Đền Đông Cuông (thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là điểm nhấn tâm linh, không gian hội tụ, lan tỏa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, là địa điểm du lịch tâm linh ở Tây Bắc.
Tọa lạc nơi “Tán phong tụ thủy”
Cách thành phố Yên Bái 50 km về phía Tây Bắc, đền Đông Cuông cổ kính, tọa lạc ở thế đất mà các cao niên ở đây gọi là “Tán phong tụ thủy” – ý chỉ khu vực gió lộng, sông suối bao quanh.
Trên thực địa, trước mặt đền là đoạn sông Hồng có hình bán nguyệt, hiền hòa chảy qua, hai bên là những ngọn núi trùng điệp tạo nên không gian thoáng đãng, vẻ đẹp sơn thủy hữu tình.
Cùng chúng tôi thưởng ngoạn đền Đồng Cuông, chị Nguyễn Kim Lê, Phó Trưởng phòng Quản lý di tích và danh thắng thuộc Trung tâm Quản lý Di tích và Phát triển Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết đền là địa điểm thực hành tín ngưỡng quan trọng ở thượng lưu sông Hồng, tồn tại từ lâu đời, được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Đền được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là nơi khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn (hay còn gọi là Đệ Nhị thượng ngàn) – là thánh mẫu quan trọng thứ hai, cai quản vùng rừng núi trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt.
Đệ Nhị thượng ngàn còn có các tên gọi khác như Đông Quang công chúa, Bà chúa Đông Cuông, Mẫu Thượng Ngàn, Lê Mại Đại Vương, Lâm Cung Thánh Mẫu… trong tục thờ Mẫu của người Việt.
“Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi đền này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ, bà được phong là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan quân giặc”, chị Lê cho biết.
Đền Đông Cuông còn là nơi hương hỏa, ghi nhớ công đức của các vị thủ lĩnh người dân tộc thiểu số địa phương có công lao lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng. Đây cũng là nơi thờ 5 nghĩa quân dân tộc Tày hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1913-1914) gồm Hoàng Văn Cầm, Hoàng Văn Thuận, Lương Đình Thân, Hà Văn Nới, Hà Đình Quang.
Địa điểm du lịch tâm linh vùng Tây Bắc
Kiến trúc đền Đông Cuông mang đậm nét cổ kính, có kết cấu hình chữ đinh, gồm tòa đại bái và cung cấm gắn với không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Quần thể đền Đông Cuông gồm đền Mẫu, miếu Cô, miếu Cậu, tòa sơn trang, miếu thần linh và miếu Đức Ông nằm đối diện bên kia sông. Ngôi đền hiện còn lưu giữ, thờ tự bức tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn và nhiều pho tượng cổ cùng các cổ vật quý.
Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào tháng giêng hàng năm với nhiều nghi thức cổ truyền. Mở đầu là lễ mổ trâu tế Mẫu, đây là nghi lễ chính thức được duy trì từ bao đời nay ở Đông Cuông. Sau đó là lễ rước tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn sang sông để thắp hương cúng tế tướng quân Hà Đặc tại miếu Ghềnh Ngai phía tả ngạn sông Hồng.
Phần hội của lễ được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc huyện Văn Yên: ném còn, hát then, hát cọi, đấu vật, kéo co, hát chèo, múa xòe…
Chị Lê cho biết thêm, tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn ở đền Đông Cuông đã lan tỏa đến các ngôi đền vùng Tây Bắc.
Tại các ngôi đền, Mẫu Thượng ngàn được thờ trang trọng, thể hiện sự tri ân, biết ơn của người dân đối với người Mẹ được huyền thoại hóa, đi vào đời sống tâm linh với những giá trị nhân văn cao đẹp. Từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng, một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng vùng Tây Bắc.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng cao đẹp, ngày 22/1/2009, đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 296/QĐ-BVHTTDL; ngày 16/1/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-BVHTTDL chính thức ghi danh Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo Báo Tiền Phong