Về trang chủ Văn hóa Khoảng 100 tài liệu, đầu báo tại Triển lãm trực tuyến ‘Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945’

Khoảng 100 tài liệu, đầu báo tại Triển lãm trực tuyến ‘Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945’

Ngày 21/6, kỷ niệm 98 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) tiến hành Triển lãm trực tuyến “Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945”. Triển lãm giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh, đầu báo lựa chọn từ các khối tài liệu đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cũng như sưu tầm từ các thư viện, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.

Triển lãm trực tuyến “Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945” thực hiện trên website và fanpage của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tại địa chỉ https://archives.org.vn/baochi, nhằm giới thiệu đến công chúng những tài liệu tiêu biểu về chủ trương của chính quyền đương thời, hệ thống báo chí và hoạt động báo chí của nước ta thời kỳ thuộc địa.

Triển lãm 3D “Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945”

Do hoàn cảnh lịch sử, Nam kỳ trở thành cái nôi của báo chí hiện đại Việt Nam. Báo chí được phát hành tại Nam Kỳ từ những năm 1860. Trong khi đó, phải đến thập niên 1880, những tờ báo đầu tiên mới xuất hiện ở Bắc kỳ. Từ đó đến năm 1945, hàng trăm tờ báo bằng tiếng Pháp, chữ Hán và chữ Quốc ngữ đã ra đời ở cả ba kỳ. Báo chí du nhập vào Việt Nam kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề gắn liền với lĩnh vực này như sản xuất giấy in, in ấn, lưu hành, phân phối báo chí và quảng cáo.

Gia Định báo, tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam

Ban đầu, báo chí chủ yếu đăng tải các văn bản pháp quy của chính quyền thuộc địa. Qua thời gian, nội dung và thể loại báo ngày càng trở nên đa dạng. Bên cạnh các nhật báo cung cấp thông tin mới nhất về tình hình thời sự trong và ngoài nước, còn xuất hiện các tờ tuần san, bán tuần san, nguyệt san, bán nguyệt san, tạp chí nghiên cứu, tạp chí chuyên ngành, báo dành riêng cho nhi đồng, phụ nữ…

Báo Cứu Quốc (Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh) số Xuân năm Quý Mùi, xuất bản đầu năm 1943
Tạp chí Tao Đàn (chuyên về văn hóa, văn học nghệ thuật) xuất bản năm 1939
Đông Dương tạp chí

Chính quyền Pháp không ngừng sử dụng báo chí phục vụ mục đích cai trị và khai thác thuộc địa đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận của các nhóm tiến bộ và có tư tưởng chống áp bức, bất công. Ngược lại, các cá nhân, tổ chức yêu nước của Việt Nam cũng tích cực biến báo chí thành công cụ đấu tranh để lên tiếng bênh vực và đòi quyền lợi chính đáng cho dân tộc, cho đồng bào.

Máy chữ đầu thế kỷ XX
Nhà in Tân Dân
Toàn cảnh nhà máy giấy Đáp Cầu (Bắc Ninh)

Triển lãm “Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945” giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh, đầu báo lựa chọn từ các khối tài liệu đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng như sưu tầm từ các thư viện, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước. Triển lãm được bố cục gồm 2 phần. Phần I “Những cột mốc làng báo”, giới thiệu một số dấu mốc thời gian quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam từ khi người Pháp xâm chiếm Nam kỳ đến trước năm 1945 gắn liền với việc ban hành và thực thi những văn bản pháp quy tiêu biểu cũng như các đầu báo nổi bật của từng thời kỳ. Phần II “Ấn loát và lưu hành”, giới thiệu những tài liệu, hình ảnh về một số vấn đề gắn liền với công tác phát hành và lưu hành báo chí sẽ xuất hiện tại phần này, tiêu biểu gồm có giấy in, nhà in, lưu chiểu, bán báo và quảng cáo.

Theo Báo Tiền Phong

Có thể bạn quan tâm