Về trang chủ Xã hội Giáo dục Kết thúc thi tốt nghiệp THPT 2023: Nhiều băn khoăn về đề thi

Kết thúc thi tốt nghiệp THPT 2023: Nhiều băn khoăn về đề thi

Tại họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra cuối chiều 29.6, nhiều câu hỏi liên quan đến đề thi. Đó là cách ra đề thi năm nay; 2 đề thi môn văn và toán có thể nói là lộ hay lọt, cần xử lý thế nào; Bộ GD-ĐT còn tiếp tục ra đề và tổ chức thi đến bao giờ?…
Ban đề thi nói gì về đề văn theo lối mòn, trùng lặp ?

Nhiều câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo liên quan tới đề thi tốt nghiệp môn ngữ văn. Trong đó, có việc đề thi môn này trùng lặp với đề thi thử của địa phương đã tổ chức trước đó, cách ra vẫn đi theo lối mòn, ngữ liệu là những tác phẩm quen thuộc hàng chục năm qua, liệu có còn phù hợp với chủ trương “tuyên chiến với văn mẫu” mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo trong thời gian gần đây.

PGS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Đề thi, cho rằng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tinh thần của đề thi năm nay là giữ ổn định về cấu trúc như năm 2022, đề thi phải nằm trong chương trình, không ra vào phần giảm tải, phần vượt quá chương trình; đề thi cần phải có tính phân hóa tốt nhất trong khả năng, trong phạm vi một đề thi tốt nghiệp THPT.

Vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh đề thi sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

“Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa vào quy trình kiểm soát những phần trùng lặp nội dung đã thi hoặc các đề thi đã công bố bằng cách sử dụng các phần mềm và cơ sở dữ liệu được thu thập. Để chuẩn bị cho việc này, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công an. Cụ thể, số lượng dữ liệu chúng tôi đưa vào để rà soát là khoảng 120 GB, bao gồm tất cả đề đã thi, các câu hỏi chúng tôi đã tìm kiếm được trên mạng, các cơ sở gửi tới, Bộ GD-ĐT chủ động tìm… Sử dụng phần mềm có đối sánh, năm nay sử dụng cho cả 15 môn. Nhờ vậy đã hạn chế được rất nhiều phần trùng lặp. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này còn phụ thuộc vào dữ liệu mà Bộ GD-ĐT có”, ông Hà nói.

Với trường hợp đề môn văn bị cho là trùng đề thi thử của Nghệ An, ông Hà cho rằng, phần ngữ liệu thì trùng nhưng lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau. Điều này là bình thường với phần làm văn. Trong cả chương trình có tổng cộng 17 tác phẩm, nhưng có 2 tác phẩm không thuộc phần giao giữa chương trình THPT và giáo dục thường xuyên (GDTX). “Với chương trình 2006, chúng ta không thể nào ra khác được ngoài 15 tác phẩm. Điều quan trọng là lệnh hỏi khác nhau, cho nên chúng tôi không thấy có việc trùng đề”, ông Hà khẳng định.

Về vấn đề “văn mẫu”, theo Trưởng ban Đề thi, trong đề văn có phần đọc hiểu, có phần làm văn. Với đọc hiểu, về cơ bản chúng ta được phép sử dụng ngữ liệu không nằm trong chương trình. Đây là một điểm mới. Với phần này, tổ ra đề luôn hướng đến nội dung liên quan thiết thực tới các vấn đề xã hội, vấn đề có tính thời sự, vấn đề cần tính giáo dục. Với ngữ liệu nằm ngoài chương trình, phần đọc hiểu có tính mở cao. Về phần làm văn, Chương trình giáo dục phổ thông 2006 còn tiếp tục với khóa học sinh lớp 12 năm nay và sang năm (2024); sau đó sẽ có học sinh lớp 12 học chương trình 2018.

“Với chương trình 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo thực hiện tính mở cao với dạy học và đánh giá môn văn, không có những quy định nói về tác phẩm cụ thể. Khi đã không bị những ràng buộc như thế, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề về sự sáng tạo trong dạy học. Còn ở thời điểm hiện tại, do khuôn khổ của chương trình, chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng”, ông Hà chia sẻ thêm.

Quang cảnh buổi họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều qua
Mức độ khó – dễ khi ra đề thi

PV Thanh Niên nêu băn khoăn về việc một số đề thi có mức độ khó – dễ chưa phù hợp, có thể gây khó khăn cho công tác xét tuyển đại học. Trưởng ban Đề thi cho rằng, với vấn đề ra đề thi, nguyên tắc đầu tiên đặt ra là đảm bảo tính công bằng cho thí sinh. Tất nhiên, tính công bằng còn phải được đảm bảo ở các khâu khác như coi thi, chấm thi thì mới giải quyết được bài toán tổng thể. Tính công bằng thể hiện qua việc phải phân hóa được thí sinh.

Ông Hà thông tin: “Về cơ bản, đề thi năm nay có cấu trúc tương tự như năm ngoái: khoảng 50% mức độ 1 (nhận biết), 25% mức độ 2 (thông hiểu), 25% mức độ 3 và 4 (vận dụng và vận dụng cao)”.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), giải thích thêm: hiện nay, Bộ đang tiến tới việc kết thúc chương trình 2006, dần chuyển sang chương trình 2018. Do vậy, phải tính toán, cân nhắc, tham mưu cho lãnh đạo Bộ và Chính phủ là làm thế nào có lộ trình hợp lý nhất, phù hợp nhất mà không gây sốc cho học sinh.

Trong quá trình làm đề thi, lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo tiếp cận dần để thay đổi chất lượng, trong điều kiện khung chương trình 2006 để các em có thể làm quen dần với khung chương trình 2018. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để đến kỳ thi năm 2025, bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của chương trình 2018 thì những thay đổi này đạt mức độ toàn diện hơn, tính mở cao hơn, như xã hội kỳ vọng.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được đồng loạt công bố trên cả nước từ 8 giờ ngày 18.7
Tiếp tục xác minh đề văn, toán bị “phát tán ra ngoài”

Báo cáo của Bộ GD-ĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ ra rằng, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi.

Trong đó, có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an (A03) xác minh làm rõ và đình chỉ 2 thí sinh trên. A03 đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định.

“Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi”, Bộ GD-ĐT khẳng định và thông tin thêm, có 6 cán bộ coi thi phải dừng thực hiện nhiệm vụ liên quan đến trường hợp thí sinh chụp đề thi môn ngữ văn và toán gửi ra ngoài trong quá trình đang làm bài thi hai môn này.

Trước băn khoăn về trường hợp này được gọi là lộ hay lọt đề thi, ông Huỳnh Văn Chương cho rằng về phía Bộ, bước đầu xác định hành vi của các thí sinh này là vi phạm quy chế thi, mang và sử dụng thiết bị công nghệ có thu phát trong phòng thi là hành vi bị cấm. Còn hành vi ấy ảnh hưởng đến tính bảo mật đề thi ra sao thì Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ.

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó cục trưởng A03, cho biết khái niệm “lộ” trước đây đã được sử dụng trong Pháp lệnh bảo vệ về bí mật nhà nước. “Hiện nay, chúng ta đã có luật Bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng từ “lộ”. Căn cứ theo pháp luật hiện hành, đặc biệt là bí mật nhà nước thì chỉ còn khái niệm là “lộ”, không sử dụng từ “lọt””, thiếu tướng Chung nói.

Về việc ảnh chụp đề thi môn ngữ văn và toán chuyển ra bên ngoài trong thời gian làm bài, thiếu tướng Chung cho biết: “A03 đã phối hợp xác minh và xác định được người kết nối. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, điều tra, xác định xem có lời giải chuyển vào bên trong phòng thi hay không”. Đồng thời, thiếu tướng Chung thông tin hiện chưa phát hiện thấy có việc này.

Ông Chung cũng chia sẻ thêm về quan điểm xử lý 2 thí sinh vi phạm quy chế thi. Theo ông Chung, A03 sẽ căn cứ kết quả xác minh, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra, xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và đặc biệt nếu hành vi đến mức phải xử lý hình sự thì xử lý hình sự, nếu không thì xử lý hành chính. “Phải xem xét, đánh giá, trước khi xử lý phải tính toán nhân văn trong việc này. Đối với 2 trường hợp này, chúng tôi đang tiếp tục xác minh và kết quả sẽ thông báo sau”, ông Chung nhấn mạnh.

Theo thiếu tướng Chung, trước kỳ thi, Bộ Công an đã triệt phá nhóm đối tượng mua bán, sử dụng thiết bị công nghệ cao. Thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thí sinh và nhân dân, hướng đến kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Ngoài ra, cần nghiên cứu đề xuất thiết bị chống thiết bị sử dụng công nghệ cao được giấu trong người; đồng thời, chú trọng tập huấn nâng cao khả năng phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cho cán bộ coi thi.

Sẽ không công bố điểm thi lúc 0 giờ

Thay vì công bố điểm thi tốt nghiệp THPT lúc 0 giờ như các năm trước, năm nay, Bộ GD-ĐT quy định rõ giờ công bố điểm thi là 8 giờ ngày 18.7. Như vậy, thời gian công bố điểm thi năm nay cũng đẩy lên sớm hơn 1 tuần do lịch thi năm nay không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như năm trước (năm 2022, thí sinh biết điểm thi vào ngày 24.7).

Chậm nhất ngày 15.7, hoàn thành công tác chấm thi. Công bố kết quả thi đồng loạt trên cả nước từ 8 giờ ngày 18.7.

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm