Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết những đánh giá ban đầu liên quan đến vụ sạt lở đất tại Đà Lạt làm 2 người chết cho thấy: chủ đầu tư quá tham, thi công quá sai.
Chiều 10-7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có trao đổi với báo chí liên quan đến vụ sạt lở đất tại Đà Lạt làm 2 người chết.
“Chủ đầu tư quá tham”
Vụ sạt lở xảy ra vào rạng sáng ngày 29-6, được xác nhận nghiêm trọng, chưa có tiền lệ. Công trình ta luy chắn đất nằm ở hẻm 15/2 Yên Thế (phường 10, Đà Lạt) đổ xuống hẻm 38 Hoàng Hoa Thám từ độ cao hơn 30m. Hàng ngàn khối đất đá cùng bờ ta luy cả trăm tấn đã đè xuống gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Trước khi nói đến những cái sai liên quan đến công trình gây tai nạn liên quan đến vụ sạt lở, tôi cho rằng chủ đầu tư quá tham. Họ cố tình xây lấn đất, xây sai thiết kế để có diện tích mặt bằng lớn nhất. Còn thi công, tôi chưa tiếp cận hồ sơ nhưng được báo cáo thi công sai, quá sai”.
Ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhận định: “Tôi đến nơi xảy ra vụ sạt lở đất từ sớm, tôi nhìn công trình, nó không đúng ở chỗ nào hết. Gì đâu mà làm cái bờ ta luy dựng đứng như thế, không có chút liên kết giữa công trình với địa hình khu vực. Làm bờ ta luy, sử dụng đất đã sai rồi còn lấp hơn 6.000 khối đất vô (khoảng 9.000 tấn, tích thêm nước khoảng 16.000 tấn – PV). Hậu quả như thế quá lớn”.
Nhận định về độ nguy hiểm của công trình xét trong bối cảnh thời tiết cực đoan, ông Phạm S trao đổi: “Hôm xảy ra sạt lở, mưa lớn nhưng so với dự báo của chúng tôi thì không bằng tháng 8 tới đây. Có nghĩa là khu đất đó, bờ ta luy đó, trước sau cũng sạt lở, gây họa”.
Không bao che sai phạm
Ông Đặng Quang Tú, chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết đến nay các hộ dân trong khu vực đã trở về nhà. Một số vị trí có nguy cơ sạt lở cao, thành phố vận động người dân tạm trú nơi khác thêm một thời gian để tiếp tục theo dõi. Liên quan đến xử lý trách nhiệm, ông Tú nói: “Hiện vụ án đã bị khởi tố, những người liên quan cũng đang bị điều tra. Quan điểm của tỉnh, của thành phố là không bao che, vi phạm tới đâu xử lý tới đó”. Ông Tú nói thêm rằng nếu có vi phạm sẽ tiếp tục xử lý, khởi tố bị can và công khai thông tin. Về tiến độ xử lý vụ việc, ông Tú cho biết các vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố Đà Lạt sẽ xử lý xong trước 15-7.
Chính quyền Lâm Đồng bước đầu xác định có dấu hiệu sai phạm trong vụ sạt lở ở Đà Lạt, nếu đủ điều kiện sẽ khởi tố bị can để điều tra.
Ông Lê Quang Trung, giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, nói bước đầu ghi nhận công trình ta luy chắn đất thiếu giải pháp thi công, che chắn. Khi gặp mưa lớn, bờ ta luy bị áp lực, phá vỡ kết cấu, dẫn tới sạt lở. UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng điều tra, giám định, xác định nguyên nhân sự cố sạt lở.
Tuy nhiên, quá trình làm việc phải 2 tháng mới có kết luận chính thức về nguyên nhân sự cố, trách nhiệm cá nhân liên quan.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, chủ đầu tư làm bờ ta luy thực chất không phải để chống sạt lở, mà chủ yếu để tăng diện tích sử dụng đất, chia từ 2 lô đất ban đầu thành 4 lô.
Ngoài ra, chủ đầu tư đã xây dựng lấn đất công, lấn hành lang an toàn điện. Trong khu đất có một hầm ngầm thuộc diện tích đất công, chủ đầu tư cũng đã lấp để chiếm dụng mặt bằng.
Một công trình, nhiều chủ đầu tư
Bờ ta luy được xây dựng để cải tạo mặt bằng khu đất với 4 thửa riêng biệt do 6 người đứng tên. Trong đó thửa đất số 657 (gốc 192, 372), tờ bản đồ số 4 (C71-III), quyền sử dụng của Lê Văn Lực – Hoàng Thị Kim Xuân; thửa đất số 656 (gốc 192, 372), tờ bản đồ số 4 (C71-III) quyền sử dụng của Nguyễn Văn Trương – Trần Thị Thanh Bình; thửa đất số 659 (gốc 192, 372), tờ bản đồ số 4 (C71-III) quyền sử dụng của Nguyễn Minh Thông; thửa đất số 658 (gốc 192, 372), tờ bản đồ số 4 (C71-III) quyền sử dụng của Nguyễn Minh Tâm. Cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng bờ ta luy cho 4 đại diện của 4 thửa đất nói trên.
Theo Báo Tuổi Trẻ