Ngày 19.6, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết tại Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII (tháng 5.2022), T.Ư Ðảng đã quyết định chủ trương thành lập các ban chỉ đạo cấp tỉnh. Khi đó cũng còn có ý kiến băn khoăn về hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo. Do đó, sau 1 năm thành lập, hội nghị lần này nhằm đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, qua đó khẳng định chủ trương thành lập các ban chỉ đạo cấp tỉnh có cần thiết và phù hợp xử lý hay không.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng cho hay vừa qua, có dư luận băn khoăn vì sao chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như thế, nhưng vẫn xảy ra một số vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, liên quan nhiều cán bộ ở cả T.Ư và địa phương? Dư luận cũng bức xúc trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm. Ngoài ra là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, tức “tham nhũng vặt”, vẫn còn diễn ra.
“Tôi đã từng nói, có một bộ phận cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân. Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào thì như một ông vua con ở đấy”, Tổng Bí thư nhấn mạnh và khẳng định đó là những vấn đề bức xúc và cũng là yêu cầu, đòi hỏi của người dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuy đã làm tốt rồi, nhưng cần phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Bước đầu khắc phục “trên nóng, dưới lạnh”
Về kết quả hoạt động của các ban chỉ đạo cấp tỉnh, Tổng Bí thư thông tin chỉ sau 1 năm thành lập, ban chỉ đạo cấp tỉnh đã triển khai tương đối toàn diện các mặt công tác và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần tạo chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
Các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao, nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục được hạn chế mà lâu nay ta vẫn nói là “trên nóng, dưới lạnh”.
“Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng ban chỉ đạo cấp tỉnh đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của thường trực ban chỉ đạo và các thành viên ban chỉ đạo, tạo ra sức mạnh tổng hợp, như tôi đã nói là không ai có thể đứng ngoài cuộc được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Qua đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh kinh nghiệm là sự kế thừa, tiếp nối kinh nghiệm sau 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng đó là phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ, quyết liệt của ban chỉ đạo cấp tỉnh; phát hiện và chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của ban chỉ đạo; kịp thời chấn chỉnh những khâu, mắt xích yếu; đồng lòng làm, làm quyết liệt. Cùng đó là phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội; cơ quan truyền thông và báo chí; doanh nghiệp, doanh nhân; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Phải dựa vào dân, lắng nghe dân, phải tập trung giải quyết những phản ánh, kiến nghị, những khiếu nại, tố cáo, bức xúc của nhân dân về tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
T.Ư không làm thay
Về nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh các ban chỉ đạo cấp tỉnh phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, tổ chức công việc, hoạt động của ban chỉ đạo phải hết sức khoa học, chặt chẽ, bài bản, nền nếp, bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng.
“Tránh phô trương, hình thức, thành lập cho có, được chăng hay chớ; nhất là tránh tình trạng đầu voi, đuôi chuột, lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau cứ thưa thớt, nguội lạnh dần”, Tổng Bí thư lưu ý.
Tổng Bí thư cho hay tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây, Tổng Bí thư đã nói rằng ngay việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng đã là răn đe; yêu cầu phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; không trông chờ vào cấp trên. “T.Ư không làm thay các đồng chí…”, Tổng Bí thư khẳng định.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh phải tiếp tục chỉ đạo nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy đảng, tính tiên phong, gương mẫu, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên; chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng sợ sai, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư lưu ý phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi khi cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo; những biểu hiện làm cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương để làm gương, tạo sự cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung. “Tôi đã nói nhiều lần rồi, nay vẫn xin nhắc lại: Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Không để nhân sự có vi phạm lọt vào cấp ủy các cấp
Một nhiệm vụ khác, Tổng Bí thư yêu cầu tập trung chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn; những vấn đề cấp bách, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
Theo Tổng Bí thư, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; vừa kiên quyết xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, nghiêm trọng, phức tạp, vừa phải kiên trì xử lý dứt điểm những vụ việc tiêu cực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Tổng Bí thư yêu cầu các ban chỉ đạo cấp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nhất là chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và ban chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Ðại hội Ðảng các cấp nhiệm kỳ tới. “Kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân
Tổng Bí thư yêu cầu phát huy mạnh hơn nữa vai trò của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức chính trị – xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan chức năng làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, bởi non cao vẫn có đường trèo, đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi”, Tổng Bí thư khẳng định.
Theo Báo Thanh Niên