nam như sau: Duy trì vị trí trong tốp đầu tại các đại hội, giải thể thao khu vực và từng bước tiếp cận với thành tích châu Á, thế giới. Đạt từ 5-7 HCV tại Asiad 2026. Giành từ 7-9 HCV Asiad 2030. Phấn đấu có huy chương tại các kỳ Olympic, Paralympic 2024, 2028. Thành tích thi đấu của bóng đá nam đứng trong nhóm 10 châu Á; thành tích thi đấu của bóng đá nữ đứng trong nhóm tốp 6 châu Á. Tầm nhìn đến năm 2045: Thể thao Việt Nam thường xuyên duy trì trong tốp 15 quốc gia hàng đầu châu Á tại các kỳ Asiad và trong nhóm tốp 50 tại các kỳ Olympic. Thành tích thi đấu của bóng đá nam đứng trong nhóm 8 châu Á; thành tích thi đấu của bóng đá nữ đứng trong nhóm tốp 6 châu Á. |
Theo Tuổi trẻ