Tổ chức động vật châu Á đang cùng với Vườn Quốc gia Yok Đôn và nhiều đơn vị khác phối hợp, giúp nhiều cá thể voi nhà tại Đắk Lắk thoát khỏi cảnh “xiềng xích”, trở lại rừng xanh, nhưng nài voi của nó vẫn có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Cởi trói cho… voi nhà
Nhiều năm qua, ông Y Lư Êban (trú tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đang chăm sóc cho con voi có tên gọi là H’Pló (50 tuổi) ăn.
“Voi ăn rất nhiều, mỗi ngày chúng dành tới 90% thời gian để ăn. Như con voi của tôi đây có trọng lượng khoảng 5 tấn, mỗi ngày nó phải ăn khoảng 5 tạ thức ăn” – ông Y Lư nói.
Theo ông Y Lư Êban, ông đã tham gia mô hình du lịch thân thiện cùng voi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) được 3 năm nay. Trước đó, ông Y Lư cũng có gần chục năm đưa voi H’Pló tham gia cõng khách trong các khu du lịch, từng chứng kiến cảnh những con voi bị vắt kiệt sức, “nổi nóng” hất đổ du khách xuống đất.
“Thế nên, năm 2017, khi được AAF liên hệ, nói đưa voi vào rừng làm du lịch thân thiện, tôi đồng ý liền” – ông Y Lư trao đổi.
Tương tự, cuối tháng 3.2023 vừa qua, sau khi tổ chức xong lễ cúng sức khỏe cho voi, ông Y Khư Êban (trú tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cũng ký hợp đồng với Tổ chức động vật châu Á (AAF) đưa voi Ta Nôn (33 tuổi) vào lâm phần của Vườn Quốc gia Yók Đôn để tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi.
Ông Y Khư từ chối tiết lộ giá trị của hợp đồng, nhưng ông cho hay, hằng ngày vẫn được chăm sóc voi, được trả thù lao tương xứng để trang trải cuộc sống. “Căn bản nhất là voi của tôi được tự do, không phải cõng khách mà tôi vẫn có thu nhập” – ông Y Khư vui mừng.
Ông Y Khư nói thêm, voi Ta Nôn của ông đã tham gia cõng khách từ năm 2001. Đến nay, voi đã lớn tuổi, mệt mỏi mà được chính quyền và các đơn vị, tổ chức vận động đưa voi về rừng dưỡng già nên ông hạ quyết tâm để cởi trói cho voi.
Xây dựng quần thể voi nhà ở trong rừng
Theo ông Trần Đức Phương – Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục Môi trường và Dịch vụ thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn, mô hình du lịch thân thiện với voi được đơn vị và AAF phối hợp thực hiện từ năm 2017.
Với mô hình này, voi không phải cõng khách mà được tự do tìm kiếm thức ăn, tự do sinh hoạt trong rừng để du khách ngắm nhìn. Hiện có 8 cá thể voi được người dân ký hợp đồng với AAF, đưa vào Vườn Quốc gia Yok Đôn để tham gia mô hình du lịch thân thiện với voi.
“Cả 8 cá thể voi đều được chủ cũ trực tiếp chăm sóc, điều này vừa giúp chủ voi không mất đi nguồn thu nhập, vừa giúp voi có những điều kiện tốt nhất trong môi trường chăn thả tự nhiên” – Ông Phương nói.
Theo ông Phương, chỉ tính riêng năm 2022, đã có hơn 2.000 lượt khách đăng ký tham gia du lịch thân thiện với voi tại trung tâm. Có nhiều du khách bỏ ra cả nhiều ngày trời chỉ để đi theo voi, nhìn voi tìm thức ăn, tắm và sinh hoạt trong rừng.
“Đây là tín hiệu đáng mừng để chúng tôi tiếp tục phấn đấu. Theo kế hoạch, đến năm 2026, chúng tôi sẽ phối hợp cùng AAF đưa về rừng 15 cá thể voi” – ông Phương hào hứng cho biết.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi – cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh còn 37 cá thể voi nhà tập trung chủ yếu tại hai huyện Lắk và Buôn Đôn.
Theo Báo Lao Động