Cứ vào dịp 23.5 âm lịch, người dân Huế lại bày mâm cỗ tổ chức lễ tế Âm hồn tưởng nhớ sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885.
Sáng sớm 11.7 (nhằm ngày 24.5 âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ tế Âm hồn năm 2023, tại đàn Âm hồn (đường Ông Ích Khiêm, P.Thuận Hòa, TP.Huế) tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ vong mạng trong biến cố thất thủ kinh đô năm 1885.
Lễ tế được phục dựng theo nghi thức truyền thống của triều Nguyễn được ghi lại trên Châu bản dưới thời vua Thành Thái.
Đàn Âm hồn được triều Nguyễn lập nên ở đường Ông Ích Khiêm (P.Thuận Hòa, TP.Huế), vào năm 1894, dưới triều vua Thành Thái. Đây là nơi thờ tự, cúng tế vong linh các quan viên, binh lính, đồng bào tử nạn trong biến cố thất thủ kinh đô Huế ngày 5.7.1885 (tức 23.5 năm Ất Dậu).
Bên cạnh lễ tại đàn Âm hồn, người dân các phường nội thành Huế cũng đã lập một số miếu âm hồn để cúng tế vào dịp kỷ niệm ngày thất thủ kinh đô.
Hàng năm, người dân Huế tổ chức lễ cúng “Thất thủ kinh đô” trong vòng 7 ngày, từ 23.5 âm lịch tới 30.5 âm lịch. Suốt một tuần lễ ấy, mọi gia đình ở Huế tùy theo gia chủ chọn ngày, đều tổ chức cúng giỗ rất trang trọng và đầy ý nghĩa. Người Huế gọi lễ giỗ này là “cúng âm hồn”.
Trong lễ tế, thứ không thể thiếu đó là thủ tục đốt lửa để sưởi ấm linh hồn những người tử nạn, đây cũng là ngọn lửa được người dân nhen nhóm gìn giữ lòng yêu nước không lịm tắt trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Biến cố thất thủ kinh đô năm 1885 là một sự kiện lịch sử bi thương, một trận chiến không cân sức giữa quân triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp với trang bị hiện đại. Cuộc chiến xảy ra do quân triều đình nhà Nguyễn thuộc phe chủ chiến, không chịu ách đô hộ của thực dân Pháp; Tôn Thất Thuyết chỉ huy, phát động đánh vào lực lượng Pháp.
Quân Pháp bị bất ngờ nhưng vẫn giữ thế thủ và sau đó phản công khiến kinh thành Huế trở thành chiến trường với hàng vạn chiến sĩ và dân thường bỏ mạng. Kết cục cuộc chiến, kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng đã chạy lên Tân Sở (Quảng Trị) lập căn cứ, phát chiếu cần vương chống Pháp.
Biến cố thất thủ kinh đô là dấu mốc lịch sử bi thương của dân tộc, mở ra thời kỳ đen tối của triều đình nhà Nguyễn chịu sự kiểm soát hoàn toàn của thực dân Pháp, kéo dài cho đến khi Cách mạng tháng 8.1945 thành công.
Việc tổ chức lễ tế Âm hồn không chỉ thể hiện sự tôn trọng lễ nghi, đạo lý mà còn là dịp nhắc nhở về một bài học lịch sử của đất nước. Tưởng nhớ, tri ân người đã khuất là đạo lý nhân văn của dân tộc, đã tạo nên cội nguồn, sức mạnh đoàn kết, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam và người dân xứ Huế.
Theo Báo Thanh Niên