ĐBSCL đang chịu sức ép rất lớn khi nhu cầu cát cho xây dựng bùng nổ chưa từng thấy, trong khi các địa phương đều than thiếu cát trầm trọng, có nơi chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu.
Báo cáo tổng hợp mới đây của Cục Khoáng sản (Bộ TN-MT) cho thấy ĐBSCL hiện có 58 giấy phép khai thác cát san lấp (thời hạn 2020 – 2029) với tổng trữ lượng hơn 67 triệu m3, tổng công suất khai thác gần 14 triệu m3/năm. Nếu chỉ tính các giấy phép trong thời hạn 2023 – 2026 thì trữ lượng cát còn lại của ĐBSCL khoảng 26 triệu m3 với công suất khai thác khoảng 12 triệu m3/năm. Trong khi đó, riêng về hạ tầng giao thông, 6 tuyến cao tốc triển khai trong giai đoạn 2022 – 2025 ở khu vực này cần gần 54 triệu m³ cát. Thêm vào đó là khoảng 36 triệu m³ cát cho các dự án (DA) giao thông cấp tỉnh đầu tư năm 2023, 2024.
Như vậy, dù có khai thác toàn bộ 26 triệu m3 cát còn lại (thời hạn 2023 – 2026), các địa phương ĐBSCL cũng chỉ đáp ứng được khoảng 29% nhu cầu cát cho hạ tầng giao thông trong 3 năm tới. Chưa tính mỗi năm nhu cầu cát cho xây dựng dân dụng, hạ tầng khác ở ĐBSCL và TP.HCM, Đông Nam bộ (khu vực chủ yếu sử dụng cát từ ĐBSCL) cũng lên đến hàng trăm triệu mét khối. Câu hỏi đặt ra là cát ở đâu đáp ứng cho nhu cầu khổng lồ này?
“Cơn khát cát” lan rộng
Tại Cần Thơ, theo thống kê sơ bộ của Sở TN-MT, giai đoạn 2021 – 2025 cần khoảng 34 triệu m³ cát san lấp, nhưng tổng trữ lượng cát của cả địa phương này chỉ còn khoảng 6,5 triệu m³, tức chỉ đủ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu. Tương tự, Sở TN-MT Vĩnh Long cho biết năm 2023, nhu cầu cát của tỉnh này gần 7 triệu m³, nhưng các mỏ được cấp phép chỉ đáp ứng được hơn 1,8 triệu m³, tức đạt khoảng 26%.
Ở Đồng Tháp, nếu như năm 2022, UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông với công suất khoảng 6 triệu m³/năm thì năm 2023 giảm còn 4 triệu m³. Trong khi đó nhu cầu cát của tỉnh này giai đoạn 2022 – 2025 lên đến khoảng 43 triệu m³. UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách T.Ư, vốn ODA như: đường tỉnh 845, một số DA phát triển cơ sở hạ tầng… đang thiếu hụt nguồn cát nghiêm trọng, ảnh hưởng tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư.
Riêng An Giang, nơi được xem là tỉnh có nguồn cát dồi dào nhất ở ĐBSCL, theo công suất cấp phép cũng chỉ có khoảng 7,2 triệu m³/năm. Trong đó, có 8 mỏ được cấp phép khai thác công suất gần 2,8 triệu m³ cát/năm và 8 khu vực nạo vét chỉnh trị dòng chảy kết hợp với tận thu nguồn cát có công suất hơn 4,3 triệu m³ cát/năm.
Tình trạng thiếu cát trầm trọng cũng đang đe dọa ảnh hưởng đến tiến độ của các tuyến cao tốc ở ĐBSCL. Đặc biệt, cao tốc Bắc – Nam, đoạn Cần Thơ – Cà Mau có tổng nhu cầu cát là 18,5 triệu m³ cát nhưng mới dự kiến có được 1,1 triệu m³ do An Giang cung cấp, còn hơn 17 triệu m³ chưa biết lấy ở đâu.
Trước đó, DA Ngân hàng cát của WWF-VN từng dự báo rằng “Cơn đói cát” ở ĐBSCL sẽ còn rất dài khi số liệu quan trắc của Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) cho biết lượng cát từ thượng nguồn Mê Kông bồi đắp cho ĐBSCL chỉ còn khoảng 7 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 6,5 triệu tấn đổ ra biển.
Cán cân bồi đắp và lấy đi ngày càng mất cân đối khi lượng cát khai thác thực tế ở ĐBSCL hằng năm có thể lên đến 40 triệu tấn (tương đương khoảng 33 triệu m3 – PV), dẫn tới lượng cát thâm hụt hằng năm ở khu vực này có thể lên tới 39,5 triệu tấn cát. Con số thâm hụt cát sẽ càng lớn khi, tới năm 2040, MRC dự báo sẽ chỉ còn chưa tới 0,7 triệu tấn cát từ thượng nguồn Mê Kông bồi đắp cho châu thổ Cửu Long.
Dấu hỏi đằng sau con số 3,6 triệu USD chênh lệch nhập khẩu cát
Trong bối cảnh ĐBSCL thiếu cát trầm trọng thì suốt từ năm 2022 đến nay, đoạn sông Tiền ở khu vực cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX.Tân Châu, An Giang) giáp với tỉnh Kandal (Campuchia) lúc nào cũng nhộn nhịp sà lan mua, bán cát.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chỉ một đoạn sông dài khoảng 1 km nhưng luôn có hàng trăm chiếc sà lan mang biển kiểm soát nhiều tỉnh, thành neo đậu chờ mua cát nhập khẩu từ Campuchia. Trên bờ, người lạ mặt ra vào khu vực này đều bị lực lượng biên phòng kiểm soát chặt chẽ.
Một cán bộ hải quan ở cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cho hay sà lan thường phải chờ 3 – 5 ngày, có khi cả tuần mới lấy được cát dẫn tới ùn ứ, đông đúc như một khu chợ. Chi cục Hải quan Vĩnh Xương cũng thông tin từ tháng 11.2020, VN đã cho mở lại tờ khai hải quan khi nước láng giềng Campuchia có chủ trương xuất khẩu cát trở lại. Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cũng gần như là cửa ngõ lớn nhất để các sà lan cát nhập khẩu từ Campuchia về VN.
Từ đầu năm 2023 đến hết ngày 30.4, đã có gần 2 triệu m3 nhập khẩu từ Campuchia về VN qua cửa khẩu Vĩnh Xương với giá trị gần 2 triệu USD. Trước đó, trong năm 2022, tính đến giữa tháng 11 có gần 3,1 triệu m3 cát từ Campuchia nhập về VN nhưng đến hết năm 2022, con số này tăng đột biến lên gần 6,2 triệu m3.
Nếu tính từ đầu năm 2022 đến nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 17.000 m3 cát từ Campuchia nhập về VN qua cửa khẩu Vĩnh Xương. Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cũng ghi nhận hiện có 16 công ty nhập khẩu cát từ Campuchia, chủ yếu ở các địa phương như Thanh Hóa, Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp…
Số liệu của Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương cho biết hiện cát từ Campuchia nhập về VN có giá dao động từ 5,3 – 7 USD/m3. Đây thường là loại cát vàng được dùng cho bê tông và xây tô. Năm 2022, chỉ riêng khoản thuế GTGT từ nhập khẩu cát Campuchia là gần 52 tỉ đồng.
Tra cứu trên kho lưu trữ thống kê thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UN Comtrade Database) có thể thấy giá trị nhập khẩu cát từ Campuchia của VN đã tăng đáng kể đặc biệt là khi nhu cầu cát ở ĐBSCL tăng cao. Cụ thể năm 2021, báo cáo giá trị nhập khẩu cát từ Campuchia của cơ quan chức năng VN là gần 2 triệu USD, tức chỉ bằng với giá trị nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên có một điều lạ là ở chiều ngược lại, Campuchia báo cáo giá trị xuất khẩu cát sang VN năm 2021 là gần 5,6 triệu USD, nhiều hơn báo cáo của phía cơ quan chức năng VN 3,6 triệu USD.
Lượng cát khổng lồ “trong bóng tối”
Thực trạng khai thác và nhập khẩu cát đang hé lộ những khoảng tối trong nguồn cung cát trên thị trường. Đầu tiên là độ vênh giữa con số nhập khẩu cát của VN với con số xuất khẩu cát của Campuchia.
Tổng cục Thống kê VN đã từng có giải thích chung về chênh lệch số liệu giữa báo cáo của VN và kho dữ liệu UN Comtrade Database. Theo đó về lý thuyết, so sánh số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện theo “phương pháp tấm gương” (mirror approach). Xuất khẩu của nước A sẽ tương ứng với nhập khẩu của nước B từ nước A. Tuy vậy, trường hợp tương ứng là rất hiếm do sự khác biệt về thời điểm, phạm vi, trị giá thống kê và nước đối tác… Tổng cục Thống kê cũng dẫn ra hàng loạt nguyên nhân có thể dẫn tới chênh lệch số liệu xuất – nhập khẩu, đáng chú ý có nguyên nhân nhập khẩu lậu, gian lận thương mại.
Chính vì vậy, với con số chênh lệch 3,6 triệu USD giá trị xuất – nhập khẩu cát từ Campuchia cũng đặt ra không ít hoài nghi về việc có hay không tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu thông đồng với đối tác khai giá thấp để hưởng mức thuế thấp. Ngược lại doanh nghiệp đối tác cũng có thể khai trị giá xuất khẩu cao để hưởng thuế khấu trừ cao…
Chia sẻ với PV Thanh Niên về điều này, một cán bộ hải quan ở Vĩnh Xương nói: “Có thể phía Campuchia báo cáo không chính xác. Thêm nữa, họ tính cả lượng cát tạm nhập tái xuất, còn bên mình không ghi nhận lượng cát nhập khẩu này”. Tính từ năm 2022 đến đầu tháng 5.2023, Hải quan Cửa khẩu Vĩnh Xương ghi nhận có 1 doanh nghiệp thực hiện 2 chuyến tạm nhập cát từ Campuchia về VN và tái xuất sang Singapore với khối lượng 12.000 m3 cát.
“Khoảng tối” thứ 2 từ nạn khai thác cát lậu đã được phản ánh nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn. Năm 2022, hàng trăm vụ việc vi phạm liên quan đến cát lậu đã bị cơ quan chức năng các tỉnh, thành ĐBSCL xử lý. Như ở Vĩnh Long, 9 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng tỉnh này đã xử lý 73 vụ vi phạm liên quan đến khai thác, vận chuyển cát; phạt gần 4 tỉ đồng, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính gần 2,3 tỉ đồng, tịch thu gần 1.800 m3 cát. Tại TP.Cần Thơ, năm 2021, 2022, cũng đã phát hiện xử lý 18 trường hợp vi phạm vận chuyển, mua bán cát không có hóa đơn chứng từ, tịch thu gần 2.400 m3 cát… Ngoài những vụ việc bắt cát lậu nhỏ lẻ, một năm trước, giới làm cát ở ĐBSCL rúng động khi đường dây xuất bán 997 tờ hóa đơn ghi khống gần 2 triệu m3 cát ở An Giang, Đồng Tháp bị triệt phá. Công an tỉnh An Giang đã khởi tố bắt tạm giam 2 người về tội “mua bán trái phép hóa đơn” với tổng số tiền trên 102 tỉ đồng.
Gần 2 triệu m3 cát được xuất bán và hợp thức hóa bằng chứng từ khống cũng có nghĩa là ít nhất chừng ấy cát ở ĐBSCL đã bị khai thác gian lận. Chưa biết liệu số lượng cát này có bị truy xuất nguồn gốc để biết ai là kẻ khai thác lậu hay không. Bất luận thế nào thì nó cũng phản ánh một thực trạng đáng lo ngại là tài nguyên cát của ĐBSCL, tài nguyên khoáng sản của quốc gia đã và đang bị “móc ruột” trục lợi một cách tàn bạo.
Từng tham gia thực hiện một số khảo sát liên quan đến nhu cầu sử dụng cát, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng Mê Kông – ông Nguyễn Hữu Thiện tính toán, nếu lấy tổng lượng cát khai thác được cấp phép ở các tỉnh ĐBSCL chia cho nhu cầu của vùng tiêu thụ (gồm ĐBSCL, TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ) sẽ thấy lượng cát khai thác theo giấy phép ở ĐBSCL chỉ đáp ứng được từ 10 – 20% tổng nhu cầu. Như vậy 80 – 90% nhu cầu thị trường không rõ được đáp ứng từ nguồn nào. “Từ đây có thể suy ra dường như đã có một lượng cát rất lớn “trong bóng tối” được khai thác trái phép trong nhiều năm qua và tất nhiên sẽ không có trong các báo cáo chính thức về khai thác cát”, ông Thiện nói.
ĐBSCL cần rà soát lại toàn bộ trữ lượng cát
Trong tình cảnh thiếu cát như hiện nay thì việc nhập khẩu này là giải pháp chấp nhận được. Nhưng cũng không vì tình thế đó mà lơi lỏng, thiếu kiểm soát dẫn tới những gian lận thương mại. Hơn lúc nào hết, ĐBSCL cần rà soát lại toàn bộ trữ lượng cát, bao gồm cả cát nhập khẩu để có một chiến lược khai thác, sử dụng cát hợp lý và bền vững hơn.
Khai thác cát lậu ngày càng ranh ma
Các địa phương ĐBSCL đã liệt kê hàng loạt lý do phân trần cho việc chống cát lậu kém hiệu quả như: Việc phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh trong phòng, chống khai thác, vận chuyển cát trái phép chưa chặt chẽ, việc kiểm tra, xử lý không đảm bảo yếu tố bí mật, dẫn đến cát tặc dễ dàng đối phó, cát tặc cho người theo dõi ngay tại cơ quan chức năng… Đặc biệt, cát tặc còn “lách luật” để tránh bị trừng phạt nặng. Cụ thể theo điều 227 bộ luật Hình sự, tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” quy định mức khởi điểm về giá trị tang vật là 500 triệu đồng, thu lợi bất chính 100 triệu đồng, hoặc tái vi phạm lần 2 mới đủ yếu tố căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy nên cát tặc thường tìm cách chỉ khai thác cát lậu với định lượng dưới mức chịu trách nhiệm hình sự, và thường xuyên thay đổi người khai thác lậu nhằm tránh lỗi tái phạm.
Đến 2025 vẫn chưa thể sử dụng cát biển cho cao tốc
Trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 mới đây, Bộ GTVT đã thông tin về việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cung cấp cho các DA giao thông, đặc biệt là nghiên cứu quy trình, cơ sở pháp lý nhằm sử dụng cát biển làm vật liệu cho các DA… Kết quả nghiên cứu cho thấy mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng có các chỉ tiêu cơ lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường. Theo đó, Trà Vinh có 3 mỏ cát ngoài cửa biển trữ lượng hơn 3,2 triệu m3, còn Sóc Trăng có trữ lượng cát biển lên tới 13,9 tỉ m3 nằm cách bờ biển khoảng 40 km.
Hiện tại, cát biển đã được triển khai ngoài hiện trường, thí điểm trên tuyến ĐT978 thuộc DA thành phần Hậu Giang – Cà Mau. “Dự kiến thí điểm trên sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. Như vậy, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các DA; vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các DA chủ yếu vẫn là cát sông”, Bộ GTVT nhận định.
Theo Báo Thanh Niên