Về trang chủ Xã hội Tin tức Căn cước gắn chip chậm thành ‘chìa khóa vạn năng’

Căn cước gắn chip chậm thành ‘chìa khóa vạn năng’

Ngày 6.1.2022, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Đây là bước ngoặt lớn trong tiến trình cải cách dữ liệu về thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng Chính phủ số, công dân số; với kỳ vọng về những tiện ích đột phá lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thẻ CCCD gắn chip được kỳ vọng là “chìa khóa vạn năng” giúp khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, Đề án 06 đã đạt được một số kết quả quan trọng, mà xương sống là việc hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số liệu từ Bộ Công an cho thấy, tính hết quý 1/2023, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 13 bộ, ngành; 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tuy nhiên, nhiều lực cản cũng xuất hiện, khiến lộ trình thực hiện một số mục tiêu theo đề án chưa đáp ứng như dự kiến.

Ký cam kết đã 2 năm nhưng vẫn chưa được khai thác dữ liệu

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND phường tại Hà Nội cho hay dù Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức vận hành từ 1.7.2021 nhưng đến thời điểm hiện tại thì cán bộ cấp phường vẫn chưa thể khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu này. “Các cán bộ phường đều đã ký cam kết về bảo mật thông tin của người dân khi khai thác dữ liệu. Ký từ năm ngoái, thậm chí năm kia, nhưng tới giờ thì vẫn chưa được khai thác”, vị này chia sẻ.

Cũng theo lộ trình thực hiện Đề án 06, thẻ CCCD gắn chip sẽ là “chìa khóa vạn năng”, giúp người dân không cần xuất trình các giấy tờ đã được tích hợp khi thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời giúp cán bộ và cơ quan giải quyết giảm tải công việc cần phải làm. Thế nhưng, theo phản ánh từ vị lãnh đạo phường, khi cán bộ quét mã QR trên CCCD gắn chip thì các trường thông tin hiện ra chưa đầy đủ, dẫn tới việc giải quyết các thủ tục (xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, chế độ chính sách…) thay vì nhanh gọn như mong muốn lại trở nên mất nhiều thời gian, công sức hơn.

Đơn cử như trường hợp công dân từng có nhiều nơi cư trú mà cần xác nhận tình trạng hôn nhân. Thông thường, cán bộ sẽ đề nghị người dân (trên tinh thần tự nguyện) cung cấp sổ hộ khẩu giấy (đã bãi bỏ) hoặc các giấy tờ về nhân thân, để đối chiếu, kiểm tra thông tin. Nếu có, mọi việc tương đối suôn sẻ; nhưng nếu không, phiền phức sẽ phát sinh.

Mới đây, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) có công văn gửi sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, nêu rõ: Nếu cần làm rõ tình trạng hôn nhân tại nơi thường trú trước đây của công dân, cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm chủ động, phối hợp với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xác minh theo quy định, không yêu cầu người dân nộp/xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú.

Từ tinh thần trên, vị lãnh đạo phường cho hay, trường hợp công dân không có giấy tờ liên quan, cán bộ phường sẽ chủ động phối hợp với công an phường xác minh thông tin về cư trú để xác định tình trạng hôn nhân. Việc xác minh sẽ mất rất nhiều thời gian, từ 7 – 15 ngày, vì “UBND phường gửi văn bản sang công an phường, công an phường gửi văn bản lên công an quận”.

Đó là ở cấp phường, còn với cấp thành phố, UBND TP.Hà Nội cũng than khó khi việc liên thông các phần mềm dịch vụ công gặp nhiều vấn đề: hệ thống không đồng bộ hoặc đồng bộ kéo dài, chậm trả thông tin hoặc không phản hồi, công dân không theo dõi được tiến trình hồ sơ hoặc bổ sung, điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu… Cá biệt, Bộ Tư pháp triển khai thí điểm cấp bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử tại 2 địa phương, trong đó có Hà Nội. Thế nhưng, cơ quan công an lại chưa đồng ý tiếp nhận với lý do không có dấu đỏ.

Làm CCCD có gắn chip cho người dân tại Hà Nội
Bị động, thiếu quy hoạch tổng thể

Khó khăn cũng xảy ra đối với nhiều bộ, ngành, tập trung phần lớn ở yếu tố cơ sở hạ tầng, kinh phí triển khai, khối lượng công việc rất lớn nhưng sự phối hợp giữa các đơn vị chưa thực sự nhịp nhàng…

Ông Chu Mạnh Sinh, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, cho biết BHXH VN là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hàng loạt tiện ích đã được khai thác và phục vụ người dân như: xác thực thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH VN quản lý; chia sẻ, cung cấp bản ghi thông tin về BHYT, triển khai các giải pháp kỹ thuật để từng bước sử dụng thẻ CCCD gắn chip và ứng dụng VNeID thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh…

Tuy vậy, ông Sinh cũng nhìn nhận công tác triển khai Đề án 06 còn nhiều tồn tại. Điển hình, công tác chỉ đạo và triển khai của một số đơn vị chưa sâu sát; sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, kịp thời; việc sửa đổi, nâng cấp phần mềm để đáp ứng các quy trình, quy định còn chậm; chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như số lượng người dân sử dụng chưa cao. Nhất là việc kết nối, khai thác thông tin, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn vướng mắc.

Tương tự, được giao nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, Bộ TN-MT đến nay đã hoàn thành xây dựng giải pháp làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở. Nhưng theo ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN-MT, việc thu thập dữ liệu gặp nhiều khó khăn khi công tác quản lý đất đai qua nhiều thời kỳ không được cập nhật đầy đủ, có sự khác biệt lớn giữa dữ liệu của cơ quan nhà nước và thực tế sử dụng đất, khó tiếp cận tài liệu đất đai của người dân (cất giữ kỹ, đã thế chấp..) để đối soát, làm sạch, làm giàu. Bên cạnh đó là nguồn kinh phí để triển khai lớn nhưng chưa được bố trí kịp thời, điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế (không/chưa có máy chủ phục vụ kết nối); các dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu, xác thực và định danh điện tử hoạt động chưa ổn định, tốc độ xử lý chậm, còn bị lỗi…

Hay như từ câu chuyện hơn 17 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19 đến nay vẫn chưa thể cập nhật do xác thực sai thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Y tế cho biết việc triển khai, xây dựng các dự án thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 06 về cơ bản còn bị động, do thiếu quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số y tế.

Thời gian qua, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai rời rạc, thiếu kết nối; không đầy đủ dữ liệu cần cho quản lý chuyên ngành. Các hệ thống thông tin chủ yếu khai thác dữ liệu báo cáo nhập tay, chưa có các hệ thống thông tin quản lý tổng thể nghiệp vụ đối với từng lĩnh vực chuyên ngành y tế. Chưa kể, hạ tầng kỹ thuật về thiết bị máy chủ, lưu trữ, mạng kết nối và bảo đảm an toàn thông tin mạng chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các giải pháp kỹ thuật. Đặc biệt, việc hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thiếu sự tham gia của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành, do phần lớn các bệnh viện thiếu kinh phí thực hiện.

Khó vì hệ thống chưa an toàn

Theo đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an), hiện Đề án 06 đang đi theo đúng lộ trình đề ra. Tháng 5.2023, nhiều kết quả tích cực đã đạt được, như: dịch vụ công thông báo lưu trú đạt 99,9%, đăng ký thường trú đạt 89,4%, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi thành công tại phần mềm quản lý thi tốt nghiệp…

Về việc một số bộ, ngành, địa phương than khó kết nối, khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vị đại diện giải thích: Khi muốn kết nối với cơ sở dữ liệu thì các đơn vị phải chuẩn bị hệ thống đảm bảo an ninh an toàn, nếu không đạt tiêu chí này sẽ không được kết nối.

“Khi một đơn vị đã chuẩn bị xong hệ thống và đề nghị kết nối, chúng tôi sẽ cử bộ phận chuyên gia của Cục An ninh mạng (Bộ Công an) xuống kiểm tra, nếu phát hiện lỗ hổng sẽ đề nghị khắc phục cho đến khi đảm bảo an toàn thì mới được kết nối, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng lỗ hổng này để đánh cắp dữ liệu dân cư”, vị đại diện nói.

Vì vậy, đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đề nghị các bộ, ngành, địa phương chưa kết nối được với cơ sở dữ liệu cần sớm hoàn thiện hệ thống, đảm bảo an ninh an toàn để được kết nối, khai thác. Đồng thời, các bộ, ngành cũng phải chủ động làm sạch dữ liệu của mình để việc kết nối, liên thông thuận lợi, tránh gây phiền hà cho người dân.

Về phía Bộ Công an, cơ quan này vẫn đang rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06, cùng đó là tiếp tục hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ cho việc chia sẻ, kết nối dữ liệu.

Một tín hiệu vui đến từ Bộ Xây dựng. Đại diện bộ này cho biết đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá an toàn hệ thống thông tin cho hạ tầng mạng của bộ và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Trong tháng 6.2023, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Công an để kết nối chính thức.

Trước đó, Bộ Xây dựng phối hợp các đơn vị thực hiện nhiều đợt rà soát, vá lỗ hổng hệ thống. Sau khi đạt yêu cầu về bảo mật, Bộ Xây dựng làm công văn đề nghị kết nối chính thức, hiện chỉ chờ phía Bộ Công an cung cấp khóa kết nối. Quá trình dự kiến chỉ mất 2 – 3 ngày.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng còn triển khai một hệ thống chạy song song nhằm dự phòng. Nếu gặp sự cố, hệ thống sẽ tạm dừng kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư nhưng vẫn đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính không bị gián đoạn.

Cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai

Tại hội nghị giao ban về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Đề án 06 ngày 14.6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ ngành bám sát các nhóm vấn đề, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai, đi trước một bước để thúc đẩy các địa phương.

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, hoàn thành trong tháng 6.2023; đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động; nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Các bộ, ngành cần kiểm tra, đôn đốc địa phương trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông, nhất là các hồ sơ quá hạn; thường xuyên đánh giá toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan mình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, để từ đó lựa chọn những dịch vụ công thiết thực, tần suất sử dụng cao gắn liền nhu cầu hằng ngày của người dân, doanh nghiệp.

Đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử – Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí”, Phó thủ tướng đề nghị hoàn thiện phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành, bảo đảm kết nối thông suốt với phần mềm dịch vụ công liên thông; hướng dẫn nghiệp vụ cho các địa phương thực hiện.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, dần thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.

Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch, chủ trì phối hợp Bộ Công an tập trung triển khai các giải pháp về đồng bộ dữ liệu thuế, sử dụng căn cước công dân, định danh điện tử là mã số thuế và định danh trong các giao dịch điện tử để nâng cao hiệu quả thu thuế. Đặc biệt, Bộ Y tế phải tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 như cập nhật dữ liệu nhóm thông tin cơ bản về y tế vào cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm phục vụ triển khai sổ sức khỏe điện tử…

Theo Báo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm