Vỉa hè đã có đời sống kinh tế riêng từ cả trăm năm trước. Sức sống của kinh tế vỉa hè khiến các nỗ lực xóa bỏ nó không thể nào thành công.
Từ chiếc xe đẩy trên vỉa hè TP HCM, Đoàn Văn Minh Nhựt và Hồ Đức Hải phát triển thành công thương hiệu bánh mì. Họ đạt doanh thu 2 triệu USD mỗi năm.
“Chúng tôi đề nghị 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần công ty các bạn”, đại diện nhà đầu tư ra giá với Đoàn Văn Minh Nhựt và Hồ Đức Hải – hai nhà đồng sáng lập thương hiệu Bánh mì Má Hải.
Trong 8 năm, Nhựt và Hải đã đưa những chiếc xe đẩy từ lề đường đến mời gọi vốn các nhà đầu tư nổi tiếng. Mô hình kinh doanh của họ cho thấy, hè phố không chỉ là nơi những người buôn bán nhỏ mưu cầu sinh kế. Nó còn có khả năng tạo ra các doanh nghiệp triệu USD. Điều này hấp dẫn nhà đầu tư như nhiều start-up công nghệ thời thượng.
Kinh tế vỉa hè là tên gọi không chính thức của các hoạt động buôn bán trên hè phố. Nó tồn tại dưới ba hình thức: kinh doanh mặt tiền (để xe trên vỉa hè), bán hàng rong, hoặc buôn bán nhỏ lẻ cố định. Thương hiệu của Nhựt vốn thuộc nhóm thứ ba. Tuy nhiên nó đã sớm vươn lên và gia nhập khu vực kinh tế chính thức.
“Triệu phú” vỉa hè
22 tuổi, Đoàn Văn Minh Nhựt tốt nghiệp loại giỏi Đại học Kinh tế TP HCM. Anh có cơ hội làm việc cho một công ty đa quốc gia năm 2015. Nhưng vỉa hè mới là nơi anh lựa chọn để bắt đầu sự nghiệp. Anh đã làm điều đó bất chấp can ngăn của gia đình.
Nhựt bắt tay Hồ Đức Hải, đồng môn đại học, khởi nghiệp với thương hiệu “Bánh mì Má Hải”. Vốn liếng của Hải là ý tưởng, kinh nghiệm tự quản lý những điểm kinh doanh khi còn sinh viên. Còn Nhựt có hơn chục năm phụ mẹ bán bánh mì trên vỉa hè quê nhà An Giang.
Tài sản của hai đồng sáng lập khi đó là 8 chiếc xe đẩy, hoạt động 3 tiếng mỗi sáng quanh quận 10. Ngoài ra, họ có gần 30 sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập. Chi phí đầu tư mỗi xe đẩy chỉ khoảng 3 triệu đồng. Nhựt và Hải hoàn vốn sau chưa đầy hai tháng với doanh số đều đặn hơn 100 ổ bánh mì mỗi ngày.
Mô hình khởi nghiệp thuở ban đầu của Nhựt và cộng sự là đại diện tiêu biểu cho khu vực kinh tế phi chính thức: không đăng ký kinh doanh, không con dấu pháp nhân, không hợp đồng lao động và không phải nộp thuế. Họ cũng đối mặt vấn đề như mọi người bán hàng rong: không được kinh doanh trên vỉa hè.
Theo Luật Giao thông đường bộ, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Hành vi bán hàng rong hoặc hàng hoá nhỏ lẻ trên vỉa hè sẽ bị phạt tiền tuỳ mức độ, theo Nghị định 100/2019. Đội trật tự đô thị có trọng trách quản lý hè phố, trở thành “khắc tinh” của hai doanh nhân trẻ.
“Hầu như tháng nào cũng lên phường mếu máo đóng phạt rồi lấy xe về bán tiếp”, Nhựt kể về những ngày đầu kinh doanh. Anh trở thành nhân vật quen mặt bất đắc dĩ của Đội trật tự đô thị quận 10.
Nhựt và Hải là đạidiện đầu tiên bán bánh mì xe đẩy theo chuỗi với nhận diện đồng bộ. Cả 2 mang lý tưởng định nghĩa lại hình ảnh thức ăn đường phố nói riêng và kinh tế vỉa hè nói chung. Nhưng họ đều hiểu, địa điểm kinh doanh “đặc biệt” này chưa được hợp thức hoá về mặt pháp lý.
“Các anh đô thị tịch thu xe làm đúng trách nhiệm, nên mình phải chấp nhận”, Nhựt nói.
Mặt khác, nhân viên của Nhựt còn phải đối phó với những nhóm người “giang hồ”, đòi tiền “bảo kê”. Nhưng Nhựt nghĩ, nếu đóng tiền một lần, chắc chắn sẽ có lần sau nên quyết định không thỏa hiệp. Vài tuần sau, xe bánh mì bị tạt mắm tôm. Kế đó, điểm kinh doanh này có thêm những “nhân viên” đặc biệt canh giữ. Khách hàng không ghé mua, sinh viên không dám bán. Nhựt đành từ bỏ địa điểm. Anh tập trung vào vị trí gần trường học, trên các trục đường lớn có nhiều công sở.
Sau một năm, hai ông chủ tuổi chưa tới 25 đã có hơn 40 xe bánh mì. Khi số lượng nhân sự cần quản lý lên đến hàng trăm, Nhựt và Hải quyết định chính quy hoá. Anh đăng ký thành lập công ty. Từ chỗ tự vận hành, họ bắt đầu nhượng quyền mô hình cho những người muốn kinh doanh. Đó là cách nhanh chóng để mở rộng độ phủ. Một số địa phương bắt đầu đề nghị công ty hỗ trợ nhượng quyền mô hình kinh doanh . Nó xem như là một giải pháp an sinh cho những hoàn cảnh khó khăn.
Từ vỉa hè, thương hiệu bánh mì của Nhựt và Hải giờ đây đã có mặt trên 37 tỉnh thành. Họ có gần 500 xe đẩy, gián tiếp tạo việc làm cho hàng nghìn người. Sản phẩm của họ được khách hàng, đối tác thừa nhận.
Nhưng kinh tế vỉa hè vẫn là loại hình kinh doanh không chính thức. Dù hoạt động công khai 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày bất kể lễ Tết, nó chưa hề được công nhận trên bất kỳ văn bản pháp lý nào.
Khu vực kinh tế vô thừa nhận
“Vỉa hè là tài sản công. Còn các hoạt động kinh doanh trên đó lại phục vụ lợi ích riêng. Chính quyền không thể nào dễ dàng công nhận”, TS Nguyễn Văn Đáng, chuyên gia về quản trị công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), lý giải nguyên nhân kinh tế vỉa hè vẫn nằm ngoài các quy định pháp luật.
Vỉa hè đã có đời sống kinh tế riêng từ cả trăm năm trước. Tuy nhiên khung pháp lý chính thức cho việc kinh doanh trên hè phố chưa từng tồn tại trong luật. Nghiên cứu năm 1929 của Trần Nguyễn Chấn chỉ ra từ thời TP HCM còn là Sài Gòn – Gia Định, các hoạt động buôn bán di động trên đường phố đã len lỏi khắp đô thị. Nơi nào có đường sá, ở đó có kinh tế vỉa hè. Chính quyền Pháp cũng cố gắng kiểm soát loại hình này. Họ đã ban hành quy định về hành vi đúng mực ở đô thị. Trong đó có cấm bán hàng rong. Cảnh sát được quyền tịch thu bất kỳ hàng hoá nào trên vỉa hè.
Thế nhưng, sau hơn một thế kỷ, kinh tế vỉa hè vẫn tồn tại. Thậm chí trở thành một trong những bộ phận quan trọng nhất của kinh tế phi chính thức – khu vực sản xuất, kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Hiện, Việt Nam chưa có thống kê riêng nào về quy mô của thị trường này. Tuy nhiên, điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2017 ước tính các hộ kinh doanh cá thể, bao gồm những người buôn bán trên vỉa hè, tạo ra giá trị kinh tế khoảng 11-13% GDP quốc gia.
TS Đáng cho rằng thực tế này khiến chính quyền nhiều địa phương rơi vào thế khó xử. Nhà quản lý không thể mặc nhiên công nhận các hoạt động kinh tế vỉa hè. Lý do là vì nó đi ngược lại chức năng giao thông vốn có. Tuy nhiên cũng không thể xoá bỏ nó vì những lợi ích thực tế.
“Không ai có thể phủ nhận kinh tế vỉa hè”, TS Đáng khẳng định.
Người bán, phần đông là nhóm chưa qua đào tạo. Họ khó tiếp cận các cơ hội việc làm chính thức. Họ dùng vỉa hè để nuôi sống bản thân và gia đình. Riêng TP HCM, ước tính có khoảng 20.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố với gần 25.000 lao động, theo Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố.
Vỉa hè còn là nơi nương náu của không ít công nhân mỗi khi bị loại khỏi vòng quay của nền kinh tế chính thức. Ông chủ trẻ Minh Nhựt cảm nhận rõ thực tế này. Giai đoạn mô hình xe đẩy bánh mì nhận được nhiều đề nghị nhượng quyền. Lần đầu là sau khi TP HCM mở cửa hậu Covid-19 hai năm trước. Lần tiếp theo là năm nay, khi các doanh nghiệp cắt giảm công nhân vì thiếu đơn hàng.
Với người mua, vỉa hè là nơi mua sắm nhanh, tiện lợi, giá rẻ. Nó lại cũng phù hợp với xe máy – phương tiện giao thông chủ đạo tại Việt Nam. Với du khách quốc tế, các hoạt động trên vỉa hè, đặc biệt là ẩm thực, còn trở thành nét văn hoá.
Tom Divers, nhà sáng lập website tư vấn du lịch Vietnam Coracle, khi đặt chân đến Việt Nam 18 năm trước, đã bị mê hoặc bởi sự sống động của đời sống vỉa hè. Ông không tìm thấy điều này tại quê hương London (Anh).
“Hãy quên đi những điểm tham quan không thể bỏ qua. Ẩm thực đường phố mới là tài sản du lịch có giá trị nhất. Nó mới là điểm thu hút số một với du khách khi đến Sài Gòn”, ông khẳng định.
Mỗi khi đón bạn bè đến TP HCM, thú vui của ông là đưa họ đi ăn tối trên vỉa hè và lang thang khám phá các con hẻm địa phương. Ông thường đến dọc đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), Vạn Kiếp hay Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh). Đó là cách giúp những người lạ hoà mình vào điều mà ông gọi là “bản sắc của Sài Gòn”.
“Thay vì cố gắng biến nơi đây thành Singapore hay Seoul, các bạn nên phát huy bản sắc nội tại của nó”, ông đề nghị.
Tom không hình dung được một ngày vỉa hè “sạch bóng” hàng ăn quán nước. Ông gọi tương lai đó, nếu có, là “điều đáng buồn”. TP HCM sẽ không chỉ mất đi “sức hấp dẫn quý giá nhất”. Hàng nghìn lao động nhập cư khó khăn cũng mất kế sinh nhai.
Hợp thức hoá kinh tế vỉa hè
Tình cảm mà khách nước ngoài như Tom dành cho ẩm thực đường phố, hay khao khát phát triển của những chủ doanh nghiệp như Nhựt, không đủ để xoá bỏ trạng thái chưa hợp thức hoá của kinh tế vỉa hè. “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, “dọn dẹp vỉa hè” trở thành khẩu hiệu cho nhiều chiến dịch lập lại trật tự đô thị. Thế nhưng, kết thúc những chiến dịch này, các vi phạm lại tái diễn.
“Sức sống của kinh tế vỉa hè khiến các nỗ lực xóa bỏ nó không thể nào thành công”, TS Đáng đánh giá. Ông nhấn mạnh các giải pháp cực đoan, khiến nguồn sống của một bộ phận người dân bị cắt đứt đột ngột, đều không thể đem lại hiệu quả. Thậm chí, việc này còn có nguy cơ tạo ra các đứt gãy trong xã hội. Điều đó sẽ đào thêm hố sâu bất bình đẳng.
Nhà nước không có nguồn thu nào từ khu vực kinh tế vỉa hè. Thế nhưng nhưng lại phải chi nhiều ngân sách để giải quyết các hệ lụy. Đó là: mất an toàn giao thông, bộ mặt đô thị nhếch nhác, nguy cơ về an toàn thực phẩm…
Việc bỏ ngỏ quản lý trong khi nhu cầu buôn bán rất lớn còn tạo ra rủi ro ngầm. Nó khiến người bán hàng buộc phải chấp nhận các khoản “phí” không chính thức để được kinh doanh, theo thạc sĩ Trần Linh Huân (Đại học Luật TP HCM).
Khảo sát của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM năm 2019 với hơn 100 người bán hàng rong nhập cư ở trung tâm thành phố cho thấy, 22% từng chịu rủi ro an ninh trật tự, bao gồm mất tiền “bảo kê”, bị trộm cắp, hoặc tranh chấp với những người bán hàng khác. Đơn cử, tháng 9 vừa qua, Công an huyện Hóc Môn đã khởi tố hai thành viên đội quản lý trật tự đô thị với cáo buộc họ tịch thu xe hàng rong rồi tự ra giá từ 500.000 đến 3 triệu đồng để trả lại hàng.
Kinh tế vỉa hè không phải bài toán của riêng Việt Nam.
Nghiên cứu của Giáo sư Nurul Amin (Viện Công nghệ châu Á – Thái Lan) chỉ ra nhiều quốc gia đều đi qua 4 giai đoạn quản lý vỉa hè. Có 4 cấp độ: cấm đoán, hạn chế, cho phép và giúp đỡ. Đối chiếu với khung phân tích này, TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM), cho rằng TP HCM đã bắt đầu giai đoạn 3 từ năm 2008. Đó là cho phép người dân trả phí để sử dụng tạm thời một phần vỉa hè 172 tuyến đường.
Chính sách này, dù vậy, không thể triển khai trong thực tế khi không có mức phí cụ thể . Đến 2015, Luật phí và lệ phí được thông qua với nhiều quy định khác quyết định của UBND TP HCM. Điều đó khiến chính sách này đi vào ngõ cụt.
Tháng 9 vừa qua, HĐND thành phố tiếp tục thông qua đề án thu phí vỉa hè, lòng đường. Dự kiến đề án sẽ được áp dụng từ đầu năm 2024. Chính sách lần này kỳ vọng thu về cho ngân sách hàng năm khoảng 800 tỷ đồng.
Theo TS Nguyễn Văn Đáng, khi kinh tế vỉa hè vẫn là một phần không thể thiếu, giải pháp thu phí chính thức như TP HCM là lựa chọn phù hợp. Người buôn bán có cơ hội được làm ăn ổn định. Còn việc đi lại vẫn được đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu.
Nhiều đô thị lớn ở châu Á đã hợp thức hóa kinh tế vỉa hè. Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (Thái Lan) yêu cầu những người kinh doanh trên hè phố phải đăng ký, đóng phí hàng tháng. Và họ chỉ được bán hàng ngoài giờ cao điểm ở khu vực đông đúc. Mục đích là để không ảnh hưởng đến giao thông. Còn Singapore lựa chọn xây dựng nhiều trung tâm hàng rong để tổ chức quy củ loại hình này. Người kinh doanh phải xin giấy phép của cơ quan quản lý. Nó giúp đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, và có hiệp hội đại diện.
Ngay khi biết chính sách thu phí mới của TP HCM, Minh Nhựt đã chuẩn bị cải tiến mô hình xe của công ty. Anh còn tìm cách phát triển thêm sản phẩm để sẵn sàng đón đầu cơ hội hiếm có này. Khi được đóng phí để sử dụng vỉa hè, đối tác của anh có thể bán cả ngày.
Vỉa hè – nơi hai thế hệ gia đình Nhựt kinh doanh bánh mì. Từ chiếc xe đẩy đến doanh nghiệp triệu USD, anh đang đứng trước ngưỡng cửa được thừa nhận chính thức.
Theo Vnexpress