Các chuyên gia dịch tễ nhận định tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng kéo theo những đợt mưa giông thất thường như ở khu vực Hà Nội hiện nay.
Tấn công cả trẻ nhũ nhi
Ngày 5/7, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận, điều trị cho 3 trường hợp trẻ bị sốc sốt xuất huyết. Trường hợp điển hình nhất là bé trai H.D.T (5 tháng tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận) được chuyển viện đến với chẩn đoán bị nhiễm trùng, huyết áp khó đo, sức khỏe diễn tiến xấu.
Qua các kết quả xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết gây rối loạn đông máu, nguy kịch tính mạng. Trẻ nhanh chóng được bác sĩ cứu chữa. Sau 1 tuần điều trị, trẻ đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch. Đây là một trong những trường hợp bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nặng may mắn được cứu sống.
Thông tin từ Viện Pasteur TPHCM, tính từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam đã có hơn 25.000 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị. Nếu so với cùng kỳ các năm trước, bệnh SXH đang ở mức thấp, nhưng so với trung bình của 4 tuần trước thì bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng số ca mắc.
Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur, tuy số ca mắc SXH thấp hơn so với các năm trước nhưng qua thống kê, số ca bệnh nặng chiếm hơn 3,5% trong tổng số trường hợp mắc được ghi nhận; tỷ lệ này tương đối cao so với trung bình chung. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ, nếu không có giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự gia tăng của bệnh thì SXH có thể gây quá tải tại các bệnh viện trong thời gian tới.
Theo kết quả giám sát của Viện Pasteur TPHCM, hiện nay tuýp DENGUE-2 của bệnh SXH đang chiếm tỷ lệ áp đảo với hơn 75% số ca, tiếp đến là DENGUE-1 chiếm 20%, số còn lại là DENGUE-3 và 4.
Viện Pasteur cảnh báo, càng vào mùa mưa, bệnh SXH sẽ càng gia tăng mức độ nguy hiểm, cộng đồng cần phải hợp tác với ngành y tế tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ thời điểm này để giảm nguy cơ lây lan và bùng phát dịch trên diện rộng.
“Bệnh SXH đang tấn công cả trẻ nhũ nhi (nhóm trẻ mới chào đời – PV). Khi mắc SXH, trẻ nhũ nhi thường có biểu hiện không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục và kèm ho sổ mũi, hắt hơi hoặc tiêu chảy, nôn ói. Các biểu hiện trên rất dễ nhầm lẫn với nhóm bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng hoặc bệnh tay chân miệng.
Do đó, khi trẻ có biểu hiện bất thường, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám xét nghiệm xác định bệnh chính xác để điều trị thích hợp cho trẻ”, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, lưu ý.
Không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại
Ở khu vực phía Bắc, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết năm nay bệnh nhận SXH nhập viện sớm hơn mọi năm. Hiện, trung tâm đang điều trị cho 6 ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo. Đáng chú ý, nhiều người bị sốt nghĩ là do mắc COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác chứ không nghĩ đến SXH.
Chỉ đến ngày thứ 4, 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lí nền thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…
TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Kí sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, đến nay Việt Nam có hơn 40 nghìn ca mắc SXH, trong đó có 8 ca tử vong.
Khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc SXH bắt đầu tăng dần. Sáu tháng đầu năm ở miền Bắc có hơn 1.000 ca mắc (cao hơn 60% so với cùng kì so với năm ngoái), nên khả năng cao bùng phát dịch. Hà Nội hiện là điểm nóng nhất nước về SXH, do có mật độ dân số cao nên tỉ lệ mắc tăng rất nhanh.
Theo TS. Dũng, SXH là căn bệnh rất “nóng” hiện nay. Mấy năm gần đây, dịch bệnh tăng hằng năm do thời tiết mưa nắng thất thường. Đặc biệt năm nay, xảy ra hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến SXH sẽ gia tăng. “Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Năm nay dịch ở miền Nam đã giảm hơn so với năm ngoái nhưng miền Bắc lại tăng đến 60% so với cùng kì. Năm 2017 số ca mắc và tử vong vì SXH rất cao, đến 2019 và 2022 cũng có số ca mắc rất cao. Đây đều không phải là các chu kì 4 năm”, vị chuyên gia nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, người ở chung cư cao tầng cũng có thể bị muỗi SXH đốt do muỗi theo đường thang máy. Nhà cao tầng nên sử dụng vợt muỗi, chỉ có một vài con không nhất thiết phải sử dụng hóa chất. Hóa chất diệt côn trùng ở góc độ nào đó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nên hạn chế sử dụng.
Ngành Y tế lưu ý, để phòng chống SXH, người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại… Muỗi thường đẻ trứng trong các thiết bị đồ dùng chứa nước trong nhà, chỉ cần không có nước đọng thì không có muỗi.
“Chỉ có người dân mới làm được chứ không có đội ngũ y tế nào làm thay được”, TS. Dũng khẳng định.
Theo Báo Tiền Phong