Thảo luận dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào ngày 19-6, nhiều đại biểu đã tranh luận về việc tạo quỹ nhà ở xã hội như thế nào. Chính sách ưu đãi ra sao?
Thảo luận cũng xoay quanh việc Nhà nước hay tư nhân đóng vai trò chính? Và quan trọng xây nhà ở xã hội nên hướng đến việc thuê hay bán?
Thực tế hiện nay tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, các dự án nhà ở đang chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân xây dựng. Dự án đầu tư bằng vốn ngân sách ít ỏi. Để thu hồi vốn nhanh, hầu như chủ đầu tư chọn bán thay vì cho thuê đối với loại hình nhà ở xã hội.
Chỉ nên tập trung nhà cho thuê?
Nhìn nhận thực tế này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng dự luật đang hướng đến mục tiêu cho người dân có quyền sở hữu nhà ở xã hội, thay vì bảo đảm quyền có chỗ ở hợp pháp. Trong khi việc mua để sở hữu một căn hộ dù trả góp là gánh nặng lớn, vượt sức của nhiều người thu nhập thấp.
Và theo ông Hiển, kinh nghiệm nhiều nước cho thấy chính sách nhà ở xã hội đều hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo nơi ở cho người dân.
Bởi vậy, các nước làm nhà ở xã hội hầu như để cho thuê. Cũng vì vậy, chính sách có sự tách bạch giữa chính sách phát triển với chính sách quản lý, vận hành.
Chủ đầu tư làm xong dự án sẽ có tổ chức khác chuyên biệt đảm nhận việc quản lý, vận hành để đảm bảo mục tiêu hỗ trợ nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Các tổ chức quản lý và vận hành dù công hay tư đều song hành với chủ đầu tư từ giai đoạn phát triển dự án, cam kết mua nhà, các căn hộ với mức giá hợp lý để cho thuê dài hạn.
Đại biểu Hiển kiến nghị sửa đổi khái niệm nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không quy định hình thức mua, cho thuê mua.
Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định về nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt nguồn vốn ngân sách, cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng nếu chỉ thiên về xây dựng nhà ở xã hội để bán sẽ không đáp ứng được nhu cầu về nguồn cung và khả năng tài chính của phần đông người dân.
Theo ông Thành, số liệu khảo sát chỉ có 1/5 số lượng đáp ứng được nhu cầu của loại hình này. Trong khi chiến lược phát triển nhà ở cho thuê của nhiều quốc gia thành công như Singapore, Malaysia… là bài học kinh nghiệm quý.
Ông Thành đề nghị Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ, đột phá tập trung ưu tiên cho loại hình nhà ở cho thuê, cho thuê mua để phù hợp với phần lớn người lao động.
Ông cũng đề nghị Nhà nước sử dụng các công cụ thuế, tín dụng hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách và coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội.
Nhà nước có đủ nguồn lực làm?
Nói về đề xuất của đại biểu Hiển, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) dù thấy đề xuất hợp lý nhưng băn khoăn: “Để thực hiện được, Nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn, điều này vượt quá khả năng thực tế. Đối với nhà đầu tư thì việc bỏ tiền chẵn ra rồi thu tiền lẻ về cũng rất khó thu hút được đầu tư, như tình trạng đã xảy ra thời gian qua”.
Tranh luận lại ý kiến này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng nên phát triển nhà cho thuê. Về lo lắng Nhà nước không có đủ tiền, theo ông Ngân, nên rà soát quỹ tài sản công bỏ hoang lãng phí để bán đấu giá tạo nguồn vốn.
“Nếu Chính phủ rà soát và Quốc hội giám sát việc này thì sẽ có một nguồn lực tài chính rất lớn để đầu tư nhà cho thuê”, ông Ngân nói.
Ở góc độ khác, cho rằng việc dự thảo luật chỉ cho công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là không hợp lý, nhiều đại biểu kiến nghị nên mở rộng đối tượng.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho rằng thay vì bó hẹp như dự luật, cần mở rộng đối tượng ra cả khu vực ngoài khu công nghiệp. Một bộ phận lớn người lao động và công nhân khu vực này rất cần có chính sách quan tâm của Nhà nước về hỗ trợ nhà ở.
Phát biểu và đưa ra giải pháp, đại biểu Nguyễn Đình Khang – chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết tổng liên đoàn đã hoàn thành đầu tư thí điểm dự án thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) với năm chung cư (gồm 244 căn hộ) và đã cho thuê đạt tỉ lệ 100%.
Giá thuê nhà ở thấp hơn so với giá nhà trọ xung quanh, nhưng chất lượng ở tốt hơn rất nhiều. Nguồn tài chính thu được từ việc cho thuê tiếp tục được tổng hợp để bố trí đầu tư tại các địa điểm khác.
Theo ông Khang, tổng liên đoàn đang phối hợp với UBND các tỉnh thành kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế công đoàn. Dự kiến giai đoạn 2023 – 2025, việc triển khai dự án được thực hiện tại 13 địa phương, tạo ra 11.554 căn hộ.
Đến năm 2030 tại các địa phương khác tạo lập được 13.455 căn hộ. Nếu được Quốc hội thông qua nội dung, tổng liên đoàn trực tiếp tham gia đầu tư dự án nhà ở tại khu thiết chế công đoàn để cho công nhân thuê.
Tổng liên đoàn sẽ chủ động trong việc đầu tư và dự kiến đến năm 2030 sẽ xây dựng ít nhất tại bảy địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Theo Báo Tuổi Trẻ